Chuyến bay giải cứu': Các ‘ông lớn’ nhận tiền hối lộ triệu đô?4 tháng 4 2023, 18:44 +07
BBC
Sân bay Nội Bài, hình minh họa
Cựu lãnh đạo công an Hà Nội, hai thứ trưởng ngành ngoại giao cùng trợ lý phó thủ tướng, thư ký bộ trưởng y tế bị cáo buộc nhận hàng chục tỉ đồng tiền hối lộ và ‘chạy án’.
Bộ Công an Việt Nam vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 54 bị can, gồm nhiều quan chức cấp cao trong vụ 'chuyến bay giải cứu' để trục lợi giai đoạn có dịch Covid-19, truyền thông Việt Nam đưa tin ngày 4/4.
Hàng chục bị can này bị đề nghị truy tố theo các tội “nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và chiếm đoạt tài sản”.
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn cơ quan điều tra mô tả việc “các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc”.
Đáng chú ý trong số các bị can có nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội "môi giới hối lộ".
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn bị cáo buộc đã nhận tiền của các cá nhân để "chạy án" với số tiền 2,65 triệu USD chỉ trong khoảng một năm (1-12/2022).
“Cơ quan công an xác định hành vi của bị can Nguyễn Anh Tuấn phạm vào tội Môi giới hối lộ, với số tiền môi giới hối lộ là 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỉ đồng). Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 1,85 triệu USD (tương đương gần trên 42,8 tỉ đồng).
“Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Anh Tuấn thành khẩn khai báo hành vi của bản thân và các cá nhân có liên quan, góp phần giúp Cơ quan an ninh điều tra làm rõ nhiều tình tiết của vụ án. Ngoài ra, gia đình bị can đã nộp khắc phục 460.000 USD,” báo Pháp Luật đưa tin.
Trong danh sách bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ” có hai cựu thứ trưởng ngoại giao liên quan “duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay tham gia chuyến bay giải cứu”.
Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng bị cáo buộc đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng từ đại diện các doanh nghiệp đã được hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép thực hiện "chuyến bay combo" (bao gồm giá vé một chiều, xét nghiệm, nơi ở cách ly...)
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam bị cáo buộc trong quá trình làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao và nhận hối lộ 60.000 USD và 450 triệu đồng (tương đương tổng số tiền 1,8 tỉ đồng) để giúp một công ty bán vé máy bay và nơi ở tại khách sạn lưu trú cho sáu chuyến bay đưa công nhân từ Nhật Bản về Việt Nam.
Trong khi đó ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bị cáo buộc “nhận hối lộ số tiền lớn nhất” trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' với số tiền là 42,6 tỉ đồng trong hơn 180 lần nhận hối lộ để trình Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay hoặc người dân được về nước trong dịch COVID-19.
Được biết Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên được bộ này phân công làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này “xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước”.
Ông Kiên được mô tả là “đã tiếp xúc, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp phải chi số tiền từ 50 triệu đến 200 triệu cho một chuyến bay combo.
Cựu thư ký của thứ trưởng bị cáo buộc nhận hối lộ với hình thức doanh nghiệp chuyển tiền vào số tài khoản của mẹ vợ, nhận trực tiếp tại trụ sở Bộ y tế và có “đường dây làm ăn” với các cán bộ tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cục Hàng không, Cục Y tế Dự phòng…
Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý nguyên Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, người đã bị khởi tố bắt tạm giam, đã bị cơ quan an ninh cáo buộc nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng.
Trong danh sách nhóm bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ” có cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng (hơn 2 tỉ đồng) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (nhận 5 tỉ đồng).
Tin cho hay hàng chục cựu lãnh đạo cấp cục, vụ và cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ban Đối ngoại trung ương… của khoảng 10 cơ quan nhà nước từ cấp bộ ngành đến chính quyền địa phương cũng bị đề nghị truy tố sau hơn một năm Bộ Công an điều tra vụ án.
Ngoài những bị can kể trên, nhóm người bị đề nghị truy tố về tội "nhận hối lộ" gồm:
Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 2,3 tỉ đồng.
Nguyễn Tiến Thân, nhận hối lộ hơn 1,3 tỉ đồng và Nguyễn Mai Anh, nhận hối lộ hơn 2,8 tỉ đồng (cùng chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ).
Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng.
Đỗ Hoàng Tùng, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12,2 tỉ đồng.
Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ gần 1,8 tỉ đồng, thu lợi bất chính gần 1,4 tỉ đồng.
Lưu Tuấn Dũng, Phó trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Nguyễn Hồng Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 2 tỉ đồng.
Lý Tiến Hùng, chuyên viên Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT, nhận hối lộ hơn 437 triệu đồng.
Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận hối lộ 864 triệu đồng.
Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT.
Vũ Hồng Quang, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, nhận hối lộ gần 2 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 1,7 tỉ đồng.
Trần Văn Dự, nhận hối lộ hơn 7,6 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 3 tỉ đồng, và Vũ Sỹ Cường, nhận hối lộ hơn 9,3 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 5,5 tỉ đồng (cả 3 người này nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an), theo báo Thanh Niên.
Báo này cho biết nhóm bị can môi giới hối lộ gồm Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam; Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ phòng trị sự, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ.
Nhóm bị can bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia và Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
No comments:
Post a Comment