Wednesday, December 20, 2023

Thủ tướng Cam Bốt gây ngờ vực ở Hà Nội về dự án thủy lộ Phù Nam
Phạm Phan Long, P.E.
20-12-2023
Tiengdan

Ủy ban sông Mekong quốc gia Cam Bốt (CB) đã công bố kế hoạch đào kênh Phù Nam dưới tên Funan Techo Canal. Đây là dự án đầu tiên trong lịch sử giao thông đường thủy của CB dài 180 km bắt đầu từ Prek Takeo của sông Mekong, nối sang sông Bassac và qua tỉnh Kandal và Kep. Tháng 5 năm 2023, Hội đồng Bộ trưởng Cam Bốt phê duyệt dự án $1,7 tỉ USD này dựa vào nghiên cứu do cố vấn Trung Quốc (TQ) bí mật biên soạn.


Hình 1: Kênh Phù Nam, Funan Techo Canal. Nguồn: Mekong River Commission

Theo bản tin trên Khmer Times ngày 15 tháng 12, 2023 [1] Thủ tướng Hun Manet giải thích rõ ràng các chi tiết của dự án kênh Phù Nam cho người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính, trong chuyến thăm chính thức Hà Nội và bảo đảm dự án Phù Nam sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống nước sông Mekong.

Bài phân tích này sẽ kiểm tra và đánh giá những thông tin phía Cam Bốt đã đưa ra để trấn an Việt Nam thật sự ra sao.

Hình 2: Thủ tướng Hun Manet (trái) thăm Việt Nam và Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ngày 11-12-2023 ở Hà Nội. Nguồn: Báo SGGP

Ông Jean-François Tain, Đại biểu Bộ trưởng Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, cho biết, ông Hun Manet giải thích rằng, dựa trên “nghiên cứu thực tế [2]“, kênh đào Phù Nam sẽ chỉ chuyển nước từ sông Bassac một phụ lưu (tributary) của sông Mekong.

Ông Samdech Thipadei Hun Manet tin rằng, dự án sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế và thương mại của Campuchia trong ngắn hạn và trung hạn, và nó không có tác hại vào dòng nước và tác động môi trường cho Việt Nam. Ông cũng lưu ý rằng, dự án không ảnh hưởng xấu đến dòng chảy của sông Mekong và các con sông khác mà thay vào đó, nó sẽ bảo tồn môi trường sinh thái và môi trường sống tự nhiên cho đa dạng sinh học.

Sông Bassac có phải là phụ lưu (tributary) Mekong như CB và Hun Manet đã nói hay không?

Ủy ban quốc gia Mekong của CB và ông Hun Manet đã dùng từ tributary (phụ lưu) để gọi sông Bassac, thay vì distributary (phân lưu). Gọi như thế là một sai lầm về Anh ngữ và thuật ngữ sông ngòi. Thật vậy, sông Bassac là một trong hai nhánh phân lưu từ dòng chính, từ một hiện tượng được gọi là phân nhánh. Phụ lưu thực sự đối nghịch với phân lưu, là một dòng phụ mang nước chảy vào dòng chính, rõ ràng sông Bassac không chảy vào dòng chính, mà là một trong hai phân lưu của dòng chính.


Hình 3: Phụ lưu và Phân lưu của một dòng sông [3]
Theo trang mạng của Mekong River Commission, tổ chức quốc tế cho sông Mekong đã minh định rõ danh tính phân lưu của sông Bassac [4] như sau:

Gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia, sông Bassac, phân lưu lớn nhất của sông Mê Kông, rẽ nhánh. Đây là nơi đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu khi sông Mê Kông và sông Bassac nhập vào một vùng đồng bằng rộng lớn màu mỡ ở miền Nam Việt Nam.

Ông Hun Manet tốt nghiệp trường West Point, có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York, Hoa Kỳ, năm 2002 và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, năm 2009. TS Hun Manet không thể lầm lẫn giữa phân lưu và phụ lưu một cách khó tha thứ như thế được.

Vậy đây có phải là ngôn ngữ được ông Manet và CB lựa chọn có tính chiến lược để tránh né thỏa hiệp với Việt Nam? Vì Mekong và Bassac là hai phân lưu dòng chính CB sẽ phải có thỏa hiệp với VN cho kênh Phù Nam theo quy định của Điều 5. B. 2. B. của Hiệp định sông Mekong 1995.

Kênh Phù Nam có phải chỉ có mục đích giao thông đường thuỷ thôi như CB thông báo hay sẽ chuyển nước khỏi dòng chính sử dụng cho mục đích thủy lợi?

Theo bức thư thông báo ngày 8 tháng 8 năm 2023 của Cambodia National Mekong Committee gởi cho TS Anoulak, Secretariat của Mekong River Commission (MRC), cho biết, CB xây kênh Phù Nam cho mục đích giao thông đường thủy. Trong thư này CB không hề để cập đến mục đích nông nghiệp hay thủy lợi, lúc đó họ đã quy kết sông Bassac là phụ lưu mặc dù nó là phân lưu.

Ảnh chụp thư thông báo của Cambodia National Mekong Committee gửi ngày 8-8-2023.

Nội dung bức thư trên nói rằng: “Mục tiêu chính của dự án phục hồi giao thông thủy này là kết nối lại các tuyến đường thủy nội địa mang tính lịch sử và tự nhiên cho giao thông và giao thông của cộng đồng địa phương ở Campuchia”.

Tuyên bố với báo chí CB về kênh Phù Nam, ông Jean-François Tain lại nói rằng, dự án này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Campuchia như giảm thời gian và chi phí vận chuyển, tạo ra các khu thương mại và trung tâm hậu cần, phát triển các thiết bị đầu cuối mới, mở rộng các khu phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi và hỗ trợ phát triển cực kinh tế thứ tư.

Như thế CB đã không che giấu nữa, họ đào kênh Phù Nam không chỉ cho giao thông đường thủy, mà sẽ chuyến nước làm thủy lợi. Đúng như điều người viết đã ngờ vực và quan tâm khi RFA phỏng vấn [5]. Vì hoạt động thủy lợi, CB sẽ chỉ đóng mở cổng các âu thuyền khi cho tàu thuyền vượt qua, bình thường các âu thuyền sẽ giữ tình trạng mở (normally open) để chuyển nước cho thủy lợi. Lượng nước chuyển từ hai phân lưu vào kênh Phù Nam sẽ là lượng nước không còn chảy xuống Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Điều 7 của Hiệp định 1995, CB sẽ phải “Cố gắng hết sức để tránh, và giảm thiểu các tác động có hại có thể xảy ra đối với môi trường, đặc biệt là số lượng và chất lượng nước, điều kiện thủy sinh (hệ sinh thái) và cân bằng sinh thái của hệ thống sông, từ việc phát triển và sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông hoặc xả chất thải và dòng chảy trở lại.

Việt Nam có thể đối thoại với Cam Bốt như thế nào về kênh Phù Nam?

Nhiều người Việt hy vọng, ông Phạm Minh Chính đã không im lặng khi nghe ông Hun Manet trấn an Việt Nam về kênh Phù Nam với ngôn ngữ mập mờ như thế giữa thủ đô Hà Nội. Việt Nam cần khuyến cáo CB bằng cách thân thiện nhất có thể là việc họ gọi hai phân lưu sông Bassac và Mekong là phụ lưu là không chính xác trong thuật ngữ sông ngòi.

Sau đó, VN có thể trấn an CB là VN sẽ không phản đối mà có thể sẽ ủng hộ dự án kênh Phù Nam cho mục đích giao thông đường thủy, nhưng VN sẽ quyết liệt phản đối tác động thủy lợi của kênh Phù Nam nếu không có thỏa hiệp. Với mục đích nào cũng thế, VN cần yêu cầu CB nghiêm chỉnh tuân theo các điều khoản công bằng và hợp lý đã có sẵn trong Hiệp định 1995, cùng với các quy tắc kiểm soát dòng chảy để bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam.

Thật vậy, sông Bassac và Mekong chảy xuyên biên giới vào sông Hậu và sông Tiền ở Việt Nam, nên CB không thể dựa vào “nghiên cứu thực tế” mà CB có trách nhiệm nghiên cứu nghiêm túc tác động xuyên biên giới theo tiêu chuẩn TbEIA của MRC cho dự án [6].

 


Hình 4: Tiêu chuẩn của Hiệp định 1995. Nguồn: Mekong River Commission

Cụ thể CB có trách nhiệm hợp tác bảo vệ lưu vực thể theo những Thủ tục MRC [7] đã thông qua sau đây trong tinh thần xây dựng niềm tin giữa các Quốc gia Thành viên MRC:

• Khảo sát các tác động cá nhân và tích lũy và tiềm ẩn, đặc biệt là khi có nguy cơ tác động xuyên biên giới của kênh Phù Nam.

• Sử dụng hợp lý và công bằng nước và các nguồn tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Kông thông qua việc áp dụng các biện pháp tránh, giảm thiểu hoặc giảm thiểu bất kỳ tác động có hại nào mà kênh Phù Nam có thể gây ra.

• Nghiên cứu PDG [8], Hướng dẫn thiết kế cho kênh Phù Nam. Khảo sát tác động tích lũy các việc sử dụng nước thông qua quy trình PNPCA và việc thực hiện các biện pháp này đang được theo dõi và báo cáo;

• Khảo sát tác động của kênh Phù Nam đối với tình trạng của lưu vực và các tình huống khẩn cấp về phẩm chất nước cần được thông báo kịp thời nhất có thể.

Trước tình hình căng thẳng về dự án kênh Phù Nam, CB và VN cần giữ hòa khí, không cho TQ khai thác, biến kênh Phù Nam thành cơ hội xung đột giữa hai dân tộc. CB và VN cần lập một liên minh chiến lược bảo vệ sông mẹ Mekong và quyền lợi cho cho cả hai nước với các nước thượng nguồn.

Việt Nam có cách khuyến khích và ràng buộc CB tuân theo các thủ tục của MRC để kiểm soát kênh Phù Nam. Giới hạn trọng tải tàu thuyền trên kênh Phù Nam CB công bố là 1000 DWT. Nam Vang sẵn có hai thương cảng, có khả năng cho tàu 2000 DWT và 5000 DWT ra vào nên CB sẽ vẫn cần vận chuyển tàu bằng sông Tiền và sông Hậu. Do đó VN có tư thế thảo luận với CB với tiếng nói trọng lượng.

Cam Bốt và Việt Nam chịu chung một bất hạnh giáng xuống từ thượng nguồn

Biển hồ Tonle Sap đã trải qua những mùa lũ kiệt quệ. Diện tích động lũ co thắt lại và năng suất ngư nghiệp thất thoát mất dần. Lượng nước Mekong chảy ngược tiền thủy điện lên Biển hồ trung bình là 43 kmmỗi mùa mưa nay hạ xuống chỉ còn 10 km3 [9]. Đó là vì các hồ chứa thủy điện thượng nguồn tích trữ nước nên vào giữa mùa mưa mà một phần đồng lũ Tonle Sap bất lực phải chịu cảnh khô khát. An ninh nguồn nước và thực phẩm của CB đang lâm nguy, CB không thể để Biển Hồ, trái tim lưu vực sông Mekong ngừng đập.


Hình 5: Tình trạng suy thoái của Biển Hồ Tonle Sap

Thậy vậy, nhóm nghiên cứu của TS Samuel De Xun Chua, Department of Geography, National University of Singapore đã khảo sát nhịp lũ suốt 60 năm tại BH và công bố [10] tình trạng suy thoái như sau:

Chúng tôi thấy rằng … thời gian mùa lũ đã giảm khoảng 26 ngày (Kampong Cham) và 40 ngày (Chaktomuk), mùa lũ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn nhiều. Dọc sông Tonle Sap, dòng chảy ngược trung bình hàng năm từ sông Mê Kông đến hồ Tonle Sap đã giảm 56,5 %, từ 48,7 km3 năm 1962–1972 xuống còn 31,7 km3 năm 2010–2018. Kết quả là mực nước mùa mưa tại hồ Tonle Sap giảm 1,05 m trong năm 2010–2019 so với năm 1996–2009, tương ứng với diện tích hồ giảm 20,6 %.” 

Khi Biển hồ Tonle Sap thiếu nước lũ vào mùa mưa thì sẽ không có nước để bù đắp cho Mekong vào mùa khô sau đó, mực nước sông Tiền và sông Hậu vì thế đều đã hạ thấp trong các năm qua cho dù các trạm quan trắc từ Kristie lên Jinghong đều có mục nước ở mức bình thường. Có quan sát viên đã dựa vào số liệu các trạm trên để tránh né trách nhiệm và biện bạch cho thủy điện TQ và Lào [11].

Kỷ lục mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc ở đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô hiện đã hạ xuống dưới zero vào các tháng mùa khô. Điều này có nghĩa là an ninh nguồn nước và sự sinh tồn cho Đông bằng sông Cửu Lòng đã rơi vào tình trạng nguy kịch vào mùa khô không thể chấp nhận cắt giảm nước thêm nữa.

Hình 6: Mực nước thấp dưới zero nguy kịch tại Tân Châu và Châu Đốc

Chiến lược an ninh nguồn nước Mekong cho Cam Bốt và Việt Nam

Có chung mối đe dọa sinh tồn, hai dân tộc CB và VN cần đoàn kết đấu tranh với Trung Quốc, Lào và Thái Lan để giành lại công bằng, chia sẻ nguồn nước Mekong trên toàn lưu vực, nhưng đáng tiếc, cho đến nay chính phủ hai nước này không nhận thức được như vậy. Thay vào đó, CB và VN tranh với nhau lượng nước còn sót mà 54 đập lớn trong tổng số 430 đập thượng nguồn tích nước sử dụng rồi mới tùy tiện xả xuống cho mình.

Hai nước CB và VN cần thức tỉnh, thay đổi chiến lược, hợp tác ở mức cấp cao nhất cùng làm bản tuyên ngôn chung “Không chấp nhận cho thêm con đập nào nữa”, và “Yêu cầu giới hạn hoạt động các đập thượng nguồn để bảo vệ và phục hồi nhịp lũ môi sinh cho Biển h Tonle Sap, vựa cá của dân tộc CB và ĐBSCL, vựa thóc của dân tộc VN”.

KS Phạm Phan Long, P.E.
Chairman Viet Ecology Foundation

________

[1] https://www.khmertimeskh.com/501407454/in-depth-explanation-cambodia-allays-vietnams-concern-over-funan-techo-canal/

[2] Nghiên cứu này do cố vấn Trung Quốc biên soạn

[3] https://www.javatpoint.com/difference-between-tributary-and-diítributary

[4] https://www.mrcmekong.org/about/mekong-basin/geography/

[5] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-techo-canal-a-beijing-sinister-plot-10162023111345.html

[6] https://www.mrcmekong.org/resource/aqrsbk#:~:text=The%20Guidelines%20for%20Transboundary%20Environmental,Countries%20with%20a%20TbEIA%20application.

[7] https://www.mrcmekong.org/resource/ajg3u8

[8] Preliminary Design Guidance

[9] https://www.stimson.org/2023/mekong-dam-monitor-annual-report-2022-2023/

[10] https://hess.copernicus.org/articles/26/609/2022/

[11] https://anhbasam.wordpress.com/2016/03/20/7538-tinh-trang-thieu-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long/

No comments:

Post a Comment