Việt Nam, Úc trên đường trở thành "đối tác chiến lược toàn diện"Thanh Phương
Đăng ngày: 27/11/2023 - 12:17
RFI
Ông Albanese đã tuyên bố như trên trong bối cảnh năm nay là kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao giữa Canberra và Hà Nội và cũng là năm được coi là “chín mùi” để hai nước nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
"Đối tác chiến lược toàn diện" là cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam, một mối quan hệ mà Việt Nam cho đến nay mới chỉ thiết lập với 5 quốc gia Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và gần đây nhất, vào tháng 9, là với Hoa Kỳ. Riêng Úc chỉ mới là đối tác chiến lược của Việt Nam kể từ năm 2018, trong khi Canberra đã thiết lập bang giao với Hà Nội từ cách đây 50 năm, tức ngay cả trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Sydney ngày 23/11/2023, nhà báo Lưu Tường Quang trước hết nhắc lại lịch sử bang giao giữa Úc với Việt Nam:
“Bang giao song phương giữa hai nước đã bắt đầu từ năm 1973. Sau khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, chính phủ Úc lúc đó dưới quyền của thủ tướng Gough Whitlam đã công nhận chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đồng thời vẫn duy trì bang giao với Việt Nam Cộng Hòa.
Trong thời gian Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, ai đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi sự cô lập? Chính là nước Úc. Chính ngoại trưởng Bill Haydon đầu thập niên 1980 đã vận động để Việt Nam bớt bị cô lập và có thể gia nhập lại môi trường bang giao thế giới. Cũng vì thế mà vào năm 1984, do lời mời của ngoại trưởng Bill Haydon mà ông Nguyễn Cơ Thạch đã là ngoại trưởng đầu tiên của CHXHCN Việt Nam thăm một quốc gia Tây phương tại Canberra.
Vào năm 1999, Úc là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thương thuyết và chấp nhận với Việt Nam trao đổi tùy viên quân lực giữa Canberra và Hà Nội.”
Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat của Nhật ngày 01/11/2023, tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Úc) nhắc lại:
“Ý tưởng nâng cấp quan hệ lần đầu tiên được ngoại trưởng Úc Marise Payne đề xuất với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh vào tháng 11/2020. Sau đó, ý tưởng này đã được cựu thủ tướng Scott Morrison hai lần nêu ra trong các cuộc điện đàm riêng với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính vào tháng 1 và tháng 5/ 2021.
Với sự thay đổi chính phủ ở Úc sau cuộc bầu cử vào tháng 5/2022, cuộc thảo luận về việc nâng cấp đã bị đình trệ cho đến chuyến thăm của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Vương Đình Huệ tới Canberra vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022. Trong các cuộc gặp với các thành viên của cả hai cơ quan hành pháp và lập pháp của Úc, ông Vương Đình Huệ đã đạt được sự đồng thuận với họ về việc nâng cấp quan hệ song phương. Hai bên dự kiến việc nâng cấp sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm nay."
Nhà báo Lưu Tường Quang cũng tin rằng rất có khả năng là trong vài tháng tới, quan hệ giữa Úc với Việt Nam sẽ được nâng cấp lên đến mức cao nhất:
“Không những tôi tin tưởng bang giao song phương giữa CHXHCN Việt Nam và Úc sẽ được nâng lên mức cao nhất trong cuối năm nay, hoặc đầu năm tới, mà còn có những dấu hiệu rất cụ thể cho thấy việc này có nhiều khả năng xảy ra, căn cứ vào các cuộc thăm viếng của các quan chức cao cấp của Úc đến Việt Nam, cũng như cuộc gặp mới đây nhất giữa chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và thủ tướng Anthony Albanese nhân thượng đỉnh APEC tại San Francisco.
Với sự thăm viếng dồn dập từ phía Úc sang Việt Nam mà Việt Nam chưa đáp lễ ở mức tương đương, tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để từ đây đến cuối năm, một trong ba vị trong “tứ trụ triều đình” có thể sang thăm Úc và có thể một trong những mục tiêu sẽ là nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược đã có từ 2018 lên mức đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Cuối tháng 11 đầu tháng 12/2022, chính Việt Nam đã cử chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ sang thăm Úc như là sự kiện khởi đầu kỷ niệm 50 năm bang giao. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay chúng ta không thấy các nhân vật quan trọng trong nhóm tứ trụ có mặt tại Úc. Trong số 3 vị còn lại, tất nhiên là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ không thể thăm Úc, do ông đã không thể đi thăm Hoa Kỳ vì lý do sức khỏe, mặc dù trong lịch sử bang giao Úc-Việt Nam, đã từng có 2 tổng bí thư thăm nước Úc: ông Nông Đức Mạnh vào năm 2009 và trước đó là ông Đỗ Mười năm 1995 vào thời thủ tướng Paul Keating. Tôi thấy thủ tướng Albanese đã thăm Hà Nội hồi tháng 6/2023 và đã gặp gỡ và thảo luận với thủ tướng Phạm Minh Chính, thì tôi nghĩ là để đáp lễ, nhân vật có thể đến thăm Úc đây đến cuối năm hoặc đầu năm tới là ông Phạm Minh Chính chăng? Một trong hai người có thể đến Úc, đó là ông Phạm Minh Chính và ông Võ Văn Thưởng.”
Trong bài viết đăng trên The Diplomat ngày 01/11, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải đã nêu ra ba lựa chọn mà Việt Nam và Úc có thể cân nhắc nếu mong muốn nâng cấp mối quan hệ trong năm nay. Phương án đầu tiên là chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và thủ tướng Albanese sẽ đưa ra thông báo khi gặp nhau bên lề Thượng đỉnh APEC ở San Francisco ( Nhưng việc này đã không diễn ra ). Lựa chọn thứ hai, mặc dù hơi kém, là việc nâng cấp diễn ra thông qua cuộc gặp trực tuyến giữa hai thủ tướng, như Việt Nam đã làm với New Zealand vào năm 2020. Lựa chọn thứ ba và lý tưởng nhất sẽ là chuyến thăm ngắn ngày của thủ tướng Phạm Minh Chính tới Canberra nhưng tập trung vào việc nâng cấp trước khi năm 2023 kết thúc, giống như chuyến thăm ngắn ngày của tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9.
Theo đánh giá của nhà báo Lưu Tường Quang, việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện sẽ có lợi cho cả hai nước Úc và Việt Nam :
“Trong các cuộc gặp gỡ, chẳng hạn như giữa thủ tướng Albanese với thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức ngày 07/06/2023, hai bên đã nêu lên sự hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Úc và CHXHCN Việt Nam, không những về đầu tư thương mại, chống biến đổi khí hậu, mà nước Úc còn giúp cho Việt Nam về phát triển qua các viện trợ phát triển chính thức ODA.
Nhưng cả hai bên cũng đều nói là có thể tăng cường quan hệ về an ninh quốc phòng. Tôi nghĩ Việt Nam và Úc có một mẫu số chung là vì trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Úc ủng hộ lập trường của Việt Nam: Biển Đông phải được giữ nguyên trạng, không được quân sự hóa và phải được tự do lưu thông hàng hải, hàng không. Nước Úc coi sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông như là một sự đe dọa đối với chính nước Úc.
Sự hợp tác về quốc phòng rất là đa dạng. Việt Nam có khả năng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới, như tại Nam Sudan, phần lớn là do được Úc huấn luyện, không chỉ về Anh ngữ, mà cả về cách hành xử khi tham gia các chiến dịch bảo vệ hòa bình. Chính các phi cơ vận tải của Úc đã chở các binh lính Việt Nam sang Nam Sudan. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng khắng khít. Tại các học viện quân sự của Úc, hiện có nhiều sinh viên sĩ quan của Việt Nam đang theo học.
Vì những lý do đó mà tôi nghĩ là việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên chiến lược toàn diện sẽ có lợi cho cả hai bên.
Tôi nghĩ có hai lĩnh vực mà Úc có thể gia tăng trợ giúp Việt Nam về an ninh quốc phòng. Thứ nhất là huấn luyện đơn vị quân đội Việt Nam tham gia bảo vệ hòa bình theo chương trình của Liên Hiệp Quốc. Thứ hai là Úc chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông, coi vấn đề tự do hàng hải và hàng không là quan trọng, cũng như Úc không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Thứ ba là trong các cuộc gặp gỡ giữa ông Albanese và ông Phạm Minh Chính cũng như trong các cuộc gặp song phương giữa ngoại trưởng Penny Wong với ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục thảo luận ở cấp cao mỗi năm, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và thế giới. Những từ ngữ mà tôi cho là rất khích lệ: Cả hai bên đều coi đối tác của mình là quan trọng.
Về phía nước Úc, ông Albanese đã nói rõ với ông Phạm Minh Chính khi thăm Việt Nam hồi tháng 6 là nước Úc coi Việt Nam là đối tác hàng đầu và ngay trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh APEC, ông Albanese cũng đã nói với chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rằng nước Úc coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu trên thế giới.
Thật sự thì nước Úc không phải là một đại cường, mà chỉ là một quốc gia phát triển bậc trung, cho nên sự gần gũi giữa Úc với Việt Nam dễ dàng được thực hiện."
No comments:
Post a Comment