Monday, November 27, 2023

Chạy đại biểu Quốc hội 30 tỷ đồng
Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2023.11.27
RFA

Quốc hội họp ở Hà Nội hôm 23/10/2023 (minh hoạ)
AFP

Khi bị bắt vào năm 2017, cựu đại biểu Quốc hội/doanh nhân lớn Châu Thị Thu Nga khai đã chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng) để chạy chân đại biểu Quốc hội khóa 13.

Nữ đại biếu Quốc hội trùm lừa

Bà Nga (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) bị tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm tuyên án chung thân vào năm 2018 cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, từ tận năm 2008, bà Nga đã xây dựng bộ máy kinh doanh nhà đất nhằm mục đích lừa đảo khách hàng, đưa thông tin ảo, lập mô hình dự án chung cư đặt tại trụ sở công ty, thi công cọc khoan nhồi tại dự án, sau đó thu tiền khách hàng đặt mua trước căn hộ trong khi dự án chưa được cấp phép.

Bản án phúc thẩm nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với hơn 700 khách hàng bị lừa nộp gần 400 tỷ đồng để mua căn hộ “ma”.

Bà Nga chỉ trả lại cho khách hàng được gần 30 tỷ, còn lại hơn 300 tỷ đã tiêu xài hết.

Báo chí Việt Nam mô tả bà Nga là một nữ đại gia, nổi lên nhờ cơn sốt đất những năm 2006-2010. Sinh năm 1965 tại Thừa Thiên-Huế, với trình độ chuyên môn là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, bà Nga bước vào thương trường với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, sau đó tiến sang đầu tư, phát triển bất động sản.

Trong khoảng thời gian 2004 - 2011, bà Nga là đại biểu Hội đồng nhân dân phường, sau đó tiếp tục tham gia đại biểu dân cử ở cấp quận. Từ 2011, bà trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13.

“Con đường chính trị của bà đã song hành với việc mở rộng của công ty”-báo mạng điện tử Nhadautu viết.

Tờ báo này viết rõ: “Sau khi trúng cử đại biểu quốc hội, cái tên Châu Thị Thu Nga nổi lên như cồn khi người ta thấy bà tham gia vào hàng loạt các chức vị như Phó Trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam khu vực khu vực miền Bắc- Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng; Chủ tịch Câu lạc bộ Vườn ươm doanh nhân - Hội Liên hiệp thanh niên TP.Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất; Ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ đại biểu quốc hội Việt Nam… Bà Nga còn là đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Ngay sau khi bà Nga trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, doanh nghiệp của bà liên tục công bố việc đầu tư vào hàng chục dự án tại thủ đô, từ loại dành cho người có thu nhập trung bình đến cao cấp, văn phòng cho thuê, biệt thự nhà vườn, nhà liền kề...

Ngoài Hà Nội, công ty của bà Nga còn đầu tư các dự án tại các tỉnh, thành”.

dieu-ky-la-trong-vu-cuu-dbqh-chau-thi-thu-nga-lua-dao.jpg
Bà Châu Thị Nga ra toà ở Hà Nội năm 2018. Hình: VietNamNet

“Em xin lỗi, em nhầm”

Tình tiết “chạy Đại biểu Quốc hội” hết 30 tỷ rất thú vị.

Theo báo mạng Công an TP HCM (congan.com.vn), trong hồ sơ tại công an có đến bônz bút lục lời khai của bà Nga về việc chi 1,5 triệu USD để “chạy” đại biểu Quốc hội khóa 13. Bà Nga khai số tiền này đưa cho ông Nguyễn Công Cường, một doanh nhân kinh doanh vàng bạc có quan hệ rộng để nhờ “chạy”.

Tại phiên tòa, cả hai lần bà Nga và luật sư muốn nói về lời khai này đều bị hội đồng xét xử quyết liệt ngăn lại trước khi bà kịp nói bất cứ từ nào.

Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ lời khai này, giải tỏa nghi ngờ “ém nhẹm” của người theo dõi phiên tòa.

Thế nhưng hành động tiếp theo của chính bà Châu Thị Thu Nga lại khiến cho người theo dõi bất ngờ. Bà viết một tờ tường trình kêu oan dài 94 trang giấy, trong đó phủ nhận chính lời khai “chạy đại biểu Quốc hội” của mình lúc trước.

Do bị xúc phạm, ức chế và do thời điểm làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, bản thân rất mệt mỏi, tinh thần không được ổn định đồng thời kèm theo ức chế về công việc nên đã khai như vậy-bà Nga viết trong đơn.

Bà Nga khẳng định thực tế việc bà được bầu là đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội là do cử tri tín nhiệm lựa chọn.

Sự thực thế nào, chỉ (nhiều) người trong cuộc mới rõ. Nhưng diễn biến bất ngờ của nó không dập đi được hoài nghi của dư luận mà chỉ khiến họ khẳng định hơn. Việc “chạy” đại biểu Quốc hội nếu có, là một bất lợi rất lớn cho bà Nga vì nó gian dối, phạm pháp. Vậy tại sao trong quá trình điều tra bà Nga vẫn giữ lời khai này từ đầu và rất kiên định khai đến 4 bút lục? Liên quan giữa tình tiết này với vụ án chiếm đoạt tài sản như thế nào mà cho đến tận khi ra trước phiên tòa, bà Nga vẫn rất cương quyết muốn nói rõ về nó?

Rất nhiều khách hàng mua căn hộ ma của bà Nga là người về hưu, gom góp cả đời được ít tiền dồn hết vào đặt cọc căn nhà mới. Trả lời báo chí, nhiều người nói do tin tưởng vị nữ đại biểu Quốc hội có các chức vị rất to, rất quan trọng nên không ngần ngại gì cả. Niềm tin lớn đến nỗi có những người nộp gần cả tỷ đồng xong, suốt mấy năm trời vẫn yên tâm chờ đợi, thậm chí không một lần đến hiện trường dự án xem xét.

Vì trong ý thức của phần đông người dân (nhất là người Bắc), đại biểu Quốc hội là những người thành đạt giỏi giang, có chức vụ quan trọng, ý thức chính trị vững vàng, đã được (nhà nước) chọn lọc qua nhiều cấp nên không thể là người lừa đảo được.

Ngay cả cựu Phó tổng giám đốc Housing Group của bà Nga-ông Đinh Phúc Tiếu, từng là giảng viên khoa kế toán của một trường đại học, bị cáo buộc vai trò đồng phạm trong vụ án lừa bán nhà “ma”, cũng nói trong phiên tòa rằng ông quá tin tưởng bà Nga là đại biểu Quốc hội nên mới để xảy ra sự việc.

Nhưng tôi không ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Ngạc nhiên của ông Nguyễn Hạnh Phúc

Trả lời báo chí bấy giờ, ông Phúc-Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội rất sửng sốt: “Chạy một khoản tiền lớn thế Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội. Giờ mời làm đại biểu Quốc hội chuyên trách người ta còn không muốn tham gia, vậy một cá nhân muốn vào Quốc hội để làm gì, có lợi lộc gì không?”

Thật nếu tôi là ông Phúc, khéo tôi còn tỏ vẻ ngỡ ngàng, ngơ ngác, ngã ngửa ra ấy chứ! Thân đang giữ chức vụ quan trọng của Quốc hội, ông Phúc chả thể bộc lộ thái độ nào khác cả.

Nhưng hỏi bất cứ một thường dân nào rằng doanh nhân vào Quốc hội có lợi lộc gì không thì có ngay câu trả lời. Trong xã hội “nhất thế nhì tiền” và các nhóm lợi ích chằng chịt giữa doanh nghiệp và quan chức, nếu doanh nhân chỉ chăm chăm kinh doanh thuần túy thì rất dễ dàng bị chèn ép và gây khó khăn. Thậm chí nếu ăn nên làm ra thì có khi không thể tiếp tục kinh doanh mà phải chắp tay nhường lại cho người khác, hoặc bị cắt phế đến mức gần như đi làm công cho thằng khác hưởng.

Nhưng nếu có chỗ dựa là nhân vật chính trị thì lại khác. Không những doanh nghiệp không sợ bị cạnh tranh đểu mà còn được biết trước được những thông tin kinh doanh có giá trị bằng vàng, được dành cho những ưu ái về chính sách về vốn và thuế phí v.v, được nâng đỡ và bao bọc. Thậm chí nếu doanh nghiệp đủ lớn còn có thể tác động vào chính sách để tạo ra những điều kiện riêng hết sức thuận lợi cho mình.

Tất cả những đại án suốt thời gian qua là bằng chứng dễ thấy nhất cho sự cấu kết hoặc cộng sinh bắt buộc giữa doanh nghiệp và quan chức.

Vụ án chuyến bay giải cứu vừa qua, doanh nhân Đào Minh Dương, Giám đốc công ty Vijasun đã khai bị Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế thường xuyên gọi điện nhắn tin để ép xì tiền. Kiên còn nói thẳng: “Phải chi tiền thì mới được đóng dấu” (cấp phép tổ chức chuyến bay)!

Thế nên cách tốt nhất là ngoài việc tham gia vào đường dây của ông anh bà chị nào đó thì tự  mình cũng phải phấn đấu lên để làm một chỗ dựa chính trị cho chính doanh nghiệp của mình.

Với dân thường Việt Nam, chân lý này rất dễ hiểu và có giá trị trường tồn.

Mà chạy đại biểu Quốc hội (nếu có) thì vẫn dễ, rẻ và an toàn hơn chạy một vị trí quan chức cùng cỡ.

Hãy xem cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa 15, có nhiệm kỳ 2021-2026.

Có tổng cộng 499 người trúng cử đại  biểu Quốc hội, trong đó tổng cộng 495 đại biểu làm việc ở các cơ quan tổ chức ở Trung ương và địa phương. Chỉ có 14 đại biểu là ngoài Đảng.

Mà nguyên tắc thì đảng viên phải chấp hành quyết định của Đảng. Nghĩa là ngoài 14 người chân trắng có thể phát ngôn theo ý chí cá nhân ra thì tất tật 485/499 đại biểu còn lại phải phát ngôn và bấm nút biểu quyết theo quyết định của Đảng.

Nói cách khác, Quốc hội chỉ là một bản sao có thêm vài đường tô màu của bộ máy Đảng hay chính quyền. Trong một giới hạn được cho phép, đại biểu có thể sảng khoái phê phán và đề nghị các cái thật thẳng thắn để người dân nghe xong cứ sướng ngất vì khoan khoái. Tác dụng của việc mị dân này tốt lắm. Nhưng khi thực sự phải biểu quyết, thách kẹo thì tuyệt đại đa số những ông nghị bà nghị đang là đảng viên, cán bộ, lãnh đạo kia cũng không dám chạy trật ra khỏi vòng kim cô.

Một Quốc hội như thế thì chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Cũng những con người ấy diễn ở các sân khấu khác nhau mà thôi.

Cho nên muốn khỏi đau tim vì tức, thành thật khuyên người dân khi xem họp Quốc hội thì nhớ nhắc mình như đang xem show thôi.

______________

Tham khảo:

https://nhadautu.vn/nhung-nu-doanh-nhan-tung-la-dai-bieu-quoc-hoi-ve-dau-sau-cuoc-be-dau-d3451.html

https://vnexpress.net/xet-xu-phuc-tham-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-chau-thi-thu-nga-3734376.htmlhttps://vnexpress.net/cuu-dai-bieu-thu-nga-thua-nhan-co-sai-pham-khi-ban-hang-tram-can-ho-3734865.html

https://vnexpress.net/vo-mong-vi-tin-du-an-cua-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-3733231.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Tin, bài liên quan
BLOG

No comments:

Post a Comment