VNTB – Tổng bí thư hay Thủ tướng chịu trách nhiệm về quản trị quốc gia?
Nguyễn Nam
08.11.2023 6:56
VNThoibao
(VNTB) – Khu vực bất động sản chiếm tới 46% vốn cả nước
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1-2021), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng bí thư nhấn mạnh tiếp tục quán triệt đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, từng địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực cụ thể.
Theo mục tiêu của Quốc hội và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 khoảng 6 – 6,5%.
Trên cơ sở đó, Chính phủ dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1,65 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách khoảng 3,6% GDP. Dự kiến các khoản vay là khoảng 676.057 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, vay về cho vay lại.
Cũng theo báo cáo, Chính phủ sẽ trả nợ trực tiếp khoảng 395.874 tỷ đồng vào năm sau, trong đó gần 73% trả nợ gốc, còn lại là trả nợ lãi. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 58.245 tỷ đồng (trả gốc khoảng 50.502 tỷ đồng, trả lãi khoảng 7.743 tỷ đồng). Với mức trả nợ này, Chính phủ cho hay chỉ tiêu trả nợ trực tiếp so với thu ngân sách trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt tại nghị quyết 23/2021.
Về hạn mức bảo lãnh Chính phủ, dự kiến năm 2024 Chính phủ không xem xét cấp bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài. Dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 9.118 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 88.425 tỷ đồng.
Về ngân sách địa phương, dự kiến bội chi là 26.500 tỷ đồng. Tổng mức vay năm 2024 khoảng 30.619 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và nguồn vay trong nước khác. Địa phương sẽ trả nợ là 4.119 tỷ đồng; tổng dư nợ cuối năm khoảng 96.016 tỷ đồng.
Liên quan tới nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả, Chính phủ cho biết mức rút vốn ròng trung – dài hạn dự kiến khoảng 7,5 – 8,5 tỷ USD, tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 15 – 18% so với cuối năm 2023.
Bàn luận về vấn đề tài chính, chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt – nguyên vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho rằng cần lưu ý rằng nợ của doanh nghiệp phi tài chính nói chung – tức là không kể ngân hàng và doanh nghiệp tài chính – khu vực trung gian tạo nợ, hiện nay là quá lớn.
Theo tính toán, tỷ lệ nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính lên tới 237% GDP vào cuối năm 2020, vượt xa tỷ lệ 150% của Trung Quốc và 100% của Mỹ. Tỷ lệ nợ cao sẽ tạo rủi ro khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ lúc lãi suất thật lên cao.
“Ngân hàng Nhà nước gần như không công bố số liệu về nợ cho từng loại doanh nghiệp và từng hoạt động. Chỉ có thể tìm số liệu về tỷ lệ nợ dựa vào Sách trắng doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê phát hành, gần đây nhất là bản năm 2023 nhưng số liệu mới chỉ đến năm 2021.
Số liệu năm 2021 cũng cho thấy tỉ lệ vốn trong tổng vốn cả nước đi vào kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong thời kỳ gần đây, đặc biệt là với các doanh nghiệp mới đăng ký, chiếm tới 33,7% tổng vốn mới. Nếu kể cả xây dựng thì khu vực này chiếm tới 46% vốn cả nước” – ông Vũ Quang Việt diễn giải và cho rằng Việt Nam gặp vấn đề cho vay phát triển địa ốc quá lớn, cần được xử lý hài hòa trong tương quan của cầu tín dụng trong sản xuất công nghiệp.
No comments:
Post a Comment