Thursday, December 21, 2023

2023: Năm thành công của "ngoại giao cây tre" Việt Nam
Thu Hằng
Đăng ngày: 21/12/2023 - 13:51
RFI

Tháng 09/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất - Đối tác Chiến lược Toàn diện - trong chuyến công du của tổng thống Joe Biden. Ba tháng sau, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội và ra về với 37 thỏa thuận hợp tác, trong đó có dự án Trung Quốc tài trợ một tuyến đường sắt xuyên biên giới và hai nước duy trì tuần tra hàng hải chung.

Ảnh minh họa : Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) tiếp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại phủ chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 10/09/2023. AP - Luong Thai Linh

Việt Nam trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc đối thủ, nhưng không làm « mếch lòng » bên nào nhờ chính sách « ngoại giao cây tre ».

Đối với Karishma Vaswani, trong một bài viết ngày 18/12 trên trang Bloomberg, hoàn toàn hiểu được tại sao Việt Nam được cả Mỹ và Trung Quốc chú ý. Tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này sẽ đạt 5% trong năm 2023, cao hơn hẳn so với nhiều nước khác. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 14,7% tính đến hết tháng 10. Từ một nước kém phát triển, bị cô lập cách đây ba thập niên và chỉ giao thương với khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ, hiện giờ, Việt Nam duy trì hoạt động thương mại với hơn 150 nước và ký rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có Trung Quốc, ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Nga...

Ngoài ra, còn phải nhấn mạnh đến vao trò địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực, trong bối cảnh hai nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng. Việt Nam « bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác lớn » với Mỹ và « chia sẻ tương lai » với Trung Quốc. Làm hài lòng cả hai « ông lớn » có thể được coi là thành công trong chính sách « ngoại giao cây tre » của Việt Nam : cứng cáp và bền, nhưng cũng dẻo dai và thích ứng. Cụm từ này được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng lần đầu tiên vào năm 2016, nhưng thực ra, chính sách giữ cân bằng đã được áp dụng từ nhiều thập niên qua, thông qua chính sách quốc phòng « Ba Không », đến năm 2019 trở thành « Bốn Không » nhằm tránh mọi xung đột và cổ vũ hòa bình.

Hà Nội đã khéo léo thành lập được mạng lưới quan hệ chiến lược và đối tác với các cường quốc cũng như các nước nhỏ, không chỉ giữ cân bằng lợi ích với Mỹ và Trung Quốc, mà còn tiếp tục duy trì quan hệ với Nga - nước anh em đã giúp Việt Nam tái thiết sau chiến tranh và xây dựng quân đội - cho dù Matxcơva đang bị phương Tây trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina.

Nhà nghiên cứu Lye Liang Fook, Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhắc đến « mối quan hệ được cải thiện với Nhật Bản » và cho rằng : « Chuyến công du của ông Tập Cận Bình là một chỉ dấu khác chứng minh cho hành động khéo léo giữ cân bằng của Việt Nam và cho thấy nước này đã đạt đến độ cân bằng an toàn với các cường quốc như thế nào ».

Việt Nam thu hút vốn FDI của nhiều đại tập đoàn công nghệ Mỹ, đặc biệt là sau chuyến công du của tổng thống Joe Biden. Trung Quốc, hiện là nhà đầu tư thứ 6 vào Việt Nam, muốn đuổi kịp những nước đứng đầu danh sách. Cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường trông đợi « những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cao và kinh tế điện tử, phiên bản Trung Quốc của Apple hay Intel, đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam ».

Có thể thấy nhiều cường quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế để được lợi thế về chính trị, nhưng chiến lược này khó có thể tác động đến Việt Nam. Hà Nội sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì quan hệ với các nước vẫn bất đồng với nhau. Chiến lược ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ giúp Việt Nam duy trì sức ảnh hưởng cũng như thành công về kinh tế và chính trị.

Việt Nam có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực. Bắc Kinh luôn phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào tuyến hàng hải huyết mạch ở vùng biển mà Trung Quốc đòi sở hữu hơn 80% diện tích. Tuy nhiên, Bắc Kinh không phản ứng mạnh mẽ trước sự phản đối của Hà Nội như cách họ làm với Philippines.

Theo trang Bloomberg, một phần có thể là nhờ chiến lược đối ngoại độc lập của Việt Nam. Hợp tác thay vì xung đột là một yếu tố chủ đạo về cách Hà Nội nhập cuộc vì lợi ích cạnh tranh, không chỉ để sống còn mà còn để tỏa sáng. Tác giả bài viết kết luận « các nước khác sẽ khôn ngoan nếu học theo tấm gương của Hà Nội ».

No comments:

Post a Comment