Tuesday, November 7, 2023

Có thể có ‘cán bộ vi phạm’ mà ‘không vụ lợi’?
2023.11.07
RFA

Các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 23/10/2023.
AFP PHOTO

Bộ Nội vụ hôm 6/11 đề nghị các cơ quan tố tụng phân loại các sai phạm và khoan hồng đối với cán bộ vi phạm nhưng không vụ lợi cá nhân. Trong cùng ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị xây dựng chính sách xử lý nghiêm người tham nhũng, nhưng giảm nhẹ hình phạt cho tội phạm tham nhũng nếu ‘không vụ lợi’.

Đề xuất mang “tính vụ lợi”

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí, hôm 7/11 nhận định với RFA về đề xuất của Bộ Nội vụ và Viện trưởng VKSND Tối cao:

“Tôi nghĩ đây là những đề xuất hoàn toàn bất chấp pháp luật. Bởi vì những hành vi của người cán bộ công chức đều đã được quy định bởi các điều luật có liên quan. Ví dụ như luật về công chức, viên chức, thậm chí luật hình sự… Thế nhưng bây giờ lại đi đề nghị những điều ngoài phạm vi pháp luật, như vậy tôi nghĩ đấy thật sự là bất hợp lý và rõ ràng những đề xuất này đều mang tính vụ lợi. Cụ thể tạo ra những hành lang pháp lý, hoặc tạo ra những vỏ bọc, những hàng rào che chắn cho những cán bộ làm sai.”

Tôi nghĩ đây là những đề xuất hoàn toàn bất chấp pháp luật. Bởi vì những hành vi của người cán bộ công chức đều đã được quy định bởi các điều luật có liên quan.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, Việt Nam đã có nhà nước pháp quyền, có các bộ luật… nếu mà các hành vi “vi phạm hoặc không vi phạm”, thì đều được soi chiếu bởi các khoản mục trong các luật hiện hành. Do đó, theo ông Trí:

“Nếu như các điều luật hiện hành không quán xuyến, không bao quát được các hành vi đấy (hành vi vi phạm-PV)… thì phải bổ sung vào luật, thậm chí phải sửa luật… Chứ không thể đưa ra những đề nghị có tính chất vượt lên trên pháp luật, ngoài pháp luật như thế được.”

Trong khi đó, hôm 7/11, truyền thông Nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng “Công an chưa bắt ai liên quan đến các vụ án tham nhũng mà không nhận hối lộ”.

Nói về các đề xuất, phát biểu của giới chức Việt Nam mới đây, một nhà báo không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 7/11 cho rằng:

“Đây là cuộc chiến chống tham nhũng, những người nào vi phạm mà lại không có vụ lợi… thì hầu như không có. Mình hiểu rằng họ nói đây là lỗi không mong muốn, nhưng trong thực tế những chuyện này hầu như không có. Nói như vậy có nghĩa là ở những vị trí đó, không thấy có bằng chứng mới xảy ra chuyện ‘vi phạm mà không gắn với lợi ích vật chất’. Nó buồn cười vì chuyện đã không có bằng chứng thì kết án người ta đâu được”

c59c5171-28be-44ee-aaf6-9007f56a7c6d.jpeg
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn

Tạo tiền lệ xấu

Trước đó, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào ngày 20/3/2023, ông Lê Minh Trí cũng từng đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.

Theo nhận định của giới luật sư lúc bấy giờ đề xuất của vị Viện trưởng VKSND tối cao là hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự.

Các luật sư còn cho rằng, không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí còn bị cho là có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội!

Những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài

Vào thời điểm đó, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc nói với RFA rằng về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, thì thế nào cũng liên quan đến động cơ vụ lợi:

“Phải khẳng định 100 % quan chức Việt Nam khi giành được quyền lực ở bất kỳ vị trí nào, thì đều đạt được hai tiêu chí, là quyền và lợi ích gắn liền với vị trí đó. Cho nên những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ. Vì việc đưa và nhận hối lộ rất kín đáo, cho nên họ đành phải nói quan chức này không vụ lợi mà thôi. Chứ về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của đất nước, người dân… thế nào cũng liên quan động cơ vụ lợi.”

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, cơ quan chức năng đưa ra đề xuất này để họ biện minh cho những yếu kém của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam. Ông Đài nói tiếp:

“Theo tôi không nên làm như vậy, vì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho những công chức yếu kém về năng lực cũng như đạo đức, họ sẽ vẫn cố tình ngồi trên ghế quyền lực đó để gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và của người dân.”

Khoản C Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô, mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.

Tin, bài liên quan
THỜI SỰ

No comments:

Post a Comment