Saturday, December 2, 2023

Người Việt, người Do Thái, người Arab, và lọ Hummus
Krishna Trần
2-12-2023
Tiengdan

Có lẽ lần đầu tiên trong đời khi tôi được nghe cụm từ Do Thái vào nằm 1972, 1973… giữa cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở phương Tây lần thứ nhất, khi các quốc gia Arab đồng loạt cắt nguồn cung cấp dầu thô, phản đối sự ủng hộ của phương Tây dành cho Do Thái (Israel) trong cuộc xung đột Trung Đông.

Nếu tôi nhớ không lầm thì những quyển sách về Israel, về Do Thái, cũng xuất hiện trên các nhà sách Sài Gòn vào lúc này. Tôi không đọc hết, nhưng có lượt qua một số, đại khái là những bình luận ca ngợi dân tộc Do Thái, đến mức như lấy đó làm gương cho dân tộc Việt Nam!

Sau năm 1975, theo dòng tuyên truyền chính thống của chế độ mới thì Do Thái thuộc … phe địch. “Phe ta” là các quốc gia Arab, là Tổ chức giải phóng Palestine – PLO (Palestine Liberation Organization).

Cho đến khi trước “Đổi Mới” (1986), quan niệm chính trị xã hội ở Việt Nam về xung đột Trung Đông, chia làm hai phe. Phe ảnh hưởng chế độ Việt Nam Cộng Hòa coi Do Thái là “phe ta”. Phe “xã hội chủ nghĩa” thì coi Do Thái là “phe địch”. Cái dual narrative đó phản chiếu 100% cuộc chiến tranh lạnh, mà trong đó Việt Nam là một điểm rất nóng, mang đậm màu ý thức hệ hơn cả Trung Đông.

Sau năm 1986, sự thể trở nên phức tạp hơn. Một lần ra Hà Nội, tôi “phát hiện” văn phòng đại diện của PLO cách tòa đại sứ Israel không xa lắm. Ở chỗ thân tình, một viên chức bộ ngoại giao Hà Nội than phiền rằng, Hà Nội tốn quá nhiều tiền để trợ giúp văn phòng của PLO. Về sau, chuyện Hà Nội mua súng ống của Israel cũng không còn là chuyện gì bí mật.

Cơ duyên làm cho tôi tiếp xúc khá gần những diễn biến Trung Đông, quen một số bạn Arab và cả người Do Thái. Người thầy hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp là một người Do Thái gốc Canada, nhưng lại thuộc nhóm chính thống, cạo ria mép, chừa râu hàm. Tôi không hề biết ông là người Do Thái cho đến khi một cô học trò người Canada của ông nói cho tôi biết. Cô vừa nói vừa cười với nhiều ngụ ý. Khi sang Trung Đông dạy học, ông cạo sạch râu.

Trong lớp tôi có nhiều bạn người Hồi giáo, nhưng quan điểm của họ về Do Thái cũng có sự khác biệt, dù ít thôi. Đa số cho rằng phía Đông Jerusalem là của người Hồi giáo (tôi nghĩ điều này đúng). Một bạn người vùng Sahara có vẻ thán phục sự phục quốc Do Thái. Không thấy ai đòi hủy diệt nhà nước Israel cả. Thật ra, nếu bày tỏ ý kiến như thế trong một định chế giáo dục do phương Tây lập ra thì cũng hơi khó.

Thành phố tôi ở, lúc đi học khá yên bình. Tôi hay đến một nhà hàng chuyên bán món falafel của người Lebanon (Arab), sau mới biết chủ quán đó là một gia đình Do Thái. Một điểm có thể làm khung cảnh thanh bình của thành phố đó hơi tối một chút, là gần quán ăn đó có một giáo đường Do Thái (synagogue), trước cổng có hai người cầm súng.

Những biến động Trung Đông làm cho tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về hai sắc dân ở vùng đất là Do Thái, Gaza, Cisjordania ngày nay. Hóa ra mọi chuyện bắt đầu từ Kinh thánh Cựu ước. Trong kinh này, người ta nói rằng dân tộc Do Thái là dân tộc được Chúa chọn, “the Chosen People”! Còn các dân tộc khác, trên khắp thế giới, cũng cùng gốc cả, nhưng không được Chúa chọn.

Là một kẻ xa lạ với những tôn giáo cùng gốc Trung Đông là Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo, như tôi thì Kinh Cựu ước chỉ là một loại truyện cổ tích, giống như Lạc Long Quân – Âu Cơ của Việt Nam, Thái dương Thần nữ của Nhật, Hậu nghệ bắn mặt trời của Trung Hoa,… ai mà chẳng cho rằng tổ tiên mình là ngon lành. Nhưng đến mức một dân tộc đựơc Chúa chọn thì quả là thái quá.

Tôi nói ra ý nghĩ này của mình, thì bị một cô bạn đồng nghiệp cũ ở Mỹ phản đối kịch liệt. Cô này nói rằng, đó không phải là cổ tích, mà là sự thần thánh khải huyền (?!). Cô bạn cũng cho rằng mình thuộc dòng … Israel!

Tôi không tranh cãi, nhưng nghĩ trong đầu: Quái lạ, bạn ấy cũng mắt một mí như mình, mũi cũng to, da cũng vàng vàng như mình… thì có dính dáng gì đến Israel!?

Đương nhiên là đối với những người Mỹ gốc châu Âu thì có thể họ có sự hợp lý để nói điều đó hơn. Cứ mỗi lần có chuyện gì liên quan đến quan hệ Mỹ-Israel, mà trong đó Mỹ ủng hộ không điều kiện, lại có một đám đông la to lên rằng, phải bảo vệ Do Thái vì đó là dân tộc được Chúa chọn. Nhưng thật ra điều này cũng kỳ lạ, vì trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ quốc, những người thành lập nước Mỹ nói rằng, con người sinh ra là bình đẳng (all men are created equal) thì sao lại có chuyện … Chúa chọn (chosen people)!

Giờ thì mọi người đều rõ sự trái khoáy ấy chẳng qua là do quan hệ chằng chịt tôn giáo và tài phiệt, giữa phương Tây và thế giới Do Thái. Nhưng nước Mỹ đã, đang, và sẽ thay đổi. Nhiều người Mỹ, đến từ các truyền thống khác nhau, và cả những người Mỹ có truyền thống tôn giáo văn hóa từ châu Âu, cũng thấy sự trái khoáy ấy. Và điều này làm cho sự chia rẽ lộ diện rõ rệt trong lòng nước Mỹ về quan hệ với vùng Trung Đông, nhất là trong nội bộ Đảng Dân chủ Mỹ.

Ảnh: Một nhóm thanh niên Mỹ ủng hộ Palestine và đảng Hòa Bình và Tự Do ở Mỹ. Nguồn: Tác giả gửi tới TD

Trong đảng này có một nhóm cấp tiến đã được hình thành từ lâu. Nhóm này ủng hộ những chính sách mang tính xã hội, và về mặt đối ngoại là ủng hộ sự thành lập một nhà nước Palestine song hành với Israel, điều mà Israel không muốn cho đến nay. Nhóm cấp tiến của đảng Dân chủ bao gồm nhiều người Mỹ gốc Do Thái. Xung đột đẫm máu hiện nay giữa Israel và nhóm dân quân Hamas làm rạn nứt nhóm cấp tiến của đảng Dân chủ.

Tiêu biểu cho sự rạn nứt này là sự khác biệt giữa hai dân biểu trẻ tuổi, cô Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) và anh Richie Torres. Cô AOC ủng hộ giải pháp hai nhà nước song hành, đòi đình chiến ở Gaza ngay lập tức, cũng như lên án cả hai hành động giết chóc, của Hamas thảm sát 1200 dân thường Do Thái và của Israel ném bom giết hơn 10 ngàn người Arab vùng Gaza. Anh Torres thì ủng hộ Israel hết mình. Điều lạ là cô AOC có vẻ gần với gốc châu Âu, Do Thái Thiên chúa hơn là anh Torres, người có một phần gốc châu Phi với nước da đen sậm.

Đối với người Việt trẻ tuổi ở Mỹ, có vẻ họ gần với cô AOC hơn. Cậu con trai tôi ủng hộ cô AOC và thượng nghị sĩ Bernie Sanders (gốc Do Thái), tẩy chay một loại hummus (loại thức ăn làm từ đậu, dạng bột nhão) tên là Sabra, vì các thanh niên cấp tiến Mỹ cho rằng nhà sản xuất Sabra là thành viên các nhóm cực hữu Do Thái.

Hôm rồi tôi tìm mua hummus ở Costco, thì không thấy hàng Sabra bày bán ở đó. Không rõ họ hết hàng hay là vì Sabra bị tẩy chay.

Dĩ nhiên tôi ủng hộ cậu con trai, không dùng Sabra. Tôi mua một loại khác do người Mexico làm. Vừa ăn sáng vừa lướt Facebook thì thấy bên Việt Nam, có khá đông người ủng hộ … Israel.

No comments:

Post a Comment