Con số này nói lên điều gì?Đoàn Bảo Châu
18-12-2023
Tiengdan
19/12/2023
Rằng các cán bộ quản lý xây dựng của chúng ta mắt rất kém nên để lọt nhiều sai phạm. Tôi có sáng kiến là nên đưa tất cả các cán bộ quản lý ngành xây dựng đô thị đi khám mắt, ngân sách nhà nước nên trích ra nhiều tỉ đồng để điều trị mắt hay mua kính mắt cho các vị ấy.
Nói đùa chút thôi, đừng tưởng bở. Người lớn cả rồi, không nên vòng vò giả dối, nên nhìn vào sự thật. Tôi tin rằng tất cả các công trình xây không phép hay sai phép đều có sự thông đồng của các cơ quan quản lý.
Bằng chứng là một đống cát hay một chồng gạch đổ ở ngõ là các cán bộ đã biết và đến “hỏi thăm” rất chu đáo, tận tình, với một sự quan tâm rất đáng cảm động.
Đùa thôi, cảm động cái… gì? Người dân lại lật đật tìm cái phong bì rồi cho vào mấy tờ hay nhiều tờ để cán bộ làm ngơ.
Vậy các tầng lớp xã hội sẽ nghĩ gì về việc này?
– Người dân thì chẳng hề ngạc nhiên bởi chuyện này là dạng “thường ngày ở huyện”. Văn hoá phong bì thật kì diệu, nó san bằng mọi chỗ thiếu hụt về tiêu chuẩn, nó làm im lặng mọi phàn nàn, nó sẽ khiến cán bộ bỗng dưng trở nên mắt kém, tai sẽ thành ngễnh ngãng, sẽ trở nên bận rộn đến nỗi không quan tâm tới những vi phạm lặt vặt…
Tôi có người bạn kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, bạn ấy kể rằng có ngày bạn ấy phải tiếp tới mấy đoàn cán bộ tới kiểm tra. Nhất là vào dịp lễ Tết. Điều này chứng tỏ cán bộ các cấp rất năng nổ, nhiệt tình và chu đáo trong công việc, nhất định không có việc bỏ sót sai phạm.
– Đối tượng xã hội thứ hai nên bàn tới là chính các cán bộ trong hệ thống. Ở đây nên phân biệt ra hai dạng. Dạng 1 là dạng có lý tưởng, nhất định tin vào tương lai thiên đường mà các thế hệ đi trước đã vạch ra. Vậy xin hỏi, khi nhìn vào các sai phạm thế này, các vị cảm thấy gì? Các vị có tin rằng cứ đà này thì chúng ta sẽ được đặt chân tới thiên đường XHCN [vào] một ngày đẹp trời nào đó không?
Thiên đường nào được xây dựng bằng một bộ máy tham nhũng tràn lan, khi phong bì là một nguồn thu nhập đáng kể? Vậy cái thiên đường mà chúng ta đang hướng tới sẽ có còn phong bì không? Nếu còn thì ta có thể gọi đấy là thiên đường phong bì chăng?
Hay suy ngẫm sâu hơn, ta sẽ thấy rằng thực ra chúng ta đã đặt chân tới thiên đường rồi, thiên đường của cán bộ tham nhũng, khi mà mọi chính sách, quy định, chức vụ, công trình, hợp đồng, chữ kí đều là những nguồn thu nhập không chính thức nhưng khủng của cán bộ?
Đúng là thiên đường, bởi khi nạn Covid hoành hành, nhiều cán bộ bỗng trở nên giàu có. Việc phát hiện ra chỉ là một sự không may. Các phi vụ không bị phát hiện ra đã khiến bao cán bộ cảm thấy được ở thiên đường?
Dù sao, tôi cũng xin chia buồn với sự hoang mang, vỡ mộng của các cán bộ dạng này nhưng thú thực, tôi nghi ngờ đời mình được gặp một người còn tin vào thiên đường XHCN.
– Đối tượng thứ hai ta nên bàn tới là cán bộ, đảng viên không tin vào lý tưởng, mà chỉ mượn hay giả vờ tin vào lý tưởng để kiếm lợi. Nếu thế thì các vị ấy nhìn vào các con số này với một nụ cười nhếch mép, bởi các vị ấy biết tỏng, cũng y như người dân vậy.
Dạng cán bộ này đương nhiên sẽ không tin ở thiên đường XHCN và như đã nói ở trên, các vị ấy đã và đang ở thiên đường Phong Bì rồi. Các bạn đoán các cán bộ dạng này chiếm bao nhiêu phần trăm? Tôi không dám đoán!
Vậy làm thế nào để ngăn chặn văn hoá phong bì, thiên đường phong bì?
Hãy thật nghiêm khắc trong việc cấm biếu xén, quà cáp, cấm đưa phong bì, đừng coi là việc nhỏ mà hãy thật quyết liệt. Lắp camera chốn công sở hay một xó xỉnh đường phố nào đấy, ngoài việc ngăn chặn tội phạm ngoài đảng thì chính là để ngăn chặn tội phạm trong đảng.
Chỉ khi nào ngăn chặn được dòng tiền luân chuyển bất hợp pháp dưới mọi hình thức thì mới ngăn chặn được các sai phạm, không chỉ trong ngành xây dựng mà mọi ngành khác.
Nếu không đưa ra được những biện pháp cụ thể thì mọi khẩu hiệu, mọi mĩ từ chỉ là những trò đùa nhạt nhẽo, vô duyên và lòng tin của người dân vốn đã xác xơ sẽ còn xác xơ hơn nữa.
Thành phố Hà Nội có hơn 7.326 công trình xây không phép, hơn 2.294 công trình xây sai phép, nhiều quận huyện đang tiếp tục rà soát.
No comments:
Post a Comment