Nạn lừa bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tiếp diễnHuyền Trân và Aghnia Adzkia
Từ Bangkok và Jakarta
05.11.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,GOPAL SHOONYA/BBC
"Tuyển dâu không giới hạn", "yêu cầu dâu miền nam", “tuyển dâu thiện chí”...
Nếu vào những trang Facebook về kết hôn Việt-Trung-Hàn hiện nay, không khó để bắt gặp những lời chào mời làm vợ cho đàn ông Trung Quốc, tiền sính lễ đôi khi chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng.
Thậm chí những người rao tin còn không cần yêu cầu ngoại hình, nhận độc thân, ly hôn và cả người bị vướng bận con cái.
Những lời rao tuyển cô dâu Việt Nam sang Trung Quốc và cuộc sống của các cô dâu Việt nơi đó có phải luôn “màu hồng” như những emoticon trái dâu trên Facebook hay không?
NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK
Lời tuyển dâu Việt Nam cho nam giới Trung Quốc trên Facebook
NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK
Pacific Links Foundation, một tổ chức phi chính phủ hoạt động tích cực phòng chống nạn mua bán người tại các vùng biên giới Việt Nam, với sự đồng ý của các nạn nhân, đã chia sẻ với BBC News Tiếng Việt câu chuyện của một số người với điều kiện giữ kín danh tính.
'Trung Quốc không có dịch Covid'
Một phụ nữ làm công nhân ở Bình Dương bị mất việc do Covid vào năm 2021. Khi gặp lời quảng cáo của những kẻ buôn người trên internet với nội dung qua Trung Quốc có việc làm, ‘Trung Quốc không có dịch Covid đâu’, nạn nhân đã bị các đối tượng này bố trí lên Lào Cai, đưa qua đường tiểu ngạch sang bên kia biên giới.
Sau khi đi trong rừng núi hơn 10 giờ, cô đến Trung Quốc và bị tống vào một ngôi nhà. Sau khi gặp năm, sáu người phụ nữ khác thì cô mới biết bị lừa. Bọn chúng ép cô lấy chồng, khi từ chối thì cô bị đánh đập.
Cô đành cam chịu lấy một người để được giữ tính mạng, sau đó giả vờ ngoan ngoãn và lấy lòng tin của chồng được một thời gian.
Đồng thời cô học một ít tiếng Trung và tìm hiểu đồn cảnh sát Trung Quốc ở đâu. Một thời gian sau, cô xin đi ra chợ và chạy đến đồn cảnh sát.
Cô được đưa về Việt Nam và được đưa vào Nhà Nhân Ái ở Lào Cai, một địa chỉ tiếp nhận và cưu mang, giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người. Cô được tư vấn và hỗ trợ đi học nghề. Tháng 11/2021, cô được hỗ trợ hồi gia, về lại quê nhà tận Đồng bằng sông Cửu Long.
Bị trục xuất về Việt Nam
NGUỒN HÌNH ẢNH,PACIFIC LINKS FOUNDATION
Hình ảnh nạn nhân gặp lại em gái mình sau hai thập kỷ xa cách, ảnh vào tháng 3/2021
Một phụ nữ H’Mong khoảng 50 tuổi bị lừa sang Trung Quốc từ gần 20 năm trước. Chị bị ép lấy chồng và có một người con, nhưng con chết lúc mới bốn tuổi.
Do không có giấy tờ tùy thân và giấy đăng ký kết hôn nên bản thân chị không được bảo vệ nơi xứ người.
Chị bị trục xuất về Việt Nam dù đã ở đó hàng chục năm. Người này không nhớ nhà mình ở đâu, không nói được tiếng Kinh.
Nạn nhân được đưa vào Nhà Nhân Ái tại Lào Cai vào tháng 11/2020 để được hỗ trợ nơi an toàn và tìm kiếm người thân.
Qua phiên dịch và mô tả, cơ quan công an đã tìm được người em gái của chị sau gần hai thập kỷ tưởng không bao giờ gặp lại.
'Phải bỏ lại con gái ở Trung Quốc'
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC VIA GETTY IMAGES
Năm 2015, một người phụ nữ Việt Nam bị bạn thân rủ đi chơi, sau đó bị cho uống thuốc ngủ, khi tỉnh dậy thì phát hiện mình đã ở Trung Quốc. Sau đó cô bị ép lấy chồng Trung Quốc, bị gia đình bóc lột lao động.
Sau khi cô sinh một người con gái, gia đình chồng bắt đi làm công nhân và tiền lương bị họ lấy hết. Chịu không nổi, cô quyết định bỏ trốn.
Trên đường chạy đến đồn cảnh sát, cô cứu thêm một cô dâu Việt Nam cũng đồng cảnh ngộ như mình. Hai người được cứu và trao trả về cho công an Việt Nam.
Họ được chuyển đến Nhà Nhân Ái ở Lào Cai để có nơi lưu trú an toàn và được hỗ trợ đi học trở lại.
Với mơ ước trở thành bác sĩ cứu người, cô đã cố gắng quyết tâm và được hỗ trợ tiếp tục học ngành Dược tại một trường Đại học ở TP HCM.
Cô đã tham gia tình nguyện chống dịch Covid trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành tại TP HCM năm 2021.
Bà Lương Hồng Loan, Giám đốc Chương trình của Pacific Links Foundation nói với BBC News Tiếng Việt:
“Đưa người sang Trung Quốc đường tiểu ngạch vẫn diễn ra trước và sau khi Trung Quốc mở cửa sau dịch Covid vào tháng 2/2023. Chúng tôi đã giúp đỡ trường hợp bị ngay chính bạn thân, người thân lừa bán sang Trung Quốc. Thủ đoạn cũ như quen qua mạng, hẹn ra chợ sát biên giới, có những tên đồng bọn ép các nạn nhân và đưa vào các vùng sâu ở Trung Quốc. Chiêu trò tuy cũ nhưng họ vẫn bị mắc bẫy.”
“Khó khăn nhất đối với các nạn nhân là sự chấp nhận của cộng đồng, của những người đầu tiên, hay chính từ người thân khi họ quay trở về. Nhiều khi các nạn nhân không biết được hưởng được sự giúp đỡ nào từ xã hội, và đôi khi tự trách bản thân mình, là đã khờ dại mới bị sập bẫy," bà Loan cho biết thêm.
Pacific Links cho biết cho đến nay, tại Việt Nam họ đã hỗ trợ cho hơn 1.500 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 80% là phụ nữ.
Báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam năm 2023 của Chính phủ Mỹ cho biết năm ngoái 121 đối tượng đã bị kết án tù giam về tội buôn người, bao gồm buôn bán lao động và tình dục ở Việt Nam.
Những tên tội phạm nhắm đến phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt dân tộc thiểu số H’Mong và sau đó đưa sang Trung Quốc để ép gả bán cho đàn ông Trung Quốc, theo báo cáo.
Các tên buôn người ngày càng tăng cường mạng lưới tội phạm hoạt động của mình thông qua tập tục “bắt vợ” để bắt những phụ nữ, trẻ em gái ở đây sang Trung Quốc, theo báo cáo.
Trung Quốc đã mở lại các cửa khẩu sau dịch Covid vào tháng Hai năm nay sau ba năm đóng cửa vì đại dịch và thực thi chính sách ‘zero-Covid’.
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ Việt Nam
Ảnh: Getty Images
Phụ nữ là đối tượng chủ yếu mà tội phạm mua bán người hướng đến.
Theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, từ năm 2012 đến 2018, có khoảng 7.500 nạn nhân bị mua bán đã được giải cứu và tiếp nhận.
Đa số nạn nhân là phụ nữ, bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), và cưỡng bức lao động, theo số liệu năm 2018.
Phụ nữ bị bán từ Việt Nam sang Trung Quốc (tháng 6/2012 - 1/2018)
= 10
Số kẻ tình nghi phạm tộiSố cô dâu Việt được giải cứu9671373
Nguồn: UNFPA Trung Quốc
Một nghiên cứu của UNFPA tại Trung Quốc hồi năm 2018, tổ chức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của Liên Hiệp Quốc nêu họ đã giải cứu được 1.373 cô dâu Việt Nam và bắt 967 kẻ tình nghi buôn người, trong khoảng từ tháng 6/2012 đến tháng 1/2018.
Phụ nữ là đối tượng chủ yếu mà tội phạm mua bán người hướng đến.
Theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, từ năm 2012 đến 2018, có khoảng 7.500 nạn nhân bị mua bán đã được giải cứu và tiếp nhận.
Đa số nạn nhân là phụ nữ, bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), và cưỡng bức lao động, theo số liệu năm 2018.
Một nghiên cứu của UNFPA tại Trung Quốc hồi năm 2018, tổ chức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của Liên Hiệp Quốc nêu họ đã giải cứu được 1.373 cô dâu Việt Nam và bắt 967 kẻ tình nghi buôn người, trong khoảng từ tháng 6/2012 đến tháng 1/2018.
UNFPA tại Trung Quốc nói với BBC News Tiếng Việt, họ không có báo cáo cập nhật sau năm 2018.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GREG BAKER/AFP VIA GETTY IMAGES
Một người phụ nữ Việt Nam tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào năm 2014. Theo tác giả ký sự ảnh, Greg Baker từ AFP vào năm 2014, hơn 20 cô dâu Việt Nam bắt đầu cuộc sống mới tại ngôi làng Thiện Vĩ, nơi những người nông dân khó tìm được vợ
Trong một nghiên cứu năm 2022 về vấn đề cô dâu Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, bà Lương Hiểu Thần (Xiaochen Liang), nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành xã hội học từ Đại học California, Santa Cruz cho rằng khái niệm về buôn bán người qua việc kết hôn (marriage trafficking) không được nhận thức đầy đủ tại Trung Quốc.
Khái niệm nô lệ sinh sản (reproductive slavery) được bà Lương Hiểu Thần đề cập trong cuộc nghiên cứu là khía cảnh thứ ba trong nạn bóc lột thông qua nạn buôn bán người qua việc kết hôn.
Cũng theo bà Lương thì người dân ở các ngôi làng ở Trung Quốc hiếm khi thông tin về các vụ xâm hại.
“Nhiều người trong làng thậm chí còn theo dõi hành động của các phụ nữ bị buôn bán sang Trung Quốc để ngăn chặn nỗ lực trốn thoát của họ,” nghiên cứu cho biết.
Nguyên nhân gì khiến thúc đẩy nạn bán cô dâu Việt Nam sang Trung Quốc?
Dư thừa đàn ông
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Một đám cưới tập thể ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào tháng 5/2023
Nam giới Trung Quốc đang khó tìm được vợ do nước này đang trong tình trạng bị dư thừa.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tính đến năm 2021, nước này có 33 triệu nam dư thừa so với nữ.
Hiện độ tuổi kết hôn hợp pháp tại Trung Quốc cho nam là 22 tuổi trở lên, và nữ là 20 tuổi trở lên.
Tỷ lệ kết hôn trong năm 2022, theo số liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố, đạt mức thấp nhất trong bốn thập kỷ qua, chỉ có 6,8 triệu cặp đôi, trong khi nhiều phụ nữ thích lựa chọn cuộc sống độc thân.
Trong khi đó, thống kê ở Việt Nam vào cuối năm 2022, số nam giới là 49,61 triệu người, chiếm 49,9%, nữ có 49,85 triệu người, chiếm 50,1%.
Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ.
Có thể thấy Việt Nam không bị mất cân bằng giới tính như Trung Quốc.
Số liệu từ Bộ Công an Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2019 cho thấy trung bình có khoảng 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó 72% là nữ.
Vợ Việt 'rẻ' hơn?
Dường như việc lấy vợ Việt Nam ‘rẻ’ hơn nhiều so với lấy vợ Trung Quốc.
Bài viết năm 2022 của The China Project dẫn kết quả khảo sát từ China Judgement Online cho thấy giá để ‘mua’ một cô dâu Việt Nam ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng từ 16.500 USD (120.000 nhân dân tệ) tương đương hơn 400 triệu đồng vào năm 2020, cao gấp 30 lần so với năm 2010.
Cũng theo bài viết thì mức tiền này vẫn ‘dễ thở’ hơn khi lấy một cô dâu Trung Quốc, người thường đòi hỏi không chỉ chi phí là 18.400 USD mà còn “một ngôi nhà và một chiếc xe”.
Biến đổi khí hậu đang tạo cơ hội cho bọn buôn người?
Báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam năm 2023 của Chính phủ Mỹ nhấn mạnh về tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng di cư và ảnh hưởng đến sinh kế của 17 triệu người sống ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ước tính 24.000 người đã rời khỏi khu vực này để đi đến các thành phố khác để kiếm sống, theo báo cáo.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ nói với BBC News Tiếng Việt:
"Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân của tình trạng di dân ở Đồng bằng sông Cửu Long."
Ông cho biết Đồng bằng sông Cửu Long vốn có địa chất yếu, mỗi năm đều bị lún xuống vì nhiều lý do, như do nhu cầu khai thác cát, nước ngầm quá lớn, nước biển dâng lên do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới kế sinh nhai của người dân.
"Với tình hình sản xuất lúa hiện nay thì người nông dân cứ nghèo hoài. Tình hình sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động như mùa khô thì thiếu nước ngọt, tình trạng nước mặn xâm nhập, giá nông sản bấp bênh.”
"Ở đây, trồng lúa thì không đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong khi lực kéo từ các đô thị và khu công nghiệp lại cao hơn. Lực lượng lao động trẻ rất dễ là đối tượng cho những kẻ buôn người ở những khu công nghiệp và đô thị."
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam năm 2023 của Chính phủ Mỹ nhấn mạnh về tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng di cư và ảnh hưởng đến sinh kế của 17 triệu người sống ở Đồng bằng sông Cửu Long
Một nghiên cứu vào năm 2022 của Giáo sư Matt Kondolf và các cộng sự từ Đại học Stanford đưa ra tình huống xấu nhất là 90% hạ nguồn sông Mekong sẽ bị chìm hẳn dưới mực nước biển vào năm 2100.
Đây là tình huống có thể xảy ra với kịch bản nước biển dâng 1,8 mét, nếu Việt Nam và các quốc gia láng giềng không thực thi các biện pháp bền vững để ngăn chặn ngay từ lúc này.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Một nghiên cứu vào năm 2022 của Giáo sư Matt Kondolf và các cộng sự từ Đại học Stanford đưa ra một kịch bản xấu nhất, đó là 90% hạ nguồn sông Mekong sẽ bị chìm hẳn dưới mực nước biển vào năm 2100 với kịch bản nước biển dâng 1,8 mét
Trong số các nạn nhân buôn người được Pacific Links Foundation hỗ trợ có một phụ nữ quê ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cô đã may mắn được giúp đỡ sau khi bị lừa sang Trung Quốc vào năm 2021, thời điểm bọn buôn người lợi dụng dịch bệnh Covid để chiêu dụ nạn nhân là những công nhân bị mất việc qua internet.
Trong khi người phụ nữ này may mắn được đưa vào Nhà Nhân Ái ở Lào Cai, được học nghề và đoàn tụ với gia đình thì bao người phụ nữ khác ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang chịu rủi ro về nạn buôn người, không chỉ do từ nạn biến đổi khí hậu gây nên.
Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Thomson Reuters Foundation.
Phần đồ hoạ bổ sung do Gopal Shoonya từ Visual Journalism Team của BBC News thực hiện.
Tin liên quan
Ngày 20/10 nghĩ về những phụ nữ Việt chông chênh ở Đài Loan19 tháng 10 năm 2023
Việt Nam với nạn bạo hành trong gia đình, vai trò của thủ phạm, nạn nhân và công chúng24 tháng 3 năm 2023
Trung Quốc: 'Tôi thích chơi với trẻ em, nhưng không muốn có con'4 tháng 7 năm 2023
Trung Quốc: Một phụ nữ bị xích 'làm cả nước phẫn nộ'7 tháng 4 năm 2023
No comments:
Post a Comment