Wednesday, April 19, 2023

VNTB – Vì sao lúc nâng tuổi nghỉ hưu không có ai phản đối?
Trần Dzạ Dzũng
19.04.2023 7:06
VNThoibao



(VNTB) – Đại biểu Quốc hội lúc bấm nút thông qua dự luật lao động sửa đổi, họ đã không có bất kỳ thắc mắc nào về hệ lụy của chuyện nâng tuổi nghỉ hưu.

 Bộ luật lao động năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, còn với nữ là 4 tháng cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Như vậy đến năm 2023, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng, áp dụng với người sinh từ tháng 7-1962 đến tháng 3-1963. Với nữ, tuổi nghỉ hưu là 56 tuổi, tương ứng với người sinh từ tháng 7 đến tháng 12-1967.

Theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nhiều trường hợp người lao động đã nghỉ việc và đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên được về hưu sớm, hưởng lương hưu hằng tháng ngay từ năm 2023 này. Đầu tiên là người lao động từ 50 – 55 tuổi đã làm công việc khai thác than trong hầm lò đủ 15 năm. Hai là người nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Ba là nam từ 55 – 60 tuổi, nữ từ 50 – 55 tuổi có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Bốn là người có 15 năm làm ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Năm là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Sáu là nam 55 tuổi và nữ 50 tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Các trường hợp này đều phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội mới được nghỉ hưu sớm.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu ở đây được giải thích là thực hiện theo yêu cầu của Bộ Chính trị:

“Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực” – trích giải trình Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về lý do sửa đổi Bộ luật lao động.

Thời điểm sửa đổi Bộ luật lao động theo yêu cầu của Bộ Chính trị như nêu trên, cho thấy dường như không ghi nhận về chuyện phản biện cho các hệ lụy có thể xảy ra khi nâng tuổi hưu, cũng có nghĩa sẽ kéo theo những dắt dây trong chuyện nhận lương hưu.

Sau khi dịch giã Covid tạm thời đi qua, người ta mới bắt đầu nhận ra rằng theo điều chỉnh tăng tuổi hưu, cũng đồng nghĩa tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội lên 35 năm mới được hưởng 75% lương đóng chia trung bình cho thời gian đóng là không hợp lý.

Bởi mai đây 62 tuổi mới cho hưởng hưu trong khi phải đóng 35 năm bảo hiểm, thì vòng đời lao động đã đóng 30 năm là hết đời người lam lũ rồi còn gì, sức lực đâu để mà yêu cầu người ta tiếp tục như khẩu hiệu tuyên truyền chính trị ‘lao động là vinh quang’…

“Hiện tại phía cơ quan thống kê của nhà nước nói rằng tuổi thọ bình quân người Việt Nam là 73,6 tuổi, vậy nên bãi bỏ quy định về hưu lúc 62 tuổi vì bất hợp lý. Vì tôi cho rằng người lao động làm việc trên 30 năm và chỉ hưởng hưu trí 11,6 năm là ngưỡng của tuổi thọ bình quân rồi…”.

Nhiều ý kiến đưa ra dẫn giải như trên với những con số cụ thể cho chuyện không nên máy móc làm theo răm rắp những ý kiến chỉ đạo có thể là duy ý chí của Bộ Chính trị trong chuyện điều chỉnh tăng tuồi hưu.


No comments:

Post a Comment