NCQT: Thế giới hôm nay-20/12/2023Nguồn: The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
20.12.2023
NghiencuuQT
Mỹ đã thành lập một lực lượng trên biển mới để bảo vệ Biển Đỏ, huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới. Tàu Mỹ và tàu của hơn chục nước khác sẽ bảo vệ các tàu thương mại đi qua tuyến đường thủy này và tiến hành tuần tra chung. Có chín nước công khai cam kết tham gia liên minh; bên cạnh một số nước tham gia lặng lẽ. Trong tuần trước, Houthi, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Yemen, đã tăng cường các đòn tấn công bằng máy bay không người lái vào tàu buôn đi qua biển, khiến giá năng lượng tăng vọt. Một số công ty, bao gồm BP và Maersk, cho biết họ sẽ điều chỉnh hành trình các tàu của mình để đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đồng ý rút dần lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, sau khi chính phủ nước này yêu cầu Liên Hợp Quốc chấm dứt sứ mệnh kéo dài nhiều chục năm tại đây. Liên Hợp Quốc sẽ rút quân bất chấp bạo lực gia tăng trong khu vực, và việc một số thành viên hội đồng lo ngại lực lượng Congo sẽ không thể đảm bảo an ninh cho người dân.
Chính phủ Ấn Độ đình chỉ 141 nghị sĩ đối lập kể từ tuần trước, làm dấy lên cáo buộc Đảng Bharatiya Janata cầm quyền đang tấn công nền dân chủ. Các nghị sĩ — hầu hết đã bị cấm tham gia quốc hội cho đến khi phiên họp mùa đông kết thúc vào thứ Sáu — đã bị đình chỉ sau khi yêu cầu chính phủ đưa ra tuyên bố và tổ chức thảo luận về vụ vi phạm an ninh vào tuần trước, khi hai người đột nhập vào quốc hội.
Trong bài phát biểu cuối năm, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Nga “không đạt được mục tiêu nào” trên chiến trường trong năm 2023. Ông nói thêm rằng ông hoan nghênh việc EU mở đàm phán gia nhập cho Ukraine và mong đợi viện trợ mới từ Mỹ sẽ sớm được phê duyệt. Tuy nhiên, Ukraine đang ở trong tình thế bấp bênh: cuộc phản công của nước này không thu được nhiều kết quả trong khi hỗ trợ từ đồng minh đang cạn kiệt.
Một trận động đất xảy ra ở các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải miền bắc Trung Quốc đã khiến ít nhất 126 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Trận động đất được chính quyền Trung Quốc ghi nhận ở mức 6,2 độ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh “tổng lực” tìm kiếm và cứu hộ. Một trận động đất mạnh 5,5 độ sau đó đã xảy ra ở tỉnh Tân Cương.
Theo Kyodo News, một cơ quan truyền thông địa phương, các văn phòng thuộc hai phe phái lớn của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã bị công tố viên khám xét để điều tra cáo buộc biển thủ quỹ chính trị. Vụ khám xét càng gây khó khăn cho Kishida Fumio, thủ tướng đang có tỷ lệ ủng hộ thấp của Nhật, người tuần trước đã sa thải 4 bộ trưởng liên quan đến vụ bê bối.
Con số trong ngày: 89,6%, là tỷ lệ phiếu đạt được của Abdel-Fattah al-Sisi, tổng thống đương nhiệm, trong cuộc bầu cử ở Ai Cập.
TIÊU ĐIỂM
Hậu Covid: xu hướng ngại ra ngoài chi tiêu vẫn phổ biến
Trên một phương diện nào đó, Covid-19 dường như chỉ là tai nạn nhỏ. Hầu hết các nước đều lấy lại GDP trước đại dịch trong thời gian ngắn. Nhưng hơn hai năm sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, thói quen tiêu dùng ở các nước giàu đã thay đổi rõ rệt.
Trước Covid, tỷ lệ chi tiêu dành cho các dịch vụ, từ lưu trú khách sạn đến cắt tóc, đều tăng đều đặn. Nhưng năm nay, nó vẫn nằm yên ở mức trước đại dịch. Người dân nhìn chung vẫn ít quan tâm đến các hoạt động giải trí bên ngoài. Ở những nước trải qua phong tỏa lâu dài, thói quen ngại ra ngoài đã ăn sâu. Ví dụ, Nhật Bản chứng kiến lượng đặt chỗ nhà hàng vì mục đích kinh doanh giảm tới 50%.
Một lý do có thể là một số người vẫn sợ bị lây nhiễm. Nhưng cũng có thể là mô hình làm việc: ở các nước phát triển, mọi người thường xuyên làm việc tại nhà. Và Covid có thể đã khiến chi tiêu cho các hoạt động xã hội giảm và làm tăng chi tiêu cho những hoạt động đơn độc. Có vẻ như di sản lớn nhất của Covid là khiến mọi người cách xa nhau hơn.
Một năm bùng nổ của AI
Năm nay trí tuệ nhân tạo đã rời khỏi phòng thí nghiệm và bước vào đời sống hàng ngày. Trong vòng hai tháng kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT của OpenAI, một công ty được Microsoft hỗ trợ, đã thu hút tới 100 triệu người dùng. Số lượt tìm kiếm trên Internet về “trí tuệ nhân tạo” tăng vọt. Hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã được đổ vào AI chỉ trong nửa đầu năm 2023.
Cơn sốt thử nghiệm tiêu dùng đã nguội dần kể từ đó. Nhưng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới tập trung vào các mô hình AI đã bắt đầu hình thành trong năm nay. Trật tự mới nổi cho thấy OpenAI dẫn đầu về mặt công nghệ, nhưng các đối thủ lắm tiền như Google vẫn còn cơ hội bắt kịp.
Cùng với sự hào hứng xoay quanh AI là những tranh luận về “kẻ hủy diệt.” Một số người tin rằng nếu không được kiểm soát, AI sẽ gây ra hiểm hoạ sống còn cho nhân loại. Anh và Mỹ đã yêu cầu các nhà sản xuất mô hình AI, như OpenAI và Microsoft, đưa ra các cam kết không ràng buộc để cho phép các chuyên gia bên ngoài thử nghiệm sản phẩm AI trước khi phát hành ra công chúng. Khi ngành này tiếp tục phát triển, các chuyên gia như vậy sẽ rất bận rộn.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung nóng lên trong năm 2023
Năm 2023 chứng kiến cuộc chiến công nghệ sôi sục giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên nóng hơn bao giờ hết. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2019, khi chính quyền Donald Trump cấm bán chip tiên tiến cho Huawei, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc. Đến năm 2022, khi Joe Biden ra lệnh cấm toàn diện bán chất bán dẫn tiên tiến cho tất cả các công ty Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã phải mất nhiều tháng để đưa ra phản ứng. Nhưng trong năm qua, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng chiến đấu hơn.
Ví dụ, hồi tháng 7, Trung Quốc đã công bố kiểm soát xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại hiếm cần thiết để tạo ra chip bán dẫn hiện đại. Và đến tháng 10, khi Mỹ tuyên bố tăng cường kiểm soát chip, Trung Quốc trả đũa chỉ ba ngày sau, nói rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với than chì.
Mỹ đã lôi kéo các đồng minh như Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc vào cuộc chiến, trong khi tiếp tục kêu gọi các nước khác. Về phần mình, các công ty Trung Quốc đã tìm ra những giải pháp để có được chip thông qua các thị trường ít bị giám sát hơn.
2023: năm của đình công
Quyền lực của các công đoàn Mỹ đã thay đổi trong năm 2023. Đình công ở hai ngành đang vật lộn với biến động công nghệ đã mang lại những thắng lợi vang dội cho người lao động. Tuy nhiên, lợi ích họ thu về có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Các nhà biên kịch Hollywood ra biểu tình vào tháng 5; và các diễn viên tham gia cùng họ từ tháng 7. Cả hai nhóm đều lo lắng về tác động của phát trực tuyến và trí tuệ nhân tạo lên thu nhập và quyền sở hữu trí tuệ của họ. Cả hai nhóm đều giành được những nhượng bộ có ý nghĩa, bao gồm các điều khoản quản lý việc sử dụng AI và tiền thưởng cho các chương trình phát trực tuyến hút khách. Nhưng các điều khoản mới khó có thể ngăn cản được AI, thứ đã bắt đầu thay đổi Hollywood.
Xa hơn về phía đông nước Mỹ, ngành công nghiệp ô tô đối mặt với khó khăn riêng của mình. Từ tháng 9, các thành viên của công đoàn United Auto Workers, thất vọng vì phúc lợi bị thu hẹp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, đã bắt đầu đình công đồng loạt ở cả “ba nhà sản xuất ô tô lớn” của Detroit. Các thành viên UAW được tăng lương, nhưng cũng như lao động ở Hollywood, công nghệ mới có thể sớm đe dọa việc làm của họ. Xe điện có cơ chế đơn giản hơn so với xe xăng – và yêu cầu ít công nhân hơn.
No comments:
Post a Comment