Wednesday, April 19, 2023

Cơ chế là cơ chế gì?
Nguyễn Tiến Tường
19-4-2023
Tiengdan

Lỗi của cơ chế là không nên đặt bàn tay của người giỏi như ông “Tuấn tim” lên bàn giấy ký hợp đồng. Bác sĩ giỏi của một lĩnh vực khan hiếm người tài thì nên tạo điều kiện để ông ấy cầm dao mổ.

Tất nhiên, lương thưởng phải xứng đáng với tâm lực mà ông ấy bỏ ra. Làm sao đó để thu nhập khi cầm dao mổ đủ đối trọng với sự cám dỗ lợi lộc khi ký hợp đồng.

Một bác sĩ giỏi chưa chắc là một nhà quản lý giỏi, trong nhiều trường hợp bác sĩ làm giám đốc, cơ chế làm mất đi một bác sĩ giỏi và sinh thêm một lãnh đạo tồi.

Tuy nhiên, trong cơ chế đó ông Tuấn tim có một quyền từ chối. Ông đã lựa chọn làm một lãnh đạo thay vì làm một bác sĩ tài danh trọn đời thì không thể đổ cho cơ chế.

Khi làm lãnh đạo, nói rằng ông không nắm bắt quy trình đấu thầu đến mức để cho các đơn vị cung ứng đưa vật tư sang dùng trước rồi mới làm thủ tục thầu hợp thức hoá sau là ngây thơ.

Càng ngây thơ hơn khi nói rằng ông “xé rào” vì bệnh nhân. Bởi vì thiết bị y tế không có đơn vị này thì có đơn vị kia cung ứng. Nếu là một nhà quản lý giỏi, ông đã tìm ra cách để có nguồn vật tư dự phòng cho bệnh viện. “Xé rào” thì vì sao lại chọn hai nhà thầu duy nhất để dùng trước trả sau trong thời gian dài, độc quyền và không có cạnh tranh?

Chỉ có thể hiểu rằng ông đã thoả hiệp với lợi ích. Và việc này gây thiệt hại trực tiếp khi người dân phải dùng thiết bị y tế giá cao (do chi phí mềm) và thiệt hại gián tiếp khi ngân sách từ thuế do họ đóng góp.

Bác sĩ Tuấn tài ba cầm dao mổ cứu sống nhiều người không thể đánh đồng với giám đốc Tuấn cầm bút ký hợp đồng trục lợi. Một hoặc nhiều người hàm ơn vì được bác sĩ Tuấn cứu sống, không có nghĩa là có thể khoả lấp đi hậu quả của vạn vạn con người bị thiệt hại do giám đốc Tuấn gây ra.

Cơ chế có lỗi khi không để người tài đúng chỗ. Cơ chế cũng có lỗi khi giấu mỡ trong miệng mèo và chờ mong con mèo có đức độ.

Nhưng trách kỷ hậu trách nhân, tay tự thọc xuống bùn thì không thể trách bùn bẩn.

No comments:

Post a Comment