Tuesday, December 19, 2023

Nguyễn Hoàng Linh - Phải chăng Orbán Viktor đã đi quá xa ?
mardi 19 décembre 2023
Thuymy


Hội đồng Châu Âu (EC) - cơ quan chính trị thượng đỉnh có vai trò hoạch định đường lối chính sách và chiến lược cho Liên Âu - sẽ phải tổ chức cuộc họp bất thường vào ngày 01/02/2024, do Thủ tướng Orbán Viktor vừa phủ quyết hai quyết định quan trọng của EC.

Tại kỳ Hội nghị thượng đỉnh EC tuần trước, người đứng đầu nội các Hungary đã phủ quyết quyết định về khoản viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine, cũng như việc sửa đổi ngân sách chung của EU, hai vấn đề quan trọng đối với Brussels.

Các chính trị gia Liên Âu trước đây bày tỏ sự lạc quan rằng có thể đạt được quyết định tại cuộc họp mới về các vấn đề bị ông Orbán Viktor phủ quyết. Chẳng hạn, nếu cần, họ có thể sử dụng các phương tiện khác để ủng hộ tài chính cho Ukraine, ví dụ 26 quốc gia EU còn lại sẽ thỏa thuận riêng.

Không phải ngẫu nhiên mà động thái của Thủ tướng Hungary thực sự gây ra phản ứng lớn. Một số chính khách Liên Âu gọi những gì xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh tuần trước là đỉnh điểm của sự leo thang và là "đáy" trong mối quan hệ vốn tồi tệ Budapest-Brussels.

Một số thậm chí còn đề nghị sau cuộc họp rằng nên tạm đình chỉ quyền biểu quyết của Hungary, dựa trên Điều 7 của Hiệp ước về Liên minh Châu Âu, vũ khí mạnh nhất của Liên Âu đối với quốc gia thành viên vi phạm nghiêm trọng và liên tục các giá trị của EU.

(Phần sau cho những ai muốn theo dõi kỹ lưỡng vấn đề).

Như đã biết, tuần trước, khi Hội đồng Châu Âu bỏ phiếu về việc bắt đầu đàm phán gia nhập cho Ukraine, ông Orbán Viktor đã rút khỏi phòng họp để "trà lá" theo đề nghị của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nên 26 quốc gia còn lại đã quyết định khởi đầu đàm phán.

Thủ tướng Hungary giữ nguyên quan điểm cứng rắn với Ukraine, cho dù 1 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Ủy ban Châu Âu đã chấp nhận sẽ giải ngân 10,2 tỉ Euro từ quỹ EU bị đóng băng từ 1 năm nay cho Hungary, vì những vi phạm tư pháp của nước này.

Mặc dầu quyết định của EC về vấn đề khởi đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine được 26 thành viên còn lại nhất trí thông qua. Nhưng qua trả lời phỏng vấn, ông Orbán Viktor vẫn dùng những lời rất nặng nề để nói về nỗ lực hỗ trợ tái thiết Ukraine của Liên Âu, và nói sở dĩ ông đi "cà phê" để quyết định mà ông cho là "tồi tệ" đó "không đè nặng lên lương tâm của Hungary". Ông cũng cho hay, đằng nào nghị viện các nước cũng cần phê chuẩn về việc này, nên ông để "nếu cần, Hungary, Quốc hội Hungary sẽ kéo phanh tay".

Phải chăng trong lần này, Thủ tướng Hungary đã đi quá xa, cho dù ông luôn quen với việc thử thách giới hạn "chịu đựng" của Brussels? Viện dẫn một số quan chức và nhà ngoại giao EU, tờ "Financial Times" cho hay, lãnh đạo các nước thành viên EU đang nghĩ cách làm sao ngăn chặn ông Orbán Viktor trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Liên Âu được cho là đang học hỏi và tìm hiểu về hành vi của Thủ tướng Hungary, và rút ra kết luận rằng cách ứng xử của ông Orbán Viktor dựa trên cơ sở "làm ăn" chứ không phải ý thức hệ.

"Không nên đánh giá thấp việc ông ta thích trở thành trung tâm của sự chú ý", một quan chức ẩn danh cho tờ báo hay. Cách hành xử của ông Orbán Viktor thể hiện qua phát biểu của ông Orbán Balázs, giám đốc chính trị của thủ tướng: "Vấn đề về quỹ EU của Hungary và nguồn tài chính cho Ukraine là hai vấn đề riêng biệt. Tuy nhiên, nếu EU nhất quyết giúp đỡ Ukraine từ ngân sách sửa đổi của EU thì hai vấn đề sẽ liên quan tới nhau". Nhưng nếu EU nhân nhượng Budapest trong vấn đề vi phạm nhà nước pháp quyền, thì rất không ổn.

Bởi lẽ, điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Liên Âu. Đồng thời, vấn đề sử dụng vũ khí gần như mạnh nhất của Liên Âu - tạm đình chỉ quyền biểu quyết của một quốc gia thành viên - đang được đưa ra bàn luận. Quan điểm hiện tại là thay vì kích hoạt Điều 7, ưu tiên hàng đầu là thuyết phục ông Orbán Viktor trong vấn đề ngân sách và sự hỗ trợ của EU dành cho Ukraine. Nếu điều đó không thành công, 26 quốc gia còn lại có thể đạt được một thỏa thuận riêng, mặc dù điều đó sẽ mất thời gian và chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Cần tước quyền biểu quyết của Hungary trong EU cũng là quan điểm của Juknevičienė Rasa, nghị sĩ người Lithuania của Nghị viện Châu Âu, đồng thời là một trong những Phó chủ tịch Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP). Bà cho rằng ông Orbán Viktor "làm việc cho Vladimir Putin", và cần chặn đứng các hoạt động của ông ta nhằm gây bất ổn cho EU. Thủ tướng Hungary không đại diện cho ý chí thực sự của người dân nước này, đơn giản ông ta chỉ phá hủy Liên Âu từ bên trong"Orbán làm việc cho ai? Putin chứ ai", bà tự hỏi và đáp.

"Tại sao EU không làm gì để ngăn chặn ông ta? Bạn không thấy rằng EU đang bị phá hủy từ bên trong sao? Thật không may, các công cụ để ngăn chặn ông ta quá yếu. Phản ứng này thật đáng thất vọng vì mọi người muốn thấy một EU hiệu quả. Không thể tiếp tục như thế này được", bà viết trên mạng xã hội X. "Tôi không nghĩ rằng dân tộc Hungary, vốn từng làm gương cho tất cả mọi người kể từ năm 1956, lại muốn Nga giành chiến thắng", bà nói thêm, và gọi Nga là "một kẻ thù đe dọa không chỉ Ukraine mà cả các nước Châu Âu".

Một quan chức cấp cao của EU cho rằng chính phủ Hungary có thể buộc Liên Âu phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau, nhưng cuối cùng không thể ngăn cản liên minh này hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Trong một diễn biến có liên quan: Thủ tướng Đức Olaf Scholz - người đã hoàn thành "nhiệm vụ cao cả" của Liên Âu là "xúi" được ông Orbán Viktor ra khỏi phòng họp để 26 thành viên khác thông qua quyết định lịch sử liên quan tới quá trình hộp nhập Châu Âu của Ukraine - đã nhiễm Covid, loại virus mà ông từng bị vào tháng 9/2022.

(*) Trích dẫn các nguồn ngoại giao, tờ "Guardian" (Anh) viết rằng các lãnh đạo EU đều bật cười khi ông Orbán Viktor trở lại phòng họp sau cuộc bỏ phiếu. Trả lời câu hỏi của một chính khách hỏi "cà phê thế nào?", Thủ tướng Hungary được mô tả là không vui lắm và ông đáp: "Tôi nhân cơ hội đi vệ sinh".

NGUYỄN HOÀNG LINH 18.12.2023

No comments:

Post a Comment