Ngũ cốc Ukraina, Liên Âu hết đoàn kết với Kiev ?Thanh Hà
Đăng ngày: 25/04/2023 - 16:23
RFI
Đông Âu, người nông dân nổi dậy
Bốn nước trong Liên Âu có đường biên giới chung với Ukraina (Hungary, Rumani, Ba Lan, Slovakia) và Bulgarie đang khốn đốn vì hạt cải, hạt hoa hướng dương, lúa mì… của Ukraina. Hàng ngàn nông dân trong Liên Hiệp Châu Âu chận các đoàn xe tải của Ukraina chở thực phẩm.
Các nhà kho tại Bulgarie chứa đầy hạt hướng dương Ukraina. Trong năm 2022 Bulgarie nhận vào 940.000 tấn hạt hoa hướng dương từ Ukraina đổ sang. Khối lượng này tương đương với 50 % xuất khẩu của Ukraina sang thị trường toàn châu Âu.
Áp lực tại Ba Lan lại càng mạnh hơn nữa đến nỗi bộ trưởng Nông Nghiệp đã phải từ chức. Tức nước vỡ bờ, ngày 15/04/2023 Vacxava đơn phương tuyên bố « đóng cửa biên giới với hầu hết các loại nông phẩm và thực phẩm Ukraina ». Nhưng chỉ ba hôm sau, chính phủ Ba Lan dịu giọng cho phép « hàng hóa của Ukraina chung chuyển qua lãnh thổ Ba Lan » với điều kiện những sản phảm đó phải được đưa đến các thị trường khác. Song Ba Lan duy trì lệnh cấm nhập khẩu vào thị trường nội địa một số mặt hàng từ rau quả đến sữa, thịt gà, trứng, đường, hay mật ong và nhất là lúa mì, ngũ cốc.
Sáu tháng trước bầu cử Quốc Hội, đảng bảo thủ cầm quyền Pháp Luật và Công Lý (PiS) không thể để mất lá phiếu của nông dân Ba Lan. Tại quốc gia này, giá một tấn lúa mì đang từ 390 rơi xuống còn 190 euro trong vài tháng và trước thềm một vụ thu hoạch mới vẫn còn tám hay chín triệu tấn ngũ cốc đang tồn đọng trong các nhà kho.
Làn sóng phẫn nộ đó bắt nguồn từ đâu ?
Từng mở rộng cửa đón nhận người tị nạn Ukraina chạy trốn chiến tranh, là nơi tiếp nhận vũ khí của phương Tây trước khi đưa sang quốc gia đang phải đối mặt với xe tăng, tên lửa của Nga, nay Ba Lan lại quyết liệt nhất trong việc chận nông phẩm của Ukraina.
Ngày 22/07/2022 thế giới thở phào nhẹ nhõm nhờ Sáng Kiến Ngũ Cốc Hắc Hải. Qua trung gian của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đồng ý mở hành lang trên Biển Đen, đưa nông phẩm của Ukraina đến với thế giới bên ngoài. Cùng với hành lang lương thực trên bộ, Sáng Kiến Ngũ Cốc Hắc Hải cho phép tạm xua tan một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Tính đến ngày 01/03/2023 chỉ riêng cánh cổng Hắc Hải cho phép Ukraina xuất khẩu 23 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm ra thế giới.
Có điều cứu nông gia Ukraina, Liên Âu mang họa. Trung tuần tháng 3/2023 trả lời một đài phát thanh địa phương, Lech Sprawka lãnh đạo thành phố Lublin, miền đông Ba Lan, giải thích : trong số gần 800.000 tấn ngũ cốc Ukraina « quá cảnh vào Ba Lan, chỉ có 4.000 tấn được giành để bán cho một quốc gia thứ ba ngoài khối Liên Âu ». Số còn lại hoặc được cất giữ trong các nhà kho của Ba Lan, hoặc được phân phối ngay trên thị trường nội địa 27 nước trong Liên Âu, tệ hơn nữa là để cung cấp cho chính người dân Ba Lan.
Châu Âu cạnh tranh không nổi
Vấn đề nằm ở chỗ ngũ cốc Ukraina rẻ hơn so với nông phẩm của chính người dân Ba Lan làm ra. Nông dân Ba Lan cũng như ở các nước đông Âu trực tiếp bị thực phẩm Ukraina cạnh tranh « bất bình đẳng ».
Từ tháng 5/2022, tức ba tháng sau khi Matxcơva khởi động chiến dịch tấn công Ukraina, Bruxelles đồng lòng xóa bỏ hàng rào quan thuế đánh vào nông phẩm của Ukraina và đây là một trong hai biện pháp mạnh của Liên Âu thể hiện liên đới với Kiev.
Trả lời RFI tiếng Pháp, Sébastien Abis, giám đốc Club Demeter, một tổ chức quy tụ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm ghi nhận vai trò của Liên Âu trong việc giải quyết khủng hoảng lương thực cho một phần nhân loại :
« Liên Hiệp Châu Âu đã đóng góp nhiều trong việc thiết lập một hành lang đưa nông phẩm của Ukraina ra thế giới bên ngoài. Mọi chú ý tập trung vào ngả đi qua Hắc Hải, mà ít chú trọng vào hành lang lương thực thực phẩm trên bộ. Liên Âu đã tài trợ và giúp Ukraina xuất khẩu ngũ cốc, lúa mì, nông phẩm bằng tàu hỏa, bằng đường bộ và các phương tiện vận chuyển trên sông. Khối lượng nông phẩm của Ukraina thoát ra bên ngoài bằng các phương tiện này tương đương với khối hàng được vận chuyển qua đường biển. Qua đó Liên Âu đóng góp vào việc bảo đảm an ninh lượng thực cho nhân loại ».
Vấn đề đặt ra là lúa mì, ngũ cốc, hay ngô Ukraina không chỉ « quá cảnh » tại châu Âu trước khi được xuất khẩu tiếp sang châu Phi hay Trung Đông. Tháng 8/2022 nông dân Ba Lan bán một tấn ngô với giá 380 euro. Đến đầu tháng 3/2023 cũng một tấn ngô chỉ còn có 220 euro. Một nhà trồng trọt tại vùng Kuyavie-Pomeranie sát biên giới Ba Lan – Ukraina được báo Le Figaro hôm 30/03/2023 trích dẫn phẫn nộ giải thích thêm rằng : nông dân trong Liên Hiệp Châu Âu phải tuân thủ đủ mọi chuẩn mực về lao động, về môi trường, nông gia Ukraina thì không.
Hiệu ứng phụ ngoài mong muốn của Bruxelles
Thierry Pouch kinh tế trưởng Phòng Nông Nghiệp Pháp đơn cử một thí dụ khác cho thấy liên đới với Ukraina của các nhà tròng trọt và chăn nuôi cũng có giới hạn :
« Một số thành viên trong châu Âu than phiền Liên Âu tạo điều kiện thuận lợi đưa nông phẩm của Ukraina ra khỏi vùng chiến tranh, giảm bớt áp lực lạm phát cho toàn thế giới. Một số thành viên của Liên Âu giờ đây đòi Bruxelles tăng viện trợ nông nghiệp. Rõ ràng là thiện chí của châu Âu muốn giúp các nông dân Ukraina đã có những hiệu ứng phụ, tác động đến nông gia của Liên Âu, do thực phẩm của Ukraina rẻ hơn. Giới chăn nuôi ở Pháp chẳng hạn không hài lòng khi thấy thịt gà Ukraina bán sang châu Âu năm ngoái tăng 140 % ».
Châu Âu giữ lương thực cho chính mình ?
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao thực phẩm của Ukraina một khi được đưa vào châu Âu không tiếp tục đến được những thị trường khác như ở Trung Đông hay châu Phi để giảm bớt áp lực lạm phát cho các khu vực này ?
Lương thực, thực phẩm của Ukraina một khi vào đến Liên Âu đã không thể tiếp tục hành trình đến các quốc gia thứ ba bởi thứ nhất, như Thierry Pouch lưu ý : một số thành viên Liên Âu, điển hình là Ý và Tây Ban Nha đã lợi dụng nông phẩm rẻ của Ukraina để giảm bớt áp lực về giá cả trên thị trường nội địa. Năm ngoái Tây ban Nha và Ý bị hạn hán, sản lượng về nông phẩm sụt giảm nên Roma cũng như Madrid mua lúa mì của Ukraina rẻ hơn là mua của Pháp hay Ba Lan. Đến nay chỉ có 27% ngũ cốc của Ukraina xuất khẩu qua ngả Biển Đen vào Liên Âu đã được dành để cung cấp cho các « quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ».
Lý do thứ hai khiến hàng của Ukraina tồn đọng tại các nước lân cận như Ba Lan hay Rumanie, Bulgarie do những quốc gia này không có đủ phương tiện để vận chuyển tiếp hàng từ Ukraina đến những thị trường thứ ba. Do vậy lúa mì, hạt hoa hướng dương hay đường cát của Ukraina ngủ im trong các nhà kho ở Bulgarie, Slovakia … Do bị tồn đọng trong các nhà kho, những mặt hàng đó, chung cuộc được dùng để bán cho chính những người dân địa phương, như giám đốc cơ quan tư vấn Jacques Delors, tại Bruxelles, bà Geneviève Pons ghi nhận.
Bruxelles phải chi tiền
Trên nguyên tắc đến tháng 5 tới đây Liên Âu sẽ họp lại để cứu xét về các biện pháp hỗ trợ nông phẩm Ukraina. Các bên sẽ quyết định có triển hạn việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan đánh vào thực phẩm của Ukraina hay không. Theo giới phân tích, dường như Bruxelles tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt này. Do vậy để xoa dịu tình hình, Ủy Ban Châu Âu chọn giải pháp đền bù cho các nông dân trong Liên Âu bị thiệt hại.
Đến nay, Bruxelles đã trích 150 triệu euro từ quỹ khẩn cấp hơn 450 triệu trong ngân sách của Chính Sách Nông Nghiệp Chung (PAC) để giúp các nhà trồng trọt, giới chăn nuôi Rumani, Ba Lan hay Bulgarie, Slovakia. Nhưng đó chỉ là những giải pháp khẩn cấp để nông phẩm Ukraina vẫn có lối thoát hiểm. Hơn nữa khoản tiền 150 triệu euro ấy cũng nhằm giúp duy trì đoàn kết của Liên Âu với một quốc gia đang bị xâm chiếm.
Sébastien Abis, tổ chức Club Demeter cho rằng đó là cái giá phải trả để duy trì một trong những nông trại lớn nhất thế giới.
« Mặc dù chiến sự gia tăng từ tháng 2/2022 thế nhưng Ukraina vẫn duy trì hoạt động canh nông và thu hoạch năm ngoái không đến nỗi tệ, hiểu theo nghĩa, sản xuất lúa mì của Ukraina năm vừa rồi tương đương với 50 % so với mức trung bình trong 15 năm trở lại đây. Dù vậy mất hẳn một nửa lượng sản xuất cũng là một điều tai hại đối với Ukraina, đối với nông dân nước này. Từ đầu thế kỷ 21, Ukraina cũng như là Nga đã đầu tư rất nhiều vào nông nghiệp, coi đây là một lực đẩy kinh tế. Từ 2000 đế 2022, sản xuất lúa mì của Ukraina đã được nhân lên gấp 8. Ukraina đứng hạng 4 hay hạng 5 trên thế giới về lúa mì và 3/4 sản xuất là để cung cấp cho thế giới »
Nông nghiệp, bằng chứng việc kết nạp Ukraina vào Liên Âu là chuyện viễn vông
Nếu như không có tài trợ của Liên Âu, nhiều quốc gia như Liban hay Tunisia, hoặc tại châu Phi (Ai Cập, Kenya…) không đủ sức mua lúa mì với giá 370 euro một tấn. Sébastien Abis :
« Từ tháng 2 đến tháng 8/2022, nông phẩm Ukraina không thể xuất khẩu qua ngả Biển Đen. Thị trường thế giới bị thiếu mất nguồn cung cấp này. Hơn nữa, như vừa nói, mức sản xuất của Ukraina bị sụt giảm mất một nửa. Do vậy tình hình lương thực thế giới khi đó rất căng và có một sự chênh lệch giữa mức cung và cầu. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, khoảng trống mà Ukraina để lại từ một năm nay đã không có một nguồn cung cấp nào thay thế. Có nghĩa là trong một năm qua, không một quốc gia nào sản xuất lúa mì đủ đề bù lại hay thay thế các lúa mì Ukraina thiếu vắng trên thị trường. Trong một tương lai gần, chỗ trống ấy cũng sẽ bị bỏ ngỏ. Quốc gia duy nhất có lợi trong thời gian vừa qua là Nga : vụ mùa năm ngoái tương đối tốt. Nga từ 2016 là nguồn sản xuất số 1 trên thế giới về lúa mì ».
Chiến tranh Ukraina hiện nay làm lộ rõ một điểm : chỉ nội hồ sơ nông nghiệp cũng đủ báo trước rằng con đường để Ukraina kết nạp Liên Âu còn rất, rất dài. Mới chỉ ở khúc dạo đầu mà những hạt lúa mì, hạt ngô và hoa cải vàng của Ukraina cũng đủ để Chính Sách Nông Nghiệp Chung của Liên Âu bị rạn nứt.
Trong trường hợp của Ba Lan, rõ ràng, lòng trắc ẩn của người dân Ba Lan với người Ukraina, những tính toán của chính quyền Vacxava trước một mùa bầu cử, trước áp lực của một phần công luận trong nước lại là một chuyện khác. Trong khi đó ở Bruxelles, Ủy Ban Châu Âu có quỹ khẩn cấp gần 500 triệu euro cho chính sách nông nghiệp, nhưng ngoài những biện pháp chữa cháy đó, dường như khả năng giúp đỡ Ukraina lâu dài của Liên Âu không nhiều. Đoàn kết giữa các nông dân trong Liên Hiệp Châu Âu với nông dân Ukraina cũng không bao nhiêu !
No comments:
Post a Comment