Người Việt tị nạn biểu tình tại Bangkok: "Phản đối bắt cóc blogger Đường Văn Thái!"
2023.04.19
RFA
Người Việt Nam tị nạn biểu tình trước Văn phòng UNHCR ngày 19/4người tị nạn gửi đến RFA
Lo lắng cho sự an toàn của bản thân sau vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc, hơn 300 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan ký tên khẩn cầu quốc tế sớm định cư người tị nạn.
Sáng ngày 19/4, khoảng 40 người tị nạn tập trung trước văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) tại Bangkok (Thái Lan) phản đối bắt giữ ông Đường Văn Thái, yêu cầu UNHCR đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả, cũng như sớm định cư những người đã có quy chế tị nạn.
Blogger Thái Văn Đường, tên thật là Đường Văn Thái mất tích chiều tối 13/4 khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, tuy nhiên công an Hà Tĩnh sau đó thông báo đã bắt giữ ông vào chiều 14/4 khi ông Thái "xâm nhập trái phép" vào Việt Nam, bạn bè nghi ngờ ông bị mật vụ bắt và dẫn giải về.
Người biểu tình mang theo hai biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung: "Phản đối nhà cầm quyền bắt cóc người tị nạn" và "SOS! Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đang gặp nguy hiểm."
Ông Nguyễn Văn Tráng, một người từng nhiều lần bị nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu thú khi đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/4:
"Rõ ràng vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái ở một đất nước có chủ quyền cho thấy việc vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như tính bất chấp của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Điều quan trọng là nó phản ánh một xu hướng leo thang của việc đàn áp người bất đồng chính kiến xuyên quốc gia."
Ông Lê Thương, một quân nhân xuất ngũ hiện đang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 bày tỏ:
“Không riêng bản thân tôi mà tất cả người tị nạn ở Thái Lan hiện giờ đang có tâm lý rất hoang mang sợ hãi liên quan đến việc ông Thái Văn Đường bị bắt cóc.
Trong buổi sáng hôm nay, người Việt Nam tị nạn bao gồm các anh chị em, kể cả người Việt, cộng đồng người Thượng Tây Nguyên, Khmer Krom và Hmong đều tập trung tại đây để có một buổi đưa tin liên quan đến sự việc anh Thái Văn Đường bị bắt cóc về Việt Nam.
Ông Lê Thương đại diện trao thỉnh nguyện thư có hơn 300 chữ ký của người tị nạn cho văn phòng UNHCR, thỉnh nguyện thư cũng gửi cho chính phủ các quốc gia dân chủ, các tổ chức nhân quyền... khẳng định thông tin ông Thái “xâm nhập” Việt Nam từ Lào là bịa đặt và là cách thức Nhà nước hợp thức hóa vụ bắt cóc ông ở Thái Lan.
Có ba yêu cầu được đưa ra trong thư ngỏ, bao gồm kêu gọi "điều tra về vụ bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường. Vấn đề bắt cóc các nhà hoạt động cần được thông tin rộng rãi để người dân Việt Nam đều biết và lên án.
"Thực hiện các biện pháp bảo vệ người Việt tị nạn tại Thái Lan một cách hiệu quả hơn, tránh tái diễn các vụ bắt cóc trong tương lai.
Nhanh chóng thực hiện việc tái định cư cho những người Việt tị nạn đã được UNHCR cấp quy chế, để người tị nạn đến một quốc gia an toàn hơn Thái Lan."
Theo bà Grace Bùi, một người hoạt động nhân quyền độc lập người Mỹ gốc Việt ở Bangkok, hiện có khoảng 1.500 người tị nạn đến từ Việt Nam đang sống ở nhiều tỉnh và thành phố của Thái Lan, một quốc gia chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn 1951.
Tuy phải đối mặt với đàn áp xuyên biên giới ngày càng gia tăng của bộ máy an ninh Việt Nam và bắt giữ của cảnh sát Thái Lan, người tị nạn Việt Nam nhận được sự trợ giúp rất ít ỏi từ UNHCR.
Ông Nguyễn Văn Ân, một nhà hoạt động về tự do tôn giáo đến từ giáo xứ Kẻ Giai thuộc Giáo phận Vinh và hiện đang sống tị nạn cùng gia đình ở Bangkok, cho biết UNHCR chỉ khuyến cáo người tị nạn sống lặng lẽ và chuyển nhà khi có dấu hiệu mất an ninh.
Mỗi khi gặp sự đe doạ, người tị nạn gọi điện thoại cho văn phòng của cơ quan này nhưng rất ít khi có người nhấc máy, ông cho biết.
CPJ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Đường Văn Thái
Hôm 18/4, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Đường Văn Thái và chấm dứt mọi nỗ lực sách nhiễu và bắt giữ người lưu vong.
“Nhà chức trách Việt Nam cần phải trả tự do cho nhà báo Đường Văn Thái và công khai chi tiết việc bắt giữ ông,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở khu vực Đông Nam Á nói trong thông cáo.
“Việt Nam có lịch sử nhắm vào các nhà báo sống lưu vong. Nhà chức trách Thái Lan cần điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về quá trình mất tích của ông (Đường Văn Thái- PV) ở Bangkok, và bảo dảm rằng các nhà báo không bị nhắm đến vì tác nghiệp của họ,” ông nói đồng thời dẫn lại trường hợp blogger Trương Duy Nhất bị bắt cóc về Hà Nội sau khi đăng ký nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn chính trị tại Thái Lan.
No comments:
Post a Comment