Saturday, December 16, 2023

Đâu là những thách thức đặt ra cho Liên Hiệp Châu Âu nếu Ukraina sớm gia nhập khối?
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 16/12/2023 - 09:16
RFI

Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu vào hôm qua 14/12/2023 đã bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán kết nạp Ukraina. Từ lúc mở đàm phán cho đến khi chính thức trở thành thành viên, đoạn đường còn rất dài. Giới phân tích đã cho rằng việc đón nhận Ukraina sẽ đặt ra cho khối Liên Âu rất nhiều thách thức, cả về an ninh lẫn kinh tế xã hội.

Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky (G), chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại thượng đỉnh châu Âu ngày 03/02/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER

Về địa lý, Ukraina là một quốc gia có diện tích lớn hơn bất kỳ thành viên Liên Âu nào. Với diện tích 603.700 km2, Ukraina là nước lớn thứ hai tại Châu Âu, chỉ đứng sau Nga. Pháp, quốc gia Liên Âu thuộc diện rộng, cũng chỉ có diện tích hơn 543.000 km2. Ukraina cũng đông dân, với dân số khoảng 44 triệu, theo số liệu của bộ Ngoại Giao Pháp, đồng thời là một cường quốc nông nghiêp. Chính những đặc trưng địa lý đó tạo ra cho Liên Âu nhiều thách thức một khi Ukraina được kết nạp vào khối.

Thách thức quan trọng đầu tiên mang tính tình huống liên quan đến vấn đề an ninh. Các hiệp ước của Liên Hiệp Châu Âu bắt buộc các thành viên phải giúp đỡ “bằng mọi cách trong khả năng của mình” một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác là nạn nhân của một hành động xâm lược vũ trang trên lãnh thổ của mình.

Nếu Ukraina trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong khi cuộc chiến với Nga đang diễn ra thì các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải tôn trọng điều kể trên. Việc Ukraina đang trong tình trạng chiến tranh chinh là lý do được một số thành viên nêu ra trước đây để bác đơn xin gia nhập Liên Âu của Ukraina.

Ngoài ra, khi có Ukraina là thành viên, Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ có được một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, với những vấn đề có thể được đặt ra về mặt an ninh, quốc phòng và di cư.

Như nói ở trên, Ukraina là một cường quốc nông nghiệp với diện tích đất canh tác lên đến 41 triệu ha, so với 30 triệu ha của Pháp, một nước có nền nông nghiệp mạnh trong Liên Âu.

Cho đến nay, Ukraina đã bán hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của họ sang Liên Hiệp Châu Âu. Một khi có tư cách là thành viên trong khối, Ukraina sẽ mặc nhiên trở thành một phần của thị trường chung Liên Âu, không bị thuế quan hay hạn ngạch, nơi hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới.

Nỗi lo ngại của một số người là Ukraina có thể tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu ra toàn Liên Hiệp Châu Âu, khiến cho sản phẩm nước này tràn ngập các thị trường, gây nên những phản ứng dữ dội từ nông dân các nước Liên Âu khác, tạo áp lực lớn lên các chính phủ.

Tranh chấp giữa Ba Lan cùng một số quốc gia khác với Ukraina liên quan đến ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraina trong thời gian gần đây là những tín hiệu dự báo cho các khó khăn sắp tới.

Trên bình diện xã hội, tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ khiến cho toàn bộ thị trường lao động Liên Hiệp Châu Âu mở cửa cho hàng triệu công nhân Ukraina vốn được trả lương thấp hơn. Đây là một thách thức cần đối phó, vì theo như ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, sự kiện một lượng lớn công nhân Ba Lan đến Anh lao động sau khi Ba Lan gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2004 là một trong những yếu tố dẫn đến Brexit.

Một thách thức quan trọng khác liên quan đến lĩnh vực tài chánh. GDP bình quân đầu người của Ukraina thấp hơn 1/3 mức trung bình của Liên Hiệp Châu Âu xét về sức mua, điều đó có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức trở thành nước nhận được nguồn tài trợ để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của họ mình.

Một nghiên cứu nội bộ của Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraina là thành viên vào lúc này, họ sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (106 tỷ đô la) trong khuôn khổ Chính Sách Nông Nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của Liên Âu, nhằm cân bằng mức sống trên toàn khối. Theo bản nghiên cứu kể trên, tính trên ngân sách 7 năm của Liên Hiệp Châu Âu, Ukraina sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro.

Điều đó có nghĩa là nhiều quốc gia hiện là người nhận tài trợ của Liên Hiệp Châu Âu sẽ trở thành người phải đóng góp và những người đóng góp hiện tại sẽ phải chi ra nhiều hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của Liên Hiệp Châu Âu.

No comments:

Post a Comment