Triển lãm tư liệu và việc kiện để lấy lại Hoàng Sa?2023.04.04
RFA
Tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Ảnh chụp năm 2024.
Mới đây, một buổi triển lãm có tên “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn” được UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức. Hoạt động này được báo chí Nhà nước cho là để góp phần nâng cao nhận thức của người trẻ trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, truyền ngọn lửa chủ quyền Hoàng Sa đến người trẻ.
Thực chất, việc triển lãm như thế có giúp ích gì cho việc đòi lại chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam hay không, sau gần 50 năm bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực?
Nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA sáng 4 tháng 4 năm 2023:
“Việc cho mọi người hiểu được thông tin về chủ quyền và những vấn đề pháp lý trong lịch sử mà cha ông chúng ta đã gìn giữ như thế nào là cả một câu chuyện quan trọng. Việc triển lãm như vậy không chỉ cho người Việt Nam, mà người nước ngoài cũng có thể đến coi.
Còn đối với người Việt Nam thì việc giáo dục cho mọi người hiểu được vấn đề về chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo thì cần phải làm thường xuyên. Như thế thì người ta mới nhớ được, mới hiểu được. Và khi người dân hiểu được thì họ mới yêu được và tìm cách giúp chính phủ gìn giữ chủ quyền. Chính phủ mà không có người dân thì làm sao mà mạnh được.
Còn đòi lại là một câu chuyện rất khó, bởi khi các quốc gia mà đã nắm giữ được cái gì thì không dễ gì mà họ nhả ra. Và trong cái bối cảnh mà sức mạnh quân sự của Trung Quốc càng ngày càng lớn mạnh thì cá nhân tôi nghĩ rằng, việc đòi lại Hoàng Sa vào lúc này rất là khó. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cũng phải duy trì chủ quyền của mình. Bởi vì nếu chúng ta im lặng, chúng ta chấp nhận từ bỏ chủ quyền thì chúng ta không bao giờ có cơ hội để đòi lại được nữa.”
Ngoài buổi triển lãm được tổ chức ở Đà Nẵng vừa qua, một số nhà trưng bày cũng được xây dựng để lưu giữ, triển lãm những tư liệu liên quan Hoàng Sa, Trường Sa, như Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng hay phòng trưng bày bộ sưu tập về Hoàng Sa, Trường Sa tại Thư viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Tôi thấy rằng ở Việt Nam hiện nay tiêu tiền rất nhiều để nâng cao tinh thần yêu nước, để thúc đẩy ý chí bảo vệ tổ quốc của giới trẻ Việt Nam. Tôi nghĩ đó là biện pháp tốt nhất để nung nấu tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ; để quyết tâm gìn giữ những phần đất còn lại và nuôi ý chí sẽ lấy lại những gì đã mất. - Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc
Nhà trưng bày Hoàng Sa khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 2015 và được khánh thành vào ngày 28 tháng 3 năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 43 tỉ đồng. Nơi đây có khu trưng bày tư liệu, hình ảnh quần đảo Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 đến năm 1974 và bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.
Tại buổi lễ khánh thành, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ nói rằng: “Khánh thành nhà trưng bày Hoàng Sa, thực ra chúng ta cũng chỉ mới đi một nửa đoạn đường. Nửa đoạn đường còn lại là làm sao để nhà trưng bày này hoạt động với hiệu quả cao nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ, xem đây là một khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật để đòi lại Hoàng Sa”.
Tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. AFP
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói với RFA sáng 4 tháng 4 năm 2023:
“Tôi thấy rằng ở Việt Nam hiện nay tiêu tiền rất nhiều để nâng cao tinh thần yêu nước, để thúc đẩy ý chí bảo vệ tổ quốc của giới trẻ Việt Nam. Tôi nghĩ đó là biện pháp tốt nhất để nung nấu tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ; để quyết tâm gìn giữ những phần đất còn lại và nuôi ý chí sẽ lấy lại những gì đã mất.
Hiện nay rất nhiều người trách chính phủ Việt Nam là không đấu tranh trên mặt truyền thông. Theo cá nhân tôi nhận định, chính phủ Việt Nam đấu tranh rất là gay gắt trên mặt thực địa để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Còn về mặt truyền thông, nếu chúng ta không chủ động công bố thông tin thì lòng tin của người dân sẽ giảm sút đối với chính phủ, sẽ nghi ngờ ý chí bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của chính phủ. Tôi thấy rằng, cần công khai và chỉ thẳng những biện pháp để giải quyết xung đột ở biển Đông sẽ tốt hơn sự im lặng”
Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, xét trong thế và lực hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam không tài nào có thể lấy lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc. Ông phân tích:
“Cái thứ nhất là tiềm lực quân sự Việt Nam không đối đầu được với Trung Quốc. Thứ hai là biện pháp ngoại giao, Trung Quốc không bao giờ đồng ý đề cập vấn đề Hoàng Sa để thương thảo với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Và Trung Quốc coi chuyện Hoàng Sa là chuyện giữa họ và Việt Nam Cộng Hòa. Thứ ba, nếu đưa ra tòa án công lý quốc tế để phân định chủ quyền thì Trung Quốc cũng phải đồng ý cùng với Việt Nam ra tòa. Nhưng có một vấn đề mà giới nghiên cứu Biển Đông chúng tôi đã đặt ra rất nhiều lần, là liệu tài liệu về chủ quyền của Việt Nam có đứng vững về mặt công pháp quốc tế hay không?”
Việt Nam có mất Hoàng Sa vĩnh viễn?
Tháng một năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. 74 thủy thủ Việt Nam Cộng Hòa tử trận, 16 thủy thủ bị thương và 48 thủy thủ bị bắt làm tù binh.
Một số người Việt Nam lo ngại rằng, suốt gần 50 năm mà Việt Nam không lấy lại được Hoàng Sa thì những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ sẽ trở nên vô hiệu. Điều này có nghĩa, Hoàng sa sẽ vĩnh viễn thuộc về Trung Quốc.
Nhưng cá nhân tôi là một nhà nghiên cứu về luật quốc tế, tôi đã kiểm tra rất kỹ thì tôi thấy, trong tất cả các quy định cũng như trong án lệ và tập quán quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và xác lập chủ quyền lãnh thổ, thì không quy định chuyện này trong luật quốc tế. - Thạc sĩ Hoàng Việt
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, điều này hoàn toàn không có cơ sở. Ông giải thích với RFA sáng 4 tháng 4 năm 2023:
“Cái thông tin này gốc là từ một nhà nghiên cứu của Trung Quốc đưa ra, sau đó một số các nhà nghiên cứu của Việt Nam đưa lại. Nhưng cá nhân tôi là một nhà nghiên cứu về luật quốc tế, tôi đã kiểm tra rất kỹ thì tôi thấy, trong tất cả các quy định cũng như trong án lệ và tập quán quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và xác lập chủ quyền lãnh thổ, thì không quy định chuyện này trong luật quốc tế.
Họ chỉ quy định là chỉ khi nào một quốc gia chính thức từ bỏ hoặc im lặng không bao giờ nhắc tới, gọi là mặc nhiên từ bỏ, thì lúc đó mới gọi là từ bỏ, mới mất vĩnh viễn.”
Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 là hành động chiếm đóng bất hợp pháp, chiếu theo Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970.
Nghị quyết 2625 quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Như vậy, cho dù Trung Quốc có chiếm đóng Hoàng Sa 50 năm hay hơn nữa thì cơ hội cho Việt Nam lấy lại Hoàng Sa vẫn còn đó.
Tin, bài liên quan
THỜI SỰTàu hải cảnh của Trung Quốc bị đuổi khỏi vùng biển của Việt Nam
Tàu Trung Quốc "nhan nhản" trên vùng biển Việt Nam
Ảnh vệ tinh cho thấy Campuchia mở rộng căn cứ hải quân do Trung Quốc tài trợ
Thế đứng của Việt Nam khi Philippines thắt chặt liên minh quân sự với Hoa Kỳ
Việt Nam cân nhắc mở cửa thị trường cho các hãng vũ khí nước ngoài
No comments:
Post a Comment