Vì sao tiến trình dân chủ hóa Thái Lan nhanh hơn Việt Nam?Đào Tăng Dực
27-5-2023
TiengdanLãnh đạo Đảng Move Forward và ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat ăn mừng thắng cử ngày 15 tháng 5 năm 2023. Ảnh: Reuters
Cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Thái Lan là một bước tiến quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa Thái Lan, không những làm nức lòng từng người dân vương quốc này, mà cũng gây tiếng vang rất lớn tại các quốc gia trong khối ASEAN, cũng như trên trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, tiến trình dân chủ hóa Thái Lan đã gặp rất nhiều chông gai trong quá khứ. Dân tộc này, cũng như Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Á hoặc Đông Nam Á khác cũng khởi đầu lịch sử cận kim bằng chế độ quân chủ chuyên chế, trong đó vương quyền là tuyệt đối và người dân chỉ là những bề tôi, chỉ biết tuân phục đấng quân vương.
Sau khi tiếp xúc với sức mạnh quân sự và tham vọng thực dân của các cường quốc Tây phương, một mặt các vương triều Thái Lan biết khôn khéo tránh được số phận bị đô hộ; mặt khác, vương triều cũng canh tân, cải tổ chính trị và biến thành một quốc gia dân chủ thực sự theo truyền thống quân chủ lập hiến. Có nghĩa là, tuy vương quyền được tiếp tục duy trì, nhưng quốc vương chỉ trị vì trên danh nghĩa. Trong khi đó quốc hội do dân bầu ra, trong một cuộc bầu cử đa đảng, công khai và công bằng, thành lập chính quyền, dưới sự lãnh đạo của một thủ tướng và những vị dân cử này mới nắm thực quyền chính trị.
Tuy nhiên tiến trình dân chủ hóa Thái Lan không suông sẻ như thế. Vương Quyền Thái Lan là một định chế không dễ dàng buông bỏ quyền lực và tập thể quân đội Thái Lan cũng là định chế bảo thủ đầy quyền lực. Sự liên kết giữa hai định chế này đã lật đổ chính quyền dân cử của nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra năm 2014 và viết lại hiến pháp Thái Lan năm 2017, duy trì số ghế của quân đội tại thương viện và củng cố vị trí của Hoàng Gia qua sắc luật “Khi Quân” khắt khe.
Sự kiện này đã làm tiến trình dân chủ hóa Thái Lan thụt lùi nhiều thập niên, biến quốc gia này trở thành một chế độ độc tài vừa quân chủ, vừa quân phiệt.
Tuy nhiên cuộc tổng tuyển cử ngày 14 tháng 5 vừa qua đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, tăng tốc tiến trình dân chủ hóa. Thực vậy, theo Hiến Pháp 2017 thì quốc hội Thái Lan gồm 500 dân biểu hạ viện do dân bầu và 250 thượng nghi sĩ thương viện do quân đội bổ nhiệm. Muốn đắc cử chức vụ thủ tướng và lãnh đạo chính phủ phải đạt đến số 376 dân biểu và thượng nghị sĩ.
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy, nhân dân hoàn toàn tẩy chay chế độ quân phiệt – quân chủ vì đảng Đoàn Kết Quốc Dân Thái của tướng Prayuth Chan- Ocha, đương kim thủ tướng, chỉ được 36 ghế. Trong khi đó, đảng Tiến Tới (Move Forward) về nhất được 152 ghế và đảng Vì Người Thái (Pheu Thai) về nhì được 141 ghế.
Ngày 18 tháng 5 vừa qua, đảng Tiến Tới tuyên bố sẽ thành lập chính phủ trong một liên minh với đảng Vì Người Thái và những đảng nhỏ hơn. Ông Pita Limjaroenrat lãnh tụ đảng sẽ là thủ tướng dân cử tương lai.
Tại sao cùng là những quốc gia nhược tiểu thời thực dân xâm chiếm toàn thế giới; tại sao cùng phát xuất từ chế độ quân chủ chuyên chế; tại sao trình độ dân trí tương đương; mà nhân dân Thái Lan qua mặt Việt Nam trên tiến trình dân chủ hóa đất nước?
Câu trả lời chính xác nhất là: Trong tất cả mọi hình thức độc tài thì độc tài giáo phiệt và độc tài cộng sản là hai loại độc tài khó giải độc nhất của nhân loại, tự cổ chí kim.
Trong khi nhiều dân tộc đã kinh qua độc tài quân phiệt như Nam Hàn, Đài Loan, nhiều quốc gia Châu Mỹ La Tinh, hoặc độc tài cá nhân như Phi Luật Tân, Nam Dương, lần lượt hoàn tất tiến trình dân chủ hóa, thì độc tài CS tại Trung Quốc, Cuba và Việt Nam vô cùng chậm rãi hoặc đình động như tại Bắc Hàn.
Lý do khó lật đổ các chế độ giáo phiệt như Iran, Afghanistan hoặc Saudi Arabia (vừa quân chủ chuyên chính, vừa giáo phiệt) là vì giai cấp giáo sĩ nắm quyền hứa hẹn cho nhân dân những phần thưởng lớn lao từ Thượng Đế trên thiên đàng. Nhân dân không thể chứng minh những hứa hẹn đó đúng hay sai, vì mấy ai lên đến thiên đàng mà còn trở về trần thế?
Trong khi đó, lý do khó lật đổ các chế độ CS là vì chính quyền cai trị bằng cách khơi mào những bản năng thấp hèn nhất của con người như lòng hận thù cá nhân lẫn giai cấp, kiểm soát từng miếng ăn, từng tư tưởng của cá nhân.
Tuy nhiên vì CS hứa hẹn một thiên đàng xã hội chủ nghĩa ngay trên hạ giới nên nhân dân tại những quốc gia trong Liên Bang Xô Viết cũng như Đông Âu chờ hoài mà không thấy thiên đàng. Họ chứng minh được là giả dối, bèn vùng lên lật đổ bạo quyền.
Điều trên cũng chứng minh rằng, tuy dân tộc Việt Nam bất hạnh hơn dân tộc Thái Lan vì hoàn cảnh lịch sử đã khai sinh ra một đại họa của dân tộc là đảng CSVN. Tuy nhiên, với những tiến bộ vô tiền khoáng hậu về tin học và bước đi bất khả vãn hồi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, nhân dân Việt đã ý thức trọn vẹn sự giả dối của CS và sẽ hoàn tất tiến trình dân chủ hóa không chậm hơn Thái Lan bao nhiêu.
No comments:
Post a Comment