Sunday, November 5, 2023

Quỹ đền bù ‘‘thiệt hại’’ do biến đổi khí hậu: Các nước giàu và các nước phương Nam đạt thỏa hiệp
Trọng Thành
Đăng ngày: 05/11/2023 - 14:18
RFI

Ít tuần trước hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc, khối các nước giàu và các nước phương Nam đạt một thỏa hiệp sơ bộ về quỹ đền bù ‘‘tổn thất và thiệt hại’’ trong phiên họp hôm qua, 04/11/2023, mở đường cho một thỏa thuận chính thức tại COP28. Đền bù ‘‘tổn thất và thiệt hại’’ là bất đồng chính giữa hai nhóm nước, đe dọa thành công của COP28. Tuy nhiên, thỏa hiệp nói trên cũng bị nhiều nước đang phát triển và các tổ chức xã hội dân sự chỉ trích là không đủ tầm mức.

Ảnh minh họa : Logo hội nghị COP28 sẽ diễn ra tại Dubai, UAE từ ngày 30/11 đến ngày 23/12/2023. © DS

Theo AFP, cuộc họp thứ năm và cũng là cuộc họp cuối cùng về chủ đề này kết thúc hôm qua, với việc thông qua một văn bản khuyến nghị trong phiên họp toàn thể, được phát trực tuyến, bất chấp sự dè dặt của Hoa Kỳ và một số nước đang phát triển. Văn bản đề xuất thành lập quỹ tạm thời trong 4 năm, được đặt tại Ngân hàng Thế giới. Đây là điều ban đầu bị các nước đang phát triển phản đối mạnh mẽ, với cáo buộc Ngân hàng Thế giới có thể bị phương Tây thao túng.

Dù đạt được thỏa hiệp tạm thời, các cuộc tranh luận về chủ đề quỹ đền bù thiệt hại tại COP28 ở Dubai hứa hẹn sẽ nảy lửa. Theo đại biểu Ai Cập Mohamed Nasr, văn bản này thiếu hụt nhiều đòi hỏi từ các nước đang phát triển, ‘‘từ quy mô quỹ đến nguồn tài chính…’’. Trả lời AFP, ông Harjeet Singh, Mạng lưới hành động khí hậu phi chính phủ, cũng ghi nhận việc “Các khuyến nghị rất yếu, vì không đề cập đến quy mô của quỹ, cũng như kế hoạch rõ ràng trong việc đóng góp vốn”. Nhà hoạt động này chỉ trích việc Hoa Kỳ khuyến khích nguyên tắc ‘‘tự nguyện’’, trong lúc đại biểu nhiều quốc gia phía Nam chủ trương ‘‘đóng góp bắt buộc’’, do trách nhiệm lịch sử quan trọng nhất của các quốc gia giàu với khí thải gây hiệu ứng nhà kính hâm nóng Trái đất.

Theo nguyên tắc ‘‘trách nhiệm lịch sử’’, cách nay hơn một thập niên, các nước phát triển đã cam kết viện trợ hàng năm 100 tỷ đô la cho các nước đang phát triển từ 2020, nhằm thúc đẩy hai mục tiêu, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và thích nghi với các tác hại của biến đối khí hậu. Theo giới quan sát, việc các nước giàu không thực hiện đúng cam kết này đang là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong các cuộc đàm phán về khí hậu, làm dấy lên lo ngại về khả năng đóng góp từ các nước giàu cho quỹ đền bù thiệt hại, mới được đưa ra tại COP27 hồi năm ngoái.

No comments:

Post a Comment