Câu chuyện Hoa Kỳ 'công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam' là thế nào?
Joaquin Nguyễn Hòa
Gửi bài tới BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ
25.09.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,JOAQUIN NGUYEN HOA
Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, cùng đoàn tùy tùng tổ chức một cuộc gặp gỡ với "cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ" ở San Francisco hôm 17/09
Tại buổi gặp gỡ khoảng 200 người Việt Nam tại San Francisco, tối ngày 17/9/2023 mà tôi có tham dự, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, hai lần nói rằng việc nâng quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, mức độ cao nhất, cho thấy nước Mỹ công nhận thể chế chính trị của Việt Nam, công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc nâng cao quan hệ này chính thức được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden (10-11/9/2023). Tại Hà Nội, ông Biden được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng đón tiếp trong nghi lễ chính thức, mặc dù ông Trọng không giữ một chức vụ nào hết trong chính phủ Việt Nam.
Trước đó, tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Hà Kim Ngọc, trả lời báo chí vào ngày 8/9/2023, rằng chuyến thăm của tổng thống Mỹ thể hiện sự tôn trọng của Mỹ đối với hệ thống chính trị Việt Nam, vai trò của đảng cộng sản Việt Nam, của tổng bí thư đảng.
Ngày 14/9/2023, ông Ngọc, người từng giữ chức vụ Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định lại nội dung nói trên khi ông trả lời phỏng vấn của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi thấy rằng như vậy, hóa ra là Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đi một chặng đường dài 78 năm để nhận được sự công nhận của siêu cường đối địch về ý thức hệ của mình, nước Mỹ. Chúng ta biết ngày 17/10/1945, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch chính quyền VNDCCH, người thành lập đảng cộng sản Việt Nam đã gửi điện thư đến tổng thống Mỹ Truman về việc công nhận nước Việt Nam độc lập. Ông Hồ không nhận được hồi đáp, một số bức thư tiếp sau đó cũng cùng số phận như thế. Xin nhắc, Stalin hồi đó cũng không công nhận VNDCCH và các đại cường thắng trận: Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, Anh và Pháp đều không.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ ở Hà Nội hôm 11/9/2023
Ta có thể tin rằng nước Mỹ, trong thế trận Chiến tranh Lạnh chống chủ nghĩa cộng sản sau Đại chiến Thế giới II, đã không muốn làm bạn với một chính phủ do một đảng cộng sản lãnh đạo.
Phải tới năm 1995 Mỹ và Việt Nam mới tái lập bang giao, 20 năm sau khi những chiến xe tăng của quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào thành phố Sài Gòn thủ đô một thời của đồng minh Việt Nam Cộng hòa của Mỹ.
Nước Việt Nam lúc ấy đã chính thức công nhận nền kinh tế thị trường, từ bỏ nền kinh tế kế hoạch của ý thức hệ cộng sản, từ năm 1986.
Tuy tái lập bang giao, nhưng những quan hệ qua lại giữa đôi bên được thực hiện theo thông lệ quốc tế, giữa các quan chức chín phủ với nhau. Chính phủ Mỹ, dù vô tình theo thông lệ, hay cố ý, không làm việc với đảng cộng sản Việt Nam.
Những lời khuyên ngoại giao
Năm 2015, một sự kiện bất ngờ đối với giới quan sát quan hệ Việt Mỹ, là tổng thống Mỹ, Barack Obama, chính thức đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. Các nguồn tin từ giới ngoại giao Việt Nam trước đó cho biết rằng chuyến đi đó là để nâng cao tầm quan trọng của "bên Đảng" đối với người Mỹ. Các thủ tướng, chủ tịch nước của Việt Nam, các chức danh mà người Mỹ dễ dàng tìm thấy sự tương đồng trong hệ thống hành pháp của họ, đều đã chính thức viếng thăm nước Mỹ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, trong quyển hồi ký xuất bản gần đây của mình, có trích lời khuyên của người tiền nhiệm của ông, David B. Shear, là cần làm việc với Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh các quan chức chính phủ.
Ngày 10/9/2013, tổng thống Biden cùng đứng trên đài danh dự, cùng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội. Có thể hiểu rằng đây là cách Hoa Kỳ chính thức công nhận quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nước Mỹ thực dụng và các chế độ không dân chủ
Thế nhưng tôi thấy trên báo chí Mỹ, người ta lại không thấy nhắc đến Đảng cộng sản Việt Nam là mấy, trong những ngày trước và sau chuyến đi của ông Biden đến Việt Nam. Các tay bỉnh bút của báo Mỹ nói nhiều đến thế trận toàn cầu của Mỹ, khi lôi kéo Việt Nam, nước cựu thù, vào vòng ảnh hưởng của mình, để bao vây Trung Quốc, dù điều đó không được các quan chức hai bên nói ra.
NGUỒN HÌNH ẢNH,JOAQUIN NGUYEN HOA
Bộ trưởng Ngoại giao VN, ông Bùi Thanh Sơn tại buổi lễ hôm 17/09
Thêm vào đó, chi tiết thú vị về câu khen ngợi của ông Nguyễn Phú Trọng về sức khỏe của ông Biden, lan truyền khắp truyền thông Mỹ trong hai ngày 10 và 11 tháng 9.
Bên cạnh sự hân hoan trông thấy được của các quan chức cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam về việc hệ thống chính trị của họ được nước Mỹ công nhận, các nhà quan sát Việt Nam cho rằng Hà Nội đã có lòng tin chính trị vào Hoa Kỳ lớn hơn trước, rằng Washington sẽ không tìm cách lật đổ chế độ cộng sản của Việt Nam (GS Alexander Vuving nói trên trang BBC Tiếng Việt gần đây).
Cũng rất dễ hiểu là thời gian kéo dài của Cuộc chiến Việt Nam (dài nhất trong thế kỷ 20), và mức độ thảm khốc của nó (hơn ba triệu người Việt và gần 60 ngàn người Mỹ thiệt mạng), làm cho các quan chức đảng của Việt Nam cần một thời gian lâu đến thế, chờ đợi một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng (Joe Biden-Nguyễn Phú Trọng) để có được niềm tin chính trị.
Thực sự là nước Mỹ cũng bị ràng buộc bởi chính họ khi muốn can thiệp vào nội trị của nước ngoài. Vào năm 2007, ông Vang Pao, thủ lĩnh nổi tiếng nhất của những người Hmong chống cộng sản, bị các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ bắt giữ và đưa ra tòa, vì được cho là phạm tội âm mưu lật đổ một chính phủ có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, là chính phủ cộng sản Lào, căn cứ theo một bộ luật có tên là Neutrality Act.
Nhưng quan trọng hơn, nước Mỹ là một quốc gia thực dụng.
Sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden, một nhà bình luận chính trị là ông Nguyễn Gia Kiểng, từ Pháp, có viết rằng: "Mỹ và các nước dân chủ ngày càng nhận ra rằng họ không còn cần Việt Nam đến độ phải chiều chuộng chế độ cộng sản một cách vô điều kiện như trước nữa."
Không rõ tại sao ông Kiểng lại viết như vậy sau khi chính ông nhận xét rằng ông Biden đã không đề cập gì đến chuyện nhân quyền của Việt Nam nữa.
Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên có thành tích nhân quyền đáng trách mà Mỹ giao hảo. Năm 2013 đánh dấu 50 năm ngày cuộc đảo chính chính phủ dân cử của tổng thống Chile Salvador Allende, thành lập chế độ độc tài thân Mỹ của viên tướng Augusto Pinochet. Có một sự trùng hợp là ông Allende bị phe đảo chánh giết chết đúng ngày 11/9/2023, ngày mà, 50 năm sau đó, tổng thống Biden tay bắt mặt mừng với các nhà lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội.
Ngược lại, các quốc gia đồng minh của Mỹ, nhưng yếu kém, và không còn mang lại lợi ích toàn cầu cho nước Mỹ nữa, thì Mỹ cũng không cố gắng giúp đỡ, chẳng hạn như Việt Nam Cộng hòa, 1975, hay Afghanistan, 2021.
Sự dè dặt của "ngoại giao cây tre"
Một nhà nghiên cứu trong nước cho tôi biết rằng trước khi tổng thống Biden sang Việt Nam ba tháng, chính phủ Việt Nam có yêu cầu đến những nhà nghiên cứu trong nước đánh giá mặt lợi và bất lợi khi Việt Nam cùng Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước lên mức cao nhất.
Các đánh giá mà chính phủ Việt Nam thu được đều tích cực ủng hộ quan hệ Việt Mỹ. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan nghiên cứu này của Việt Nam, có lẽ cũng giống như nhận xét của ông Alexander Vuving với tờ New York Times, rằng tầng lớp tinh hoa Việt Nam hiện nay rất đồng thuận cho việc xích lại gần với Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Đại học Fulbright từ thành phố Hồ Chí Minh, nói với tôi là sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ lên mức cao nhất, Việt Nam sẽ không còn lệ thuộc vào tính đảng phái đôi khi khó lường của chính trị Mỹ, những quan hệ về vũ khí, hợp tác quốc phòng sẽ dễ dàng được quốc hội Mỹ chấp nhận hơn.
Tác động thuận lợi đối với Hà Nội, theo sau thỏa thuận lịch sử Mỹ Việt, 10/9/2023, còn có thể là đối với cộng đồng người Việt sống tại Mỹ. Cộng đồng này vốn chống lại ý thức hệ cộng sản của Hà Nội. Ngay sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden, là chuyến thăm San Francisco, New York và Washington D.C. của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Không thấy cuộc biểu tình chống Hà Nội nào của cộng đồng Việt Nam tại những nơi ông Chính đi qua. Tuy vậy hãy còn quá sớm để biết được liệu khuynh hướng chống Hà Nội của cộng đồng này có giảm đi hay không sau cuộc gặp Nguyễn Phú Trọng-Joe Biden.
Bên trong Việt Nam, không phải là không có những lực kéo lại về phía Bắc Kinh. Một nguồn tin từ bên trong Việt Nam nói với tôi rằng vào năm 2014, khi bùng lên sự kiện giàn khoan Trung Quốc Hải Dương 981 xâm lấn lãnh hải Việt Nam, dẫn đến sự thay đổi ngoạn mục thái độ của Việt Nam trong quan hệ với hai đại cường Mỹ và Trung Quốc, vẫn có tiếng nói rằng cần nhân nhượng Trung Quốc. Nguồn tin cho cho rằng tướng Phùng Quang Thanh, trong một cuộc họp cao cấp đã thể hiện quan điểm như vậy.
Theo Reuters, Mỹ và Việt Nam đang xem xét việc Việt Nam sẽ mua các chiến đấu cơ F-16. Nếu thành công thì thương vụ này sẽ là vụ mua bán vũ khí lớn nhất giữa hai cựu thù.
Nhưng việc mua bán như vậy sẽ có thể là bất lợi cho những người muốn làm ăn riêng vì không có "lại quả" gì hết trong việc mua bán vũ khí với Mỹ, ý kiến trên giải thích cho tôi.
Điều chắc chắn là cây tre ngoại giao Việt Nam sẽ vẫn có những lúc dè dặt với chuyện hợp tác quân sự, mà vụ mua những chiếc F-16 mới chỉ là bắt đầu.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Joaquin Nguyễn Hoà, San Jose, California, Hoa Kỳ
Tin liên quan
Kinh tế Việt Nam sẽ 'bùng nổ' thế nào sau nâng cấp quan hệ với Mỹ?12 tháng 9 năm 2023
Bốn nhà hoạt động VN tị nạn tại Mỹ, Đức sau thỏa thuận với chính quyền Biden19 tháng 9 năm 2023
Mỹ muốn hợp tác 'chống biến đổi khí hậu với VN' nhưng Hà Nội có thật lòng?10 tháng 9 năm 2023
No comments:
Post a Comment