Wednesday, September 27, 2023

VNTB – Tư pháp bất lực trước chính quyền
Cát Tường
27.09.2023 2:14
VNThoibao



(VNTB) – Pháp luật ở Việt Nam không hề được tôn trọng.

 Việc đổi tên để mong có thể thay vận của ngành tòa án cho thấy pháp luật ở Việt Nam không hề được tôn trọng.

Trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 26-9-2023, một luật sư đặt vấn đề rằng liệu đổi tên toà có thể giúp ngành tư pháp… độc lập hơn?

Vị luật sư ở bài báo trên đã viện dẫn từ một vụ án ở tỉnh Gia Lai, qua đó muốn nói nhấn mạnh rằng vì ‘ăn lương’ của chính quyền sở tại nên tòa địa phương thường ‘lép vế’ trong các mức tuyên.

Án tuyên nhưng không thi hành

Ở đây, theo quan sát của người viết, có lẽ sai phạm lớn nhất cần phải khắc phục triệt để đó là công chức, viên chức nhà nước cần nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp; đặc biệt là các đảng viên không được phép nhân danh quyền lực Đảng để bẻ cong luật pháp theo hướng có lợi cho phe nhóm của mình.

Đơn cử, theo hồ sơ của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án Bình Thuận tổng hợp để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hồi cuối quý 1 năm nay, chỉ riêng UBND thành phố Phan Thiết đã có 18 bản án hành chính bị tòa tuyên thua kiện, trong đó có 16 bản án hành chính đã bị tòa án nhân dân các cấp ra quyết định buộc phải thi hành nhưng UBND thành phố Phan Thiết vẫn chưa thi hành.

Có những bản án đã bị tòa án nhân dân ra quyết định buộc phải thi hành gần đây như vụ phải phê duyệt phương án bồi thường về đất bổ sung cho ông Nguyễn Đờn (ông Nguyễn Thành Tâm làm đại diện) tại dự án khu du lịch Eden ở phường Hàm Tiến.

Tiếp đó là vụ án hành chính đã được tòa ra quyết định lâu nhất nay vẫn chưa thi hành là vụ tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận buộc UBND thành phố Phan Thiết phải xác nhận toàn bộ diện tích đất 77.782 m2 là của cá nhân ông Võ Thành Đạt. Vụ án này tòa đã có phán quyết có hiệu lực từ ngày 31-7-2018 nhưng đến nay UBND thành phố Phan Thiết vẫn chưa thi hành.

Cù nhây và sự bất lực của ngành tư pháp?

Tương tự, theo một báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, hiện có 48 vụ việc thi hành án hành chính, chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ tái định cư tồn đọng thuộc trách nhiệm UBND các cấp. Dẫn đầu là UBND thành phố Buôn Ma Thuột với 20 bản án, UBND tỉnh Đắk Lắk 3 bản án, UBND huyện Krông Pắk 4 bản án…

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý dứt điểm và việc xử lý trách nhiệm trong việc chậm thi hành án nêu trên. Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh đề nghị “khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” có nguồn gốc thu hồi từ Công ty TNHH một thành viên Cà phê Buôn Ma Thuột (hiện đã giải thể).

Dân thắng kiện nhưng án chưa được thi hành vì xã…không có tiền: đây là lời giải thích cho việc một người dân kiện khiếu nại UBND cấp xã từ năm 2014. Qua nhiều lần, nhiều cơ quan giải quyết cuối cùng sự việc chuyển sang tòa án nhân dân. Tòa xử thắng vào năm 2021. Từ đó đến nay công dân này mỏi mòn chờ thi hành án.

‘Khổ chủ’ là ông Nguyễn Văn Sự, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phía UBND xã Phong Lạc cho rằng vụ việc này do lãnh đạo UBND xã trước đây thực hiện, nay rất khó khắc phục. UBND xã Phong Lạc không có tiền để thi hành án theo phán quyết của tòa án.

Vụ việc dân thắng kiện chính quyền tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời xuất phát vào năm 2012, khi đó lãnh đạo UBND xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời có đến nhà bàn bạc với ông Nguyễn Văn Sự giao kèo mua trên 1.277 mét vuông đất làm trường mầm non.

Ông Sự đồng ý với điều kiện UBND xã Phong Lạc và UBND huyện Trần Văn Thời tạo điều kiện cho ông Sự có đất làm đường từ nhà ra lộ vì thu hồi hết đất sẽ không có đường ra lộ. Hai bên đồng ý có lập biên bản cam kết. Tuy nhiên, khi trường mầm non xây dựng xong cho đến năm 2021, UBND xã Phong Lạc không thực hiện lời hứa.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 155/2021 DS-ST ngày 7-12-2021 về tranh chấp hợp đồng bồi thường chuyển đổi quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại, tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Sự: Buộc UBND xã Phong Lạc có trách nhiệm hỗ trợ giá trị cây cầu bằng tiền cho ông Nguyễn Văn Sự với số tiền 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng) và 2.569.000 đồng tiền chi phí tố tụng và yêu cầu lãi suất chậm thi hành án theo quy định.

Tổng 2 khoản, UBND xã Phong Lạc phải thi hành án 402.569.000 đồng.

Đổi tên cũng chỉ là bình mới rượu cũ?

Bàn luận về vấn đề trên, Th.S Võ Văn Tài, Phó trưởng khoa Kiểm sát hình sự (Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), nhận định pháp luật về tố tụng đã ổn định nhiều năm, không nên có sự thay đổi chỉ vì yếu tố tên gọi. Độc lập xét xử cốt lõi là ở yếu tố con người, nếu đảm bảo cho thẩm phán độc lập trong quá trình xét xử thì tất nhiên các yếu tố khác sẽ đạt được.

“Các luật về tố tụng hiện hành đều quy định rõ nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán, quan trọng là thực tiễn đã áp dụng triệt để những nguyên tắc này chưa, nếu đổi tên mà thẩm phán vẫn chịu tác động, chịu chi phối thì không thể độc lập, còn rất xa”, Th.S Tài nói.

Như vậy, xem ra tên gọi cần gắn với mô hình tổ chức, nếu như tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính thì việc đổi tên gọi như đề xuất không làm thay đổi gì nhiều mà còn gây phiền hà, tốn kém.

Thực tế, các tòa án, nhất là trong các vụ án hành chính, ít nhiều chịu sự tác động từ cơ quan quản lý hành chính ở địa phương. Là thẩm phán, sống, làm việc và chịu sự quản lý tại địa phương đó, dù muốn độc lập cũng rất nhiều thử thách.

Nếu thẩm phán là đảng viên thì còn phải thêm áp lực phải tuân theo ý kiến của Đảng ủy địa phương, tính độc lập theo cách hiểu thông dụng trong ngành tư pháp trong trường hợp này gần như còn đòi hỏi thêm sự dũng cảm của chính cá nhân thẩm phán đó.

___________

Tham khảo:

https://vietnamthoibao.org/vntb-doi-ten-toa-de-co-the-doc-lap-hon/


No comments:

Post a Comment