Còn lại gì?Lê Huyền Ái Mỹ
19-12-2023
Tiengdan
Hổm, vụ Thủ Đức house, bắt phó cục trưởng cục thuế mà cục trưởng lại được điều qua giữ chức giám đốc sở Tài chính, mình đã thấy lạ và… mừng!
Biết là ông Minh mới về thế ông Tâm nên tính liên đới rất thấp nhưng thời buổi “trách nhiệm người đứng đầu” khi một cục phó bị bắt và cơ man cấp dưới ra tòa thì hồ sơ bổ nhiệm cũng không nhanh được vậy. Nên, hẳn ông Minh phải “sáng” lắm thì mới được điều và giữ chức một sở “giữ tiền” như vậy. Nên mừng.
Rồi tối nay, đọc tin ông bị bắt bởi cái tội rất… phổ cập hiện nay, “nhận hối lộ” mà ở một vụ khác, nó không ở mức hẹp Thủ Đức (house), nó tầm bao trùm Xuyên Việt (Oil). Ông Minh nối gót ông Thọ – nguyên bí thư tỉnh Bến Tre.
Từ con số 3 triệu đô giấu ngoài balcon của ông bộ trưởng năm nào, đến thùng xốp chứa 5 triệu đô của bà cục trưởng, thì đến cỡ bí thư tỉnh ủy, giám đốc sở, chẳng còn gì để “ngạc nhiên” hơn. Nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn, nhỏ ăn lớn, lớn ăn nhỏ…
Nhiều lần ngu ngơ tự nhủ, đất nước này đâu thiếu người giỏi người tài, dân nước này đâu lười biếng, ngược lại chịu học, chịu làm mà mãi vẫn nghèo, vẫn thua sút lần hồi.
Cả một rừng luật, nghị định, thông tư; cả một tầng ngang, dãy dọc từ điều lệ, những điều không được làm, những biểu hiện nhận diện, mà rồi bắt mãi vẫn không hết, bắt đến gần hết vẫn không sợ, ăn đến hết vẫn không thôi…
Rồi không dưng lại lơ mơ tự hỏi, kết luận số gì đấy về cái gọi là bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, ừ thì cứ cho bảo vệ được thì của nả làm ra có đủ nuôi một nhóm cán bộ không nhỏ dám đục, dám khoét, dám vơ vét.
Chiều mới đọc tựa báo, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nói: Mọi việc thành bại, trước hết do cán bộ.
Hẳn nhiên rồi, mọi cơ chế đều do con người sản sinh, vận hành. Vậy nay, với việc điều chuyển, bổ nhiệm nguyên cục trưởng sang giám đốc sở tài chính vừa tròn một năm đã bị bắt thì, thêm một lần nữa, công tác cán bộ và công cụ kiểm soát quyền lực lại cho thấy sự bất thành, thất bại.
Họ, chí ít là như ông Quân bệnh viện Thủ Đức, ông Minh cục Thuế, đều là người giỏi, giỏi học, giỏi hành, giỏi cả cơ mưu mà tha hóa. Có người, nhiều người mà tôi biết, không giỏi gì ráo nhưng làm phép tính “chiết khấu” thì hơn cả máy, dưới nhiều màu áo chứ chả hai như kỳ nữ Kim Cương ngày xưa!
Khi một, hay vài, hay nhiều hơn vài người bị bắt, mình thấy mừng vì đã loại kẻ băng hoại ra khỏi hệ thống quyền lực. Nhưng khi quá nhiều người bị bắt và hành vi, mức độ sai phạm ngày càng “khủng” thì như bị “tê liệt” mọi cảm giác, đến phẫn nộ cũng thấy hoang phí. Chỉ sự hoang mang, bế tắc là thôi không dứt…
Trong cuốn “Bàn về chính quyền“, nhà hùng biện, chính trị gia lỗi lạc Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN) đã nói, “từ ngữ định nghĩa nhà nước là res publica – tức tài sản của nhân dân”. Nhưng với hiện trạng này thì tài sản ấy đang bị cầm cố, bị phát mãi, nhân dân còn lại gì cho mình, cho con cháu sau này?
No comments:
Post a Comment