Đường sắt Côn Minh – Hải Phòng : Bắc Kinh thử thách chính sách cân bằng đối ngoại của Hà Nội
Minh Anh
Đăng ngày: 18/12/2023 - 13:59
RFI
Tuyến đường sắt này, được Pháp xây dựng hồi đầu thế kỷ XX, đi từ Côn Minh, qua cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai, chạy qua thủ đô Hà Nội và kết thúc tại thành phố cảng Hải Phòng, để rồi sau đó sẽ đấu nối với tuyến đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng – Đông Hưng vừa mới hoàn thành, tuyến đường cao tốc đầu tiên đến biên giới Việt Nam. Mục tiêu của những dự án là nhằm tăng cường kết nối giao thương giữa hai nước.
Điểm đáng chú ý là tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng đi xuyên qua khu vực giầu tài nguyên của Việt Nam và kết nối với các tuyến giao thông duy nhất dẫn đến khu mỏ Núi Pháo cực kỳ sinh lời của Việt Nam.
Theo các thăm dò, Việt Nam có trữ lượng kim loại hiếm lớn thứ hai, và trữ lượng chất vonfram (còn được gọi là tungsten hay wolfram) đứng thứ ba trên thế giới. Đây là những loại đất hiếm quan trọng cho sản xuất công nghệ và vũ khí. Nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của Mỹ và các đồng minh, xem đây là một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thế nên, không có gì là đáng ngạc nhiên khi gần đây Việt Nam có các cam kết với Mỹ và các đồng minh về đầu tư công nghiệp.
Đặc biệt, mỏ khoáng sản Núi Pháo có một giá trị không thể đánh giá thấp. Đây không chỉ là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới có trữ lượng ước tính 66 triệu tấn, mà còn là một mỏ đa kim loại, có trữ lượng đáng kể về fluorit, đồng và bismuth.
Theo tác giả, một mỏ khoáng sản như vậy là rất hiếm và hứa hẹn mang lại nhiều lợi thế giúp Việt Nam cạnh tranh với thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khai khoáng. Do vậy, Bắc Kinh rất muốn có được sự hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực này và việc đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt là cách chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch trên.
Hà Nội muốn xoa dịu nỗi lo "xích lại gần Hoa Kỳ"
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất dự án tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng. Năm 2019, Việt Nam đã tìm cách thoái thác do lo ngại về an ninh – kinh tế. Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Nội là dự án duy nhất nhận khoản vay từ BRI, nhưng không được dán nhãn là một phần của BRI.
Vậy tại sao lần này Hà Nội lại thay đổi quan điểm ? Theo quan sát của nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Quân Sự Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, thời điểm đưa ra thông báo có một ý nghĩa lớn, nằm giữa các cam kết cấp cao quan trọng với Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản.
Sự việc cho thấy chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam nhằm củng cố hơn nữa quyền tự do hành động vẫn bị hạn chế. Bị phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc, Việt Nam có nguy cơ lãnh đòn trừng phạt nếu vượt quá ranh giới tự chủ do Bắc Kinh vạch ra.
Chính vì lý do này mà sau khi đã nâng tầm quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất, Hà Nội theo đuổi chính sách lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản, Úc, Indonesia, Singapore. Mục đích là nhằm xoa dịu nỗi lo của Trung Quốc về việc Việt Nam tiến quá gần đến quỹ đạo của Mỹ.
Bắc Kinh thông báo sẵn sàng viện trợ cho việc xây dựng các tuyến đường sắt, nhưng tầm mức viện trợ và các điều khoản vẫn chưa rõ ràng. Trước mắt, Hà Nội có rất ít phạm vi hành động, và đã sử dụng hết quyền tự chủ của mình trong việc tiếp cận với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Tác giả kết luận : Giờ đến lượt Trung Quốc trắc nghiệm giới hạn của sự tôn trọng của Việt Nam !
No comments:
Post a Comment