Phản Ứng Của Tập Cận Bình Trước Tình Trạng Thất Nghiệp Của Thanh Niên Trung Cộng
Ho-Fung Hung “Young People in China Can’t Find Work, and Xi Jinping Has Only One Response”, The New York Time.
Chuyển ngữ: Lương Định Văn
September 27, 2023 by Ha Nhan
QGHC
Tháng 8 vừa qua, chính quyền Trung Cộng đã công bố một dữ liệu gây ngạc nhiên: một con số kỷ lục: 21.3% công dân Trung Cộng trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở các thành phố bị thất nghiệp. Họ đã nhanh chóng quyết định đình chỉ việc công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị trong tương lai. Dữ liệu hiện tại quá tệ hại; nó cùng một tỷ lệ thất nghiệp của giới thanh niên trên khắp Trung Đông vào thời điểm ngay trước Phong trào Mùa xuân Ả Rập.
Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rất rõ rằng giới trẻ có học thức và thất nghiệp tập trung ở các thành phố lớn có khả năng thách thức chính quyền. Bởi vì, đó là cách mà chính Đảng của họ đã khởi đầu. Trong nhiều thập niên, tính chính danh của đảng – nhà nước vốn tùy thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống, hiện đang gặp phải nguy cơ. Thay vì đáp ứng nhu cầu của giới trẻ đang nản lòng bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội mới, giới lãnh đạo già nua đã tăng cường việc đàn áp một cách độc đ,oán như là một chính sách chủ yếu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ.
Đây không phải là lần đầu tiên Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải đối diện với tình trạng thất nghiệp ở thành thị. Từ hơn 70 năm nay, vấn đề sôi bỏng này đã được kiềm chế bởi các cuộc đàn áp chính trị hoặc được xoá dịu do những chính sách phát triển kinh tế được chấp thuận.
Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân vào năm 1949, nông dân Trung Quốc đã trốn khỏi vùng nông thôn đổ nát để tìm việc làm ở các thành phố lớn. Để hạn chế làn sóng di cư này, Đảng đã áp đặt các quy định mới nhằm ngăn cản công dân được cung cấp các dịch vụ xã hội ở ngoài phạm vi thành phố mà họ đã đăng ký cư ngụ. Tránh được sự cạnh tranh của những người tìm việc từ nông thôn, người dân thành phố có việc làm chắc chắn hơn.
Một lần nữa, những xáo trộn mới trong nền kinh tế và vấn đề nhân khẩu đã từng tạo nên mối đe dọa do tình trạng thất nghiệp trong giới thanh niên trong suốt những năm 1950 và 1960. Trong bối cảnh của một nền kinh tế suy thoái sau Bước Đại Nhảy Vọt thảm hại và mất sự viện trợ của Liên Xô, một thế hệ thanh niên thành thị thuộc thập niên 1950s sắp bước vào một thị trường lao động ngày càng tồi tệ. Năm 1966, Mao Trạch Đông khởi động Cuộc Cách Mạng Văn hóa để tái di chuyển một phần của giới thanh niên này, bắt đầu một phong trào “về nông thôn” trên toàn quốc nhằm ép buộc cả một thế hệ thanh niên ở thành thị đi xuống nông thôn cày ruộng, chính giới trẻ này cuối cùng đã gây ra quá nhiều xáo trộn đến mức họ Mao phải thay đổi chính sách.
Vào cuối những năm 90, các doanh nghiệp nhà nước, vốn là trụ cột của nền kinh tế dưới thời Mao, đã tiến hành việc sa thải nhân công trên quy mô lớn như một phần của chủ trương cải cách thị trường, một lần nữa đe dọa đến tình trạng nhân dụng ở thành thị. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Á châu khiến tình thế trở nên phức tạp hơn, công nhân nhà nước bị sa thải và những người hưu trí đã biểu tình tại các thành phố thuộc vành đai kỹ nghệ ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Việc Trung Cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 – mang lại làn sóng đầu tư từ nước ngoài và công ăn việc làm – đã cứu vãn tình thế.
Trung Cộng một lần nữa lặp lại chu kỳ này, và có thể dự đoán trước được việc chính phủ sẽ phản ứng bằng cách đàn áp. Lần này Đảng dường như không còn có giải pháp kỳ diệu nào khác , và với thời kỳ bộc phát kinh tế của Trung Cộng đã đi qua, sẽ ngày càng khó khăn cho nền kinh tế Trung Cộng vươn lên để thoát khỏi tình trạng khốn khó.
Tốc độ tăng trưởng của Tổng sản lượng Quốc gia của Trung Cộng đã chậm lại đáng kể kể từ đầu những năm 2010 và sức bật của nền kinh tế sau lệnh phong tỏa vì đại dịch thật đáng thất vọng. Đồng thời, sự mở rộng hơn của hệ thống giáo dục đại học đang tạo ra số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng lớn, họ không thể chấp nhận công việc tẻ nhạt trong các hãng xưởng như trước đây.
Thay vào đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp gần đây đã chuyển sang làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, bất động sản và dạy kèm đang phát triển nhanh chóng. Nhưng chính quyền Trung Cộng đã áp chế cả ba ngành kỹ nghệ đó kể từ năm 2021 để hạn chế điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “sự bành trướng hỗn độn của yếu tố tư bản”. Năm ngoái, công ty khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã sa thải hơn 10.000 nhân viên. Country Garden, một trong những công ty xây dựng bất động sản lớn nhất trong nước, đã cắt giảm hơn 30.000 nhân công. Một công ty giáo dục hàng đầu sa thải 60.000 công việc vào năm 2021
Chính quyền cũng đang sử dụng lại những bài bản cũ. Ngay từ năm 2018, họ Tập đã kêu gọi thực hiện chiến dịch đưa thanh niên thành thị về nông thôn và lời kêu gọi được lập lại cứ sau hai năm. Ngay cả khi những thị dân trẻ của thành phố thực sự quan tâm đến việc đáp ứng lời kêu gọi đó, thì đây không phải là vùng nông thôn dưới thời thanh niên của cha mẹ họ: Đất nông nghiệp có thể canh tác đã ngày càng bị thu hẹp lại.
Nếu chính phủ không thúc đẩy mức tiêu thụ của các hộ gia đình hoặc giảm bớt sự kiểm soát đối với khu vực tư nhân của Trung Cộng thì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị sẽ ở mức cao – sự bất mãn của giới trẻ – sẽ tiếp tục tồn tại. Trong những năm gần đây, nhiều thanh niên Trung Cộng bất mãn đã tham dự vào một phong trào phản đối làm việc được gọi là nằm bẹp dí, lười biếng như một hình thức phản kháng thầm lặng. Một nhà kinh tế học của Đại học Bắc Kinh đang nghiên cứu phong trào này ước tính rằng khi tính đến những người có ý nằm bẹp, thì gần một nửa số thanh niên Trung Cộng có thể thất nghiệp.
“thảng bình” – Nằm bẹp
Những vấn đề này không khỏi khiến người ta suy đoán rằng sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đang bị đe dọa, nhưng điều đó còn quá sớm. Từ cuối thời đế quốc cho đến hiện nay, các cuộc biểu tình rải rác hiếm khi được coi như là sự thách đố thực chất đối với sự kiểm soát của chính quyền trung ương; các yêu cầu của người biểu tình thường nhắm vào các quan chức địa phương. Chúng chỉ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong những trường hợp hiếm hoi khi các trí thức bất mãn liên hợp các cuộc biểu tình đơn lẻ thành một phong trào có tổ chức đòi thay đổi căn bản hệ thống, đó là điều mà các nhà vận động Cộng Sản đã từng làm vào đầu thế kỷ 20.
Hiện nay không có một mối đe dọa rõ rệt nào như thế. Nhận thức được tình trạng năng động của vând đề này, ĐCSTQ đã đàn áp thẳng tay giới trí thức. Các luật sư về nhân quyền, các nhà hoạt động vì nữ quyền, các nhà hoạt động giới tính và thậm chí cả những thanh niên theo chủ nghĩa Marx đã bị bắt giữ hoặc các tổ chức của họ bị giải tán. Các kỹ thuật mới như nhận dạng nét mặt, máy camera kiểm soát an ninh ở khắp nơi và theo dõi các điện thoại di động nhằm giúp chính quyền mở rộng khả năng giám sát sự di chuyển và tư tưởng của các cá nhân. Bước ngoặt có tính độc đoán này đã được hoàn thiện đến mức Trung Cộng ngày càng được so sánh với Triều Tiên. Qua quá trình lịch sử của Đảng, rõ ràng là những hành động này ít nhất trong một phần nào đó nhằm mục đích ngăn chặn hệ quả chính trị do tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ.
Các chính phủ độc đoán, đang gặp khó khăn về kinh tế như Myanmar, Iran, Venezuela và Nga đều đã tìm cách đàn áp một cách tàn bạo các cuộc biểu tình có quy mô lớn. Có rất ít lý do khiến chế độ của họ Tập, vốn đã quyết tâm hoàn thiện bộ máy đàn áp trong thập niên vừa qua, lại không thể hành động tương tự như vậy.
ĐCSTQ dường như có ý định sử dụng biện pháp đàn áp như một chính sách chủ yếu để phản ứng trước tình trạng suy thoái kinh tế. Nhưng trong khi biện pháp này có thể ngăn chặn các mối đe dọa đối với chế độ, nó sẽ đẩy Đảng đi xuống sâu hơn nữa bằng những quyết định bóp nghẹt tính năng động của kinh tế đất nước.
Cuộc giằng co giữa giới trẻ ngày càng bất mãn và một chế độ tàn nhẫn và bất an sẽ không chỉ xác định chiều hướng chính trị mà còn cả tương lai nền kinh tế của Trung Cộng .
Ho-fung Hung, Giáo sư Kinh Tế Chính Trị tại Đại học Johns Hopkins. Ông nghiên cứu sự phát triển kinh tế, chính trị và phản kháng của Trung Quốc từ thế kỷ 18 đến nay. Các cuốn sách của ông bao gồm “Protest With Chinese Characteristics” and “The China Boom: Why China Will Not Rule the World.”.
No comments:
Post a Comment