Việt Nam trả lời chất vấn của chuyên gia LHQ về trường hợp Phạm Đoan Trang
2023.04.26
RFA
ICJ
Văn thư của Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc trả lời chất vấn của các chuyên gia nhân quyền thuộc tổ chức này về biện pháp bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố ngày 16/4 vừa qua.
Văn thư của Đại diện Việt Nam đề ngày 6/4 cho rằng bà Phạm Đoan Trang không phải nhà báo; bà bị đưa ra tòa xử án vì có các hoạt động mà Hà Nội cho là nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí.
Đại diện Việt Nam cũng nêu rằng “các phương tiện truyền thông tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng phát hiện và đưa tin công khai về việc cá nhân bà Phạm Đoan Trang cấu kết với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhằm mục đích hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân (trong các tổ chức đó có Việt Tân)”.
Phía Việt Nam còn nêu rằng bà Phạm Đoan Trang xuất bản trái phép nhưng ấn phẩm bị cho “có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách tập hợp lực lượng, đối phó với lực lượng bảo vệ pháp luật… để tiến hành bạo loạn lật đổ Nhà nước”.
Bà Phạm Đoan Trang bị bắt hồi tháng 10 năm 2020 theo cáo buộc “Phát tán tài liệu chống nhà nước”. Sau đó Toà án ở Hà Nội xét xử và kết án bà chín năm tù giam vào tháng 12 năm 2021. Tòa phúc thẩm vào tháng 8/2022 y án phúc thẩm.
Nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm ở Việt Nam. Bà từng là phóng viên của một vài cơ quan truyền thông quốc doanh, sau đó đã cùng một vài nhà hoạt động khác sáng lập ra Luật Khoa Tạp Chí, một tờ báo tiếng Việt độc lập hiếm hoi ở quốc gia Cộng Sản.
Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.
Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa Tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.
Các hoạt động nhân quyền và các bài viết của bà Phạm Đoan Trang mang lại cho bà nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
No comments:
Post a Comment