Từ chuyện Thành Bưởi bị hành, nhớ khổ nạn đi lại năm xưa (Kỳ 3)Nguyễn Thông
3-11-2023
Tiengdan
Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2
Bộ phim “Chuyến xe bão táp” ra đời năm 1977 của đạo diễn Trần Vũ kể về thế sự qua một chuyến xe khách. Chiến tranh đã chấm dứt rồi, tưởng cuộc sống mới “ta nắm tay nhau xây lại đời ta”, tất cả sẽ sung sướng, đầy yêu thương, ai ngờ con người đối xử với nhau còn khốn nạn hơn cả lúc súng ống bom đạn đùng đoàng. Xem mà giận, mà thương.
Hồi cuối thập niên 70 xem bộ phim này cảm giác thế nào, giờ vẫn nguyên như thế. Cặp Thanh Quý – Vũ Đình Thân và bậc tiền bối Trịnh Thịnh (khi ấy tuổi trung niên) nhập vai quá giỏi. Xem mà không nghĩ đó là phim. Phim tiếp theo có Quý – Thân là phim “Những người đã gặp” cũng rất tuyệt vời, xuất hiện thêm cả Phương Thanh nữa.
Thời ấy tôi chỉ hơn cô Quý vài tuổi, mấy đứa thầy giáo trẻ chúng tôi lúc bụng đói cật rét, ngồi tán phét với nhau, tôi bảo ông Vy đồng nghiệp, ông ạ, tôi chỉ ao ước được nắm tay Thanh Quý một phát, rồi “nó” làm gì thì làm. Về sau này nền “điện ảnh cách mạng” đi xuống, chả bao giờ có lại được những Thanh Quý, Phương Thanh, Đình Thân… nữa. Hồng nhan bạc phận, idol của tôi lấy được ông chồng có chút danh, ai ngờ “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, hợp rồi lại tan, ngậm ngùi.
Trong đời, chính tôi từng chịu biết bao nhiêu chuyến xe bão táp, còn bị hành hơn cả Thanh Quý, Trịnh Thịnh. Khổ riết thành quen, không nghĩ mình khổ. Sức chịu đựng của con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa xứ ta, nếu có cuộc thi quốc tế, giải nhất cầm chắc.
Thôi, không kể chuyện của người khác làm gì, cứ lấy chuyện chính bản thân mình cho cụ thể. Phản ánh hiện thực, không gì bằng mắt thấy tai nghe, tự mình trải qua, chứng kiến. Tất nhiên cũng có những trường hợp “tự mình” nhưng do bị hao mòn bởi thời gian, trí nhớ, dẫn đến có thể sai lệch, không đầy đủ. Tôi hiểu điều ấy nên chỉ biên lại những gì mình còn cảm thấy chắc chắn, rõ ràng từ ký ức, chứ không phải dạng nhớ láng máng thế này thế nọ.
Khi tôi lên 9 (năm 1964, mở màn cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ), lúc ở miền Nam đã bắt đầu “tivi chạy đầy đường” thì tôi vẫn chưa hề được ngồi xe ô tô khách. Làng tôi cách nội thành Hải Phòng 23 cây số, nếu ra phố chỉ đi bộ. Một vài lần thày cho tôi ra chơi nhà người thân ngoài phố, hai bố con chỉ cuốc bộ, bố đi trước, con lẽo đẽo theo sau. Đi chân đất bởi không có giày dép, còn guốc thì không đi xa được. Mất cả buổi sáng mới tới nơi. Ở chơi chiều và tối, sáng hôm sau lại cặm cụi đi bộ về.
Không phải là thích đi bộ, mà cũng chẳng đến nỗi không có tiền, vé xe chỉ độ 3 hào, mà do không bắt được xe. Hải Phòng những năm tháng ấy có hai bến xe khách, một bến cạnh hồ Quần Ngựa (gần khách sạn Tray bây giờ) và bến kia gần cầu Niệm. Ô tô rất ít, về các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… chỉ 2 chuyến/ ngày, sáng sớm và chiều tối.
Đố ai giành được vé với người nhà nước (dấm dúi cho người nhà hoặc để bán chợ đen) và con buôn. Trên chiếc xe ca (phát âm từ gốc car) cũ kỹ, tậm tạch, không cửa kính, ghế đổ nát xiêu vẹo, người ta nhét khách lên đó như buôn lợn. Khách đứng nhiều hơn khách ngồi. Đúng nghĩa hành khách. Vậy nhưng, không phải ai cũng có được sự may mắn khốn nạn ấy.
Tới đầu thập niên 70, học trên Hà Nội, mỗi lần nghỉ hè, nghỉ tết, tôi thường phải mất ít nhất hai ngày cho hành trình về hoặc đi gần 130 cây số. Chỉ có điều, từ Hà Nội về Phòng, hoặc Phòng lên thủ đô còn có xe lửa, không mua được vé ô tô khách thì lần mò sang ga Trần Quý Cáp, xếp hàng vé tàu lửa. Còn từ nội thành Phòng về huyện thường không có xe. Không ít lần tôi về tới Phòng thì đã nửa đêm, lại vạ vật lề đường hoặc góc bến, sáng hôm sau không chen mua được vé thì đánh bộ về. Thày bu sốt ruột đang chờ.
Có lần mò tới được đầu núi Chè chỉ còn cách nhà khoảng hai trăm mét, phần thì mệt, phần thì đói, ngã khuỵu xuống chả còn sức lê tiếp nữa. Đó là hè năm 1974.
Cuộc sống tươi đẹp chỉ có trong văn nghệ, thơ ca nhạc họa, kiểu như “sương long lanh, trên ngọn cỏ non xanh, vừng đông đã sáng lên, tươi sáng trong không gian, bao tối tăm mịt mù dần tan”, “bạn ơi cất tiếng hát ta ca đời sống, đây là tương lai ngời ánh sớm mai hồng”, “trên những ngả đường náo nức tôi đi/tôi đã nghe xao xuyến thầm thì“… thực ra chỉ toàn tô vẽ, nói phét. Cả nửa đất nước với mười mấy triệu người bị lừa dối, câm lặng nhẫn nhục.
(Còn tiếp)
______
Hai hình ảnh: “Thiên đường XHCN” ở miền Bắc sau chiến tranh và “Phồn vinh giả tạo” ở miền Nam trước khi được “giải phóng”.
No comments:
Post a Comment