Thực chất của "cộng đồng chia sẻ tương lai"Bình luận của Hà Lệ Chi
18-12-2023
RFA
AFP
Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt
Ngày 12-13/12 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Hà Nội, trong chuyến thăm này, Việt - Trung đã đưa ra Tuyên bố chung, đồng ý cùng nhau xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai.” [1]
Điều đáng nói là cho đến nay, chưa có một giải thích rõ ràng nào về “Cộng đồng chia sẻ tương lai” thực sự là gì? Về phía nhà nước Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có giải thích nội hàm của “cộng đồng chia sẻ tương lai” là: “hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng, phát triển quan hệ hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.”[2]
Đọc xong lời giải thích này, dường như cũng chẳng ai hiểu được nội hàm của cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai” là gì.
Đánh giá về kết quả của chuyến thăm của ông Tập và việc ký kết giữa hai bên Việt - Trung, có khá nhiều ý kiến khác nhau từ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Một số người thì lo lắng khi liên quan đến bất cứ điều gì từ Trung Quốc, [3] còn một số người khác ở hải ngoại như Nhân Việt TV khẳng định Việt Nam đã thắng.[4] Nhà báo Đỗ Dũng cũng trả lời trên nhiều đài, khẳng định Việt Nam đã thắng lớn khi né được “cộng đồng chung vận mệnh” mà chuyển sang “cộng đồng chia sẻ tương lai.”[5] Thậm chí nhà báo Đỗ Dũng trong một chương trình còn khẳng định “Tập Cận Bình trắng tay trên đất Việt Nam.”[6]
Vậy thực chất của “cộng đồng chia sẻ tương lai” là gì? và liệu Việt Nam sẽ được hay mất trong việc tham gia và ký kết trong chuyến đi của ông Tập lần này?
Từ “Cộng đồng chung vận mệnh” đến “cộng đồng chia sẻ tương lai”
Xuất phát điểm của cụm từ “Cộng đồng chia sẻ tương lai” là cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh.” Cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” (人类命运共同体) lần đầu tiên xuất hiện trong diễn ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 8 tháng 11 năm 2012, trong Báo cáo chính trị của Hồ Cẩm Đào trước Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong Báo cáo mà Hồ Cẩm Đào trình bày thì cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” chưa có từ “nhân loại”, liên quan đến phần nói về Đài Loan. Hồ nói: “Chúng ta nên khuyến khích đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan đoàn kết và theo đuổi nỗ lực chung. Đồng bào hai bên cùng một dân tộc Trung Hoa, tạo thành một cộng đồng chung vận mệnh, gắn bó huyết thống.”[7]
Trong bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia tại Moscow vào tháng 3 năm 2013, Tập Cận Bình nhắc lại: “Đó là một thế giới nơi các quốc gia được liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ chưa từng thấy. trước. Nhân loại, bằng cách sống trong cùng một ngôi làng toàn cầu trong cùng một thời gian và không gian nơi lịch sử và thực tế gặp nhau, ngày càng nổi lên như một cộng đồng có vận mệnh chung, trong đó mỗi người đều có trong mình một chút của người khác.”[8]
Trong Hội nghị ngoại giao với các nước láng giềng vào tháng 10 năm 2013 tại Indonesia, Tập Cận Bình lại nhắc về “cộng đồng chung vận mệnh”, Tập nói: “Bằng những nỗ lực chung, chúng ta sẽ xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh (Community of Common Destiny) Trung Quốc-ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả Trung Quốc và ASEAN cũng như cho người dân trong khu vực.”[9]
Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu này, trong bản dịch tiếng Anh, trong đoạn kết đã được chuyển thành cụm từ “Cộng đồng chia sẻ vận mệnh,” với nguyên văn như sau: “Hãy để nhân dân hai nước chúng ta cùng chung tay, viết một chương mới trong việc phát triển quan hệ song phương, nỗ lực vì một tương lai tươi sáng cho cộng đồng chia sẻ vận mệnh (Community of shared destiny) Trung Quốc-ASEAN và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển thế giới.”[10]
“Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại,” hay renlei mingyun gongtongti (人类命运共同体), hiện là trọng tâm của “Tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao” (习近平外交思想), bao hàm chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong cái gọi là "Kỷ nguyên mới." Tập Cận Bình đã sử dụng cụm từ này trong bài phát biểu của mình để đánh dấu lễ khai mạc diễn đàn Vành đai và Con đường vào năm 2017, và đến năm 2018, khái niệm này đã được bổ sung vào Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, như một giá trị cốt lõi thúc đẩy quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2015, trong bản dịch tiếng Anh, cụm từ 命运 với nghĩa là “vận mệnh” đã bị loại bỏ và thay vào đó là “tương lai”, có lẽ vì Trung Quốc dường như đã nhận ra rằng khái niệm “vận mệnh” có thể gây lo lắng cho nhiều quốc gia, và có thể bị chỉ trích. Chính vì vậy, khi Tập Cận Bình có bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 28 tháng 9 năm 2015, cụm từ tiếng Trung 人类命运共同体 đã được dịch là “cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại”(community of shared future for humankind).[11]
“Cộng đồng chia sẻ tương lai”, như một khía cạnh bên ngoài của Giấc mơ Trung Hoa, là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong ngoại giao Trung Quốc”. Như Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), cựu Đại sứ Trung Quốc tại Washington đã chỉ ra: “Trung Quốc đã đưa ra một lựa chọn chắc chắn: chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại. Đây là cốt lõi của chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đã được ghi trong Hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”[12] Cộng đồng này sẽ là yếu tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quản trị toàn cầu nhờ "sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, khả năng truyền cảm hứng và sức mạnh định hình của nước này.”[13]
Như vậy, “cộng đồng chia sẻ tương lai” là một thuật ngữ linh hoạt và đã thay đổi theo thời gian. Lúc đầu, cụm từ này được gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” và chỉ tập trung vào mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Theo thời gian, cụm từ này đã thay đổi khi cả khả năng và tham vọng của Trung Quốc đều gia tăng. Về mặt địa lý, “cộng đồng chia sẻ tương lai” trước hết hướng tới các khu vực gần Trung Quốc mà theo truyền thống là phạm vi ảnh hưởng và mở rộng của nước này: Đó là khu vực Đông Nam Á và Trung Á.
Hiểu thế nào về “cộng đồng chia sẻ tương lai”
Trong các diễn ngôn chính trị của mình, khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” của Tập Cận Bình được mô tả là đưa ra “Giải pháp Trung Quốc và trí tuệ Trung Quốc cho công cuộc cải cách và đổi mới quản trị nhân quyền toàn cầu”.[14]
Tuy vậy, nhưng những diễn đạt về nội hàm của cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai” được các học giả Trung Quốc diễn giải hết sức rối rắm và phức tạp.
Hoàng Thị Hà sau khi tìm hiểu đã đưa nhận định: “Khái niệm được ban hành từ trên xuống và còn mập mờ này chứa đựng những nguyên tắc cao cả như bình đẳng giữa các quốc gia, công bằng, cùng đóng góp vì lợi ích chung, hài hòa, bao quát, tôn trọng sự khác biệt và phát triển bền vững. Tuy nhiên, khái niệm này thiếu tính cụ thể và kế hoạch hành động sau đó…”[15]
Hiểu một cách đơn giản, “Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai” là “một đại chiến lược của Trung Quốc để từng bước định hình hệ thống khu vực và toàn cầu mà ở đó Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trung tâm. Đại chiến lược này của Trung Quốc gồm hai trụ cột chính: trụ cột thứ nhất mang tính chính trị và trụ cột còn lại mang tính chất kinh tế.[16] Về mặt chính trị, Trung Quốc muốn xuất khẩu mô hình quản trị nhà nước theo kiểu độc tài của mình; Về mặt kinh tế, Trung Quốc thúc đẩy ảnh hưởng của mình đối với khu vực và thế giới thông qua các sáng kiến kinh tế của mình. Cả hai đều có mục tiêu tạo ra một hệ thống toàn cầu có những đặc điểm gần giống với Trung Quốc hơn, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho lợi ích quốc gia và vai trò của ĐCSTQ. Điều này đã được Trung Quốc khẳng định: “Đảng luôn là xương sống của dân tộc; và rằng khi lịch sử tiến triển, chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Đảng luôn là nòng cốt lãnh đạo mạnh mẽ.”[17]
Mặc dù “cộng đồng chia sẻ tương lai” là một khái niệm mơ hồ, nhưng nó lại được cụ thể hoá thông qua các sáng kiến khác, tiêu biểu trong đó là Vành đai Con đường (BRI) và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI).
Điều này đã được Trung Quốc khẳng định: “Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã đóng góp sức mạnh của mình để xây dựng một cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung bằng niềm tin vững chắc và hành động vững chắc, như thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao, thực hiện Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến văn minh Toàn cầu và đề xuất một loạt các sáng kiến khu vực và song phương nhằm xây dựng cộng đồng vì tương lai chung.[18]
Đối với BRI, một số tác giả lưu ý rằng khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” và BRI là hai mặt của một đồng xu, trong đó “cộng đồng chung vận mệnh” cấu thành một cấu trúc mang tính tư tưởng hoặc trí tuệ, trong khi BRI là khía cạnh thực tế với các hành động cụ thể được thực hiện.[19]
Kết luận
Cụm từ “Cộng đồng chia sẻ tương lai” là biến thể từ cụm từ gốc tiếng Trung “cộng đồng chung vận mệnh.” Đây được hiểu là một chiến lược của Trung Quốc nhằm thiết lập một trật tự quốc tế mới mà ở đó Trung Quốc đóng vai trò thống trị. Trật tự này nhằm đối trọng với “trật tự dựa trên luật lệ” do Mỹ và phương Tây đã thiết lập ra từ sau Thế Chiến 2. Từ năm 2015, Trung Quốc đã sử dụng cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai” trong các văn kiện bằng tiếng Anh. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thứ 8 của ASEAN đã tham gia ý tưởng này. Không chỉ riêng Việt Nam, trong tất cả các tuyên bố với các quốc gia ASEAN đã tham gia ý tưởng này trước đó, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc đều sử dụng cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai.” Chính vì vậy, những ý kiến cho rằng Việt Nam đã “thắng lớn” hoặc “khôn ngoan” khi né cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” để chọn cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai”, là không có cơ sở. Mà thực ra, Trung Quốc đã chủ động sử dụng cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai” từ rất lâu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ duy nhất.
[1] https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-ve-viec-tiep-tuc-lam-sau-sac-va-nang-tam-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-co-y-nghia-chien-luoc-post787318.html
[2] https://baochinhphu.vn/bo-ngoai-giao-noi-ro-noi-ham-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-102231214175849866.htm
[3] https://www.youtube.com/watch?v=F89g46vgP2c&t=2959s
[4] https://www.youtube.com/watch?v=mU2wJZd65WA&t=138s
[5] https://www.youtube.com/watch?v=OGf19fONWG8&t=14s
[6] https://www.youtube.com/watch?v=YJgV11obIZg&t=87s
[7] https://chinamediaproject.org/the_ccp_dictionary/community-of-common-destiny-for-mankind/
[8] http://toronto.china-consulate.gov.cn/eng/zgxw/201304/t20130419_7090386.htm
[9] http://www.asean-china-center.org/english/2013-10/03/c_133062675.htm
[10] http://www.asean-china-center.org/english/2013-10/03/c_133062675.htm
[11] https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N15/292/65/PDF/N1529265.pdf?OpenElement
[12] http://us.china-embassy.gov.cn/eng/zmgxs/zxxx/202002/t20200202_4910248.htm
[13] http://www.xinhuanet.com/english/download/Xi_Jinping's_report_at_19th_CPC_National_Congress.pdf
[14] https://chinamediaproject.org/the_ccp_dictionary/community-of-common-destiny-for-mankind/
[15] https://nghiencuubiendong.vn/thau-hieu-ve-sang-kien-cong-dong-chung-van-menh-trung-quoc-asean-cua-trung-quoc-va-phan-ung-hai-chieu-tu-asean.6985.adata
[16] https://www.ieee.es/Galerias/fichero/docs_opinion/2021/DIEEEO01_2021BORLLA_exteriorChina_ENG.pdf
[17] http://www.xinhuanet.com/english/download/Xi_Jinping's_report_at_19th_CPC_National_Congress.pdf
[18] http://subsites.chinadaily.com.cn/Qiushi/2023-09/27/c_925488.htm
[19] https://bulletin-orientalism.kaznu.kz/index.php/1-vostok/article/download/1513/1233/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment