Những đột phá bởi chuyến thăm Hà Nội của BlinkenBình luận của Trần Hiếu Chân, từ California
2023.04.17
RFA
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 15/4/2023AFP
Những biến cố và sự kiện được cho là đột phá trong chuyến công du Hà Nội đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken có thể là: i) Lễ động thổ Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỷ USD; ii) Tuyên bố của Tổng bí thư ĐCSVN, Thủ tướng Chính phủ VN và Ngoại trưởng Mỹ về thời điểm được cho là chín muồi đối với việc nâng cấp quan hệ song phương Việt – Mỹ; và iii) Tái cam kết về các cuộc đàm phán IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) do Mỹ dẫn đầu.
Quần thể biểu trưng sức mạnh Mỹ
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hiện nay đặt tại số 7, đường Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội. Trong chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8/2021, thỏa thuận về địa điểm mới và thời gian thuê đất 99 năm cho Đại sứ quán mới đã được công bố. Ngân sách dành cho khu phức hợp dự kiến khoảng 1,2 tỷ đô la, sẽ là một trong những Đại sứ quán đắt nhất của Mỹ trên thế giới. Quần thể này nằm giữa không gian thành phố và công viên Cầu Giấy, Hà Nội, với thiết kế lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long. Trong khi đó, thiết kế cảnh quan bên ngoài khu phức hợp lại dựa trên cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng (1).
Hôm 15/4, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng các quan chức hai nước Mỹ và Việt Nam làm lễ động thổ tòa Đại sứ quán mới trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày của ông đến Việt Nam. Phát biểu tại lễ động thổ, ông Blinken nói: “Buổi lễ động thổ này và Đại sứ quán mới thể hiện một bước đi đầy ý nghĩa nữa tiến tới tăng cường mối quan hệ đối tác có tầm quan trọng to lớn giữa hai nước và nhân dân hai nước chúng ta”. Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink từng phát biểu: “Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng chưa đầy 30 năm sau khi bình thường hóa quan hệ và chuyển đến Đại sứ quán đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1995, giờ đây chúng tôi sẽ bắt tay vào xây dựng một biểu tượng mới tuyệt đẹp về cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác và hữu nghị lâu dài với Việt Nam”. Dự kiến có khoảng 5.000 công nhân Mỹ sẽ tham gia vào quá trình xây dựng, trong thời gian sáu năm. Đại sứ quán Mỹ mới sẽ cao tám tầng. Nhờ đó, số cửa làm hồ sơ lãnh sự sẽ tăng gấp bốn lần hiện nay để có thể xử lý được nhiều thị thực hơn và nhanh hơn. Dự kiến, trong quá trình cơ sở mới này được hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho 1.800 người dân sở tại, đồng thời đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam thêm 350 triệu đô la, vẫn theo lời ông Blinken phát biểu tại lễ khởi công (2).
“Đối tác chiến lược”: Thời điểm chín muồi
Vấn đề Đối tác chiến lược Mỹ – Việt đã được đề cập cách đây hàng chục năm, trước cả khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton từng đến Việt Nam quảng bá cho chính sách “Xoay trục” của Tổng thống Obama (tháng 7/2012). Theo quan niệm của Mỹ, quan hệ Đối tác chiến lược nhắm đưa quan hệ với những quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới đi vào thực chất, sâu rộng, bao trùm hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Từ phía Việt Nam, ít nhất có hai quan ngại chính liên quan đến việc tăng cường các chất lượng chiến lược trong quan hệ với Hoa Kỳ: Phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào đối với sự nâng cấp quan hệ? Và độ bền vững trong các cam kết của Hoa Kỳ sẽ kéo dài đến đâu? (3)
Vì những lẽ trên, khi cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thì rõ ràng các quan ngại nói trên đã được hóa giải. Có hai nhân tố góp phần vào quá trình hóa giải ấy. Thứ nhất, “mối quan hệ ‘Chiến lược toàn diện’ mới được ký kết gần đây giữa Mỹ và ASEAN mang lại một vỏ bọc cho mỗi quốc gia trong khối thiết lập quan hệ ‘Đối tác chiến lược’ với Washington ở cấp độ song phương, bất chấp Trung Quốc có suy nghĩ như thế nào’, ông Jonathan R. Stromseth, nhà nghiên cứu cấp cao từ Brookings Institute lập luận như vậy với truyền thông quốc tế hôm 16/4.
Nhân tố thứ hai, sau khi Tổng thống Mỹ Biden đã ký ban hành “Luật Khoa học và Chip” (8/2022), phân bổ hàng chục tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu khoa học chất bán dẫn trong nước, được cho là thúc đẩy khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Cùng với bộ Luật này, Mỹ đặt trọng tâm nhiều hơn vào hợp tác an ninh và quốc phòng trong ý nghĩa của một đối tác chiến lược. Theo đó, Việt Nam lần đầu tiên được nhìn nhận là đối tác đã cùng với Mỹ “xây dựng được một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả sau một thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện”. Tính từ khi Việt Nam được đánh giá “như một đối tác chiến lược tiềm năng của Mỹ trong bản Tổng kết Quốc phòng Quý IV năm 2010” cho đến khi Việt Nam được đánh giá là đã “sát cánh cùng với Mỹ trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất” là mười ba năm có lẻ (4).
Hai “Fact Sheet” – Một nỗ lực
Trước chuyến thăm Hà Nội của ông Bliken, ngày 13/4/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Thông báo “Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện và 28 Năm Quan hệ Ngoại giao” (The United States – Vietnam Relationship: Celebrating 10 Years of Comprehensive Partnership and 28 Years of Diplomatic Relations) (5).
Thông báo trên đây kết nối chặt chẽ đến “Kế hoạch hành động” với tựa đề “Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ” (Strengthening the U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership), cũng do Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành ngày 25/8/2021 trong lúc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang ở Hà Nội. Hai “Fact Sheet” này có lẽ là minh chứng rõ rệt nhất cho những nỗ lực của Mỹ cam kết hành động liên tục và mang tính hệ thống để hỗ trợ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, lành mạnh và kiên cường (6).
Những kết nối giữa kinh tế và an ninh thông qua hai Thông báo trên đây đã được Ngoại trưởng Blinken thảo luận với phía chủ nhà nhằm “thúc đẩy sự thịnh vượng trên diện rộng ở Việt Nam và khắp khu vực”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu các sản phẩm như dệt may và điện tử của quốc gia Đông Nam Á này. Thông qua “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF), Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Hoa Kỳ cung cấp.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, ông đã thảo luận về nỗ lực của hai nước nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng trên diện rộng ở Việt Nam và trên toàn khu vực, thông qua (IPEF). Việt Nam đã tham gia đàm phán về cả bốn trụ cột của IPEF, qua đó giúp dẫn đầu những nỗ lực về các vấn đề có vai trò định hình nền kinh tế trong thế kỷ 21, gồm sức chống chịu của chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng sạch và kết nối kỹ thuật số, từ đó mang lại lợi ích cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới (7).
__________
Tham khảo:
3. https://www.youtube.com/watch?v=dBuh5jQ9FqQ
7. https://www.youtube.com/watch?v=ElId5XYKLg8
No comments:
Post a Comment