VNTB – Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản miễn thị thực cho dân Việt Nam
Mỹ Tiến
19.12.2023 6:11
VNThoibao
Đối tác chiến lược toàn diện thì phải miễn thị thực cho nhau?
Trong chuyến thăm Nhật lần này, ông Phạm Minh Chính đã đề nghị Nhật Bản thúc đẩy đơn giản hóa, tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh nước này. Thủ tướng Việt Nam đề cập tới vấn đề này khi tiếp Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt Nikai Toshihiro, chiều 16/12.
Theo số liệu thống kê về số lượng công dân nước ngoài cư trú tại Nhật Bản của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Bộ tư pháp Nhật Bản) tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023, số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản là 529.154 người, tăng 6.3% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng người Việt sống tại Nhật chỉ đứng sau Trung cộng (788.495 người).
Trong số này, có tới hơn 400.000 người Việt Nam sang Nhật để lao động, theo Bộ LĐ-TB&XH. Bao gồm: thực tập kỹ năng; lao động đặc định; kỹ thuật, nhân văn, nghiệp vụ quốc tế; điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên, phiên dịch viên…
Ông Chính cho rằng muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về lao động, đào tạo nguồn nhân lực thì Nhật phải tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt nhập cảnh vào Nhật. Theo người đứng đầu chính phủ cộng sản thì việc xem xét nới lỏng và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam sẽ giúp tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Liệu Nhật có dám bỏ thị thực cho Việt Nam?
Đề xuất bỏ thị thực cho người Việt có thể sẽ là trò cười cho phía Nhật Bản, khi nhìn vào thực trạng người lao động Việt Nam tại xứ sở mặt trời mọc. Các số liệu thống kê đều cho thấy rằng người Việt Nam đứng đầu danh sách tội phạm nước ngoài tại Nhật. Trong số người Việt Nam phạm tội, phần lớn là những có visa du học, người sang Nhật học nghề. Phụ nữ Việt Nam cũng chiếm số lượng lớn trong những vụ trộm đồ bị bắt tại các cửa hàng ở Nhật Bản.
Năm 2017, người Việt đứng đầu về số vụ phạm pháp trong cộng đồng người nước ngoài sống tại Nhật, với 5.140 vụ phạm pháp do công dân Việt Nam gây ra, tăng từ 3.177 vụ trong năm 2016 và chiếm 30.2% tổng số. Ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong người Việt, khoảng 3.080 vụ, trong đó gồm 2.037 vụ chôm đồ tại cửa hàng và 477 vụ ăn trộm nhà dân. Trong số người Việt Nam gây phạm tội, 41 % là du học sinh, 29% là thực tập kỹ thuật.
Năm 2020, cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết tỷ lệ phạm pháp của du học sinh và thực tập sinh Việt Nam tại nước này tăng rất mạnh những năm gần đây. NPA ghi nhận gần 600 vụ thực tập sinh Việt vi phạm pháp luật, tăng 60% so với năm trước đó, tức trung bình ít nhất có 1-2 vụ phạm pháp/ngày. Người Việt liên quan đến 60% số vụ trộm, 35% vụ ẩu đả do người nước ngoài thực hiện ở Nhật.
Thanh Hoá, quê hương của thủ tướng Phạm Minh Chính, là một trong những tỉnh đứng đầu trong nhóm có người xuất khẩu lao động bất hợp pháp tại Nhật. Những người này đi theo dạng visa du lịch rồi bỏ trốn lại Nhật Bản để lao động chui. Tỷ lệ tội phạm người Thanh Hóa cũng nằm trong top cao nhất ở Nhật. Thậm chí có thời gian Nhật Bản từng phải cấm người dân từ một số huyện ở Thanh Hoá nhập cảnh, vì các lý do trên.
“Nếu Việt Nam thật sự có tinh thần ‘tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả’ với phía Nhật, như những gì lãnh đạo cộng sản nói. Thì nhà nước Việt Nam phải có chiến lược xây dựng lại văn hoá, giáo dục, con người, để dân Việt Nam không còn thói khôn vặt, trộm cướp, côn đồ, gây rối trật tự và nhiều tệ nạn khác. Từ đó bạn bè quốc tế mới tin tưởng miễn thị thực cho công dân Việt Nam. Còn cứ để tình trạng tội phạm người Việt càng ngày càng tăng như hiện nay thì dần dần quốc tế họ sẽ cấm nhập cảnh mình luôn chứ không còn là chuyện siết chặt thị thực nữa”. Anh B.H. một nhà vận động dân chủ nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo.
No comments:
Post a Comment