Wednesday, April 26, 2023

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Song đấu Trump-Biden tập hai ?
Thụy My
Đăng ngày: 26/04/2023 - 08:34
RFI

Ảnh ghép ông Donald Trump và ông Joe Biden, hai ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. AP

Le Figaro nhận thấy « Donald Trump và Joe Biden sẵn sàng đối đầu nhau năm 2024 ». Ở tuổi 80, tổng thống già nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hôm nay loan báo tái tranh cử.

Theo Washington Post, Biden đã cho quay video để khởi động chiến dịch sau khi từ Ailen về. Việc công bố video này trùng khớp với kỷ niệm bốn năm ngày tung ra chiến dịch tranh cử thành công của ông năm 2020. Những giấy mời đã được gởi đi để tập hợp những mạnh thường quân quan trọng nhất của đảng Dân Chủ tại Washington vào cuối tuần này.

Biden và viễn cảnh một cuộc so găng với đối thủ cũ

Một thăm dò của NBC News cho thấy 70 % người được hỏi không muốn Joe Biden ra ứng cử lần nữa, 60 % có ý kiến tương tự với Donald Trump. Tuy nhiên còn 18 tháng nữa đến bầu cử tổng thống 2024, kịch bản một cuộc song đấu giữa Biden và Trump tái diễn ngày càng rõ là khó thể tránh khỏi. Trừ phi có bất ngờ, mỗi đối thủ đều có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng mình. Các tổng thống mãn nhiệm hiếm khi thua trong sơ bộ, và Biden chỉ gặp những chống đối không đáng kể từ phe Dân Chủ.

Cho đến nay chỉ mới có hai người công bố ra ứng cử là nhà văn Marianne Williamson và nhà hoạt động chống vac-xin Robert Kennedy, nhưng chỉ mang tính tượng trưng. Với sự phân hóa hiện nay trên chính trường Mỹ, một khi được đề cử thì ứng cử viên không khó khăn mấy để tập hợp cử tri phe mình. Một nhà bình luận của CNN dự đoán mùa bầu cử sơ bộ 2024 là « nhàm chán nhất ». 

Tuổi tác của hai ứng cử viên khiến cử tri lo ngại. Nếu tái đắc cử, Joe Biden sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ. Donald Trump hiện 76 tuổi, tương đối trẻ hơn đối thủ. Ông Ronald Reagan, 77 tuổi khi hoàn tất nhiệm kỳ thứ nhì, đã bị Alzheimer. Những vụ vấp té, nhầm lẫn thường xuyên của Biden khiến Nhà Trắng tránh tối đa các cuộc tiếp xúc trực tiếp với báo chí.

Nhưng hình ảnh chuyến đi Kiev của Biden, biểu tượng cho cam kết bảo vệ Ukraina của Mỹ, chắc chắn sẽ được sử dụng để nhắc nhở với cử tri thành công của chính sách đối ngoại. Điểm trừ cho ứng viên Dân Chủ : lạm phát, nguy cơ suy thoái. Thắng lợi của ông năm 2020 chỉ nhờ vào mấy chục ngàn phiếu tại vài tiểu bang chủ chốt. Và đảng Dân Chủ vốn coi Donald Trump là người dễ bị đánh bại, có thể phạm lại cùng sai lầm như ê-kíp của bà Hillary Clinton năm 2026.

DeSantis xuống dốc, đảng Cộng Hòa quay lại với Trump

Về phía ông Trump, một lần nữa phải hầu tòa vì một vụ kiện về tấn công tình dục trong thập niên 90, rất xa với lúc ông khởi đầu sự nghiệp chính trị. Lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tháng, cựu tổng thống lại phải ra trước tòa án New York. Cựu nhà báo Jean Carroll của tạp chí Elle đến năm 2019 mới tố cáo Donald Trump cách đó 25 năm đã sàm sỡ đối với bà trong phòng thử đồ của thương xá sang trọng Bergdorf Goodman ở New York. Năm nay 75 tuổi, Carroll nói rằng thời đó bà không lên tiếng vì sợ bị trả thù. Donald Trump nói rằng chưa hề gặp gỡ Jean Carroll. Cho đến nay, ông Trump chưa bao giờ bị ảnh hưởng vì các xì-căng-đan loại này.

Trong khi đó đối thủ tiềm tàng trong đảng Cộng Hòa của Donald Trump là thống đốc Florida, ông Ron DeSantis đã bị xuống sức. Ít bốc đồng hơn, làm việc cần mẫn, nắm rõ hoạt động của các định chế, thống đốc 44 tuổi từ nhiều tháng qua được coi là niềm hy vọng mới của đảng Cộng Hòa. Nhưng ngôi sao này đã nhòa nhạt : sau khi vượt qua ông Trump 14 điểm trong cuộc thăm dò tháng 12 năm ngoái, DeSantis nay lẽo đẽo theo sau, kém cựu tổng thống 13 điểm.

Donald Trump luôn là nhân vật đáng gờm. Là người hùng biện, đôi khi hài hước, đầy đe dọa với địch thủ nhưng biết cách quyến rũ, ông Trump cũng dễ tiếp xúc qua điện thoại. Ngược lại DeSantis là người khó gần, không có bạn bè lẫn đồng minh. Trang Politico đăng lời kể của một trong những đồng nghiệp Cộng Hòa ở Hạ Viện, theo đó DeSantis chưa bao giờ chào hỏi hay trò chuyện với ông trong suốt hai năm trong Ủy ban Đối ngoại. Nhiều dân biểu Florida ủng hộ ông Trump thay vì thống đốc bang mình. Ông DeSantis cũng nằm trong thế lưỡng nan như những ứng cử viên Cộng Hòa khác : trực diện đối đầu với Donald Trump có thể bị cử tri coi là về phe Dân Chủ, còn không chống lại sẽ bị mất đi khả năng ra tranh cử.

Ukraina : Biểu tượng chiến tranh và đạo đức kinh doanh

Liên quan cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Monde cho biết một dự luật đã được Kiev đưa ra để giới hạn những quảng cáo không tốt cho cuộc kháng chiến. Tại Kiev, những món đồ kỷ niệm mang màu cờ Ukraina bán rất chạy. Những chiếc nón, áo thun, áo khoác in hình một chú chó nổi tiếng vì phát hiện được chất nổ tại các vùng giải phóng, hay « Bóng ma Kiev » huyền thoại…được người mua ưa chuộng.

Tuy nhiên số khác gây tranh cãi, như « Kombucha », một thức uống lên men lấy tên theo thành phố Bucha - nơi nhiều thường dân bị quân Nga thảm sát - đã gây giận dữ trên mạng xã hội. Nữ dân biểu Viktoriya Syumar thổ lộ, Bucha là một thảm kịch, là nỗi đau lớn, khó thể chấp nhận bị dùng cho thương mại. Tổng biên tập trang Ukraine World cũng cho rằng những người khai thác tên « Bucha », « Isyum », biểu tượng cho tang tóc và tội ác chiến tranh, là vô đạo đức.

Sự đồng cảm của Chechnya bị trị

Cũng liên quan đến chiến tranh Ukraina, La Croix cho biết « Người Chechnya xúc động vì cuộc chiến » này, họ đồng cảm với người Ukraina. Dù bị đàn áp bởi Ramzan Kadyrov, đồng minh của Kremlin, nhiều người dân không hề quên cách đây 30 năm, bom đạn Nga đã dội xuống, biến Grozny thành bình địa. Trên những hoang tàn, nay đã mọc lên một thành phố mới, nhưng hận thù vẫn sâu sắc. Matxcơva chi ra nhiều tiền cho Chechnya, nhưng một phần được đầu tư, phần còn lại rơi vào túi của chính quyền tham nhũng chư hầu.

Chân dung tổng thống Kadyrov cùng với Vladimir Putin hiện diện khắp nơi, cả trước cổng các trường học ; hai tuyến đường chính mang tên của họ, nhưng không có công trình nào tưởng niệm hai cuộc chiến tranh đòi độc lập của người Chechnya. Không có con số nào về những người lính Chechnya tử trận khi sang Ukraina chiến đấu cho Putin. Khác với ở Nga, không nghĩa trang mới nào được mọc lên, trên bia mộ cũng không ghi chữ « tử sĩ ». Dù nhiều người tử thương trong cùng một trận đánh, xác họ được đưa về từng người một để khỏi gây xúc động trong dân chúng.

« Deepfake » trên chiến trường kỹ thuật số

Trên lãnh vực công nghệ, Le Figaro giải thích vì sao « deepfake », kỹ thuật làm giả bằng trí thông minh nhân tạo gây lo ngại cho quân đội các nước. Cảnh báo được tám quốc gia ở tuyến đầu trong cuộc chiến thông tin đưa ra. Thủ tướng Ukraina, Moldova, Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Sec và ba nước Baltic vào cuối tháng Ba đã cùng chính thức gởi thư ngỏ cho các nhà lãnh đạo Big Tech, đòi hỏi phải cảnh giác và có biện pháp để chống lại những tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Lá thư nhấn mạnh việc bóp méo thông tin và sự can thiệp của nước ngoài nhằm gây bất ổn cho các nền dân chủ, phá hoại tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina và Moldova, làm yếu đi sự ủng hộ Kiev trong cuộc chiến chống xâm lược.

« Deepfake » bắt đầu xuất hiện trên chiến trường kỹ thuật số, làm cho một người « nói chuyện » được, mượn tiếng nói của ai đó, hay tạo ra một khuôn mặt mới. Tháng 10/2022, một video giả mạo nữ tổng thống Moldova Maia Sandu nói rằng bà sẵn sàng tuyên bố tổng động viên, mở ra mặt trận mới với quân đội Rumani để chống lại Nga. Tin giả này được các mạng thân Nga lan truyền mạnh mẽ, nhưng vẫn không tìm ra thủ phạm. Trước đó vào đầu cuộc xâm lăng, một video khác trưng ra cảnh tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi những người lính Ukraina đầu hàng. Theo một start-up Pháp, điều đáng lo là những công cụ để tạo ra « deepfake » chỉ có giá vài đô la.

« Đi quá xa », đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị thổi còi

Về mặt ngoại giao, những phát ngôn khiêu khích của đại sứ Trung Quốc tại Paris tiếp tục được báo chí Pháp bàn luận. Le Figaro ghi nhận Khi đại sứ Lư Sa Dã đi quá xa về liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva, Le Monde cho rằng ông ta đã « gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao », còn Libération lưu ý nhân vật này « tự tung tự tác, nhưng đã bị chỉnh đốn ».

Điều hiếm có là những phát biểu của Lư Sa Dã (Lu Shaye) đã khiến các nước châu Âu nhất trí lên án, đồng thời tạo cơ hội gây áp lực lên Trung Quốc về hồ sơ Ukraina. Và sự kiện hiếm hoi khác là Bắc Kinh, không muốn mất mặt, đã có tuyên bố ngược lại với ông đại sứ. Rằng « Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các nước cộng hòa hậu xô-viết », và « Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia này ».

Bắc Kinh sợ làm hỏng « chiến thắng » từ chuyến công du của Macron

Nhà Trung Quốc học François Godement phân tích : « Sau chuyến thăm của tổng thống Macron mà Bắc Kinh coi là một chiến thắng, và vào lúc quan hệ đối tác chiến lược được tái thúc đẩy giữa hai nước, rất đáng ngại khi có một đại sứ phát biểu linh tinh. Chính quyền Trung Quốc sợ rằng mọi chuyện sẽ bị ảnh hưởng ».

Về phía Pháp, phản ứng đến từ nơi cao nhất. Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Bruxelles : « Một nhà ngoại giao không thể nói năng như thế. Vào lúc đã có kiến nghị của 80 nghị sĩ châu Âu đăng trên Le Monde yêu cầu ngoại trưởng Catherine Colonna "tuyên bố đại sứ Trung Quốc là người không được chào đón", bộ Ngoại Giao đã có những hiệu chỉnh rất cứng rắn ».

Đây không phải là lần đầu tiên. Tháng 4/2020, Lư Sa Dã đã bị triệu mời vì nói rằng nhân viên các viện dưỡng lão Pháp « để cho người già chết vì đói và bệnh tật ». Chưa đầy một năm sau, ông ta lăng mạ nhà nghiên cứu Antoine Bondaz. Hung hăng và không ngần ngại bóp méo thông tin, « chiến lang » này, theo ông François Godement, « không hướng về người Pháp mà về phía các đồng chủng của ông ta. Đó không phải là khái niệm ngoại giao ». Còn theo Antoine Bondaz, sự kiện này một lần nữa chứng tỏ Bắc Kinh không hề trung lập trong hồ sơ Ukraina.

Châu Âu độc lập quốc phòng, « giấc mơ không bao giờ thành sự thực »

Đối với tổng thống Pháp, hai tuần sau những tuyên bố gây tranh cãi, tình hình vẫn bất lợi cho ông trên trường quốc tế. La Croix cho rằng Emmanuel Macron đã quên mất thế chiến lược quốc tế mới, và đánh giá quá cao khả năng của mình. Cuộc xâm lăng Ukraina, xung đột Mỹ-Trung, trục Matxcơva-Bắc Kinh làm đảo lộn châu Âu, nhưng Macron liên tục chìa tay về phía Vladimir Putin mà không tham vấn các đối tác, khiến Pháp bị tách rời khỏi phần lớn châu lục. Sự ưu ái quá mức với Tập Cận Bình càng làm Paris thêm cô lập.

Dường như Emmanuel Macron chỉ nhìn thế giới qua lăng kính một tam giác Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu ; mà không quan tâm đến tham vọng của Trung Quốc và Nga nhằm xây dựng một trật tự mới chống phương Tây. Tổng thống Pháp muốn châu Âu là sức mạnh độc lập với Bắc Kinh và Washington, nhưng trước mối đe dọa từ Kremlin, đa số quốc gia trong châu lục ý thức rằng cần có sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Giáo sư Carlo Masala, đại học Bundeswehr nhấn mạnh : « Chủ quyền châu Âu về mặt quân sự là một giấc mơ không bao giờ thành sự thực, hoặc phải chờ nhiều thập niên nữa, vì quá sức tốn kém ».

Sau 15 tháng chiến tranh, ai cũng thấy rằng nếu không có trợ giúp quân sự của Mỹ, một Ukraina độc lập chủ quyền sẽ không còn hiện hữu. Chuyên gia François Heisbourg, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) cho rằng chủ trương tự chủ chiến lược sẽ khả tín hơn, nếu Pháp đi đầu về quân viện cho Kiev ở châu Âu. Cựu đại sứ Michel Duclos nhắc nhở, năm 1961 trong vụ bức tường Berlin và năm 1962 trước khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, tướng De Gaulle không hề gọi cho Khrouchtchev để tìm thỏa hiệp, và Mao thì lại càng không.

Pháp không thể đóng vai lực lượng thứ ba

Élysée cũng đánh giá thấp mối liên hệ giữa các hồ sơ Ukraina, Đài Loan, Iran và hậu quả đối với châu Âu. La Croix dẫn lời giáo sư Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Thomas-More lưu ý, an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ-Thái Bình Dương lệ thuộc lẫn nhau, hơn nữa Pháp còn bị Trung Quốc thách thức tại đây. Thế nên đóng vai lực lượng thứ ba sẽ phản tác dụng.

Nhà báo Anh Philip Stephens nhận thấy, sự kiện nước Đức thống nhất và việc EU mở rộng sang Đông Âu khiến Pháp không thể tự coi là lãnh đạo về chính trị châu Âu. Tư thế thành viên Hội Đồng Bảo An và cường quốc nguyên tử không giúp Pháp tránh được thất bại ở Sahel, Liban, Ấn Độ-Thái Bình Dương và trước Nga. Giới tinh hoa không ảo tưởng về « quân đội đứng đầu châu Âu », nhưng từ nay đến cuối thập niên 2020, chính Ba Lan mới có được lục quân mạnh nhất châu Âu. Và việc mở rộng EU trong tương lai cho Ukraina, Moldova, các nước Balkan sẽ hình thành thế thăng bằng mới.

Một nhà cựu ngoại giao kể ra « bảy mối tội đầu » của ngành ngoại giao Pháp, trong đó có cận thị về chiến lược, ngạo mạn, ảo tưởng…Giáo sư Olivier Schmitt của đại học Nam Đan Mạch khẳng định, Pháp là cường quốc trung bình đang đi xuống. Tốt nhất nên đi theo con đường như Thụy Điển : hạ cánh một cách có kiểm soát, xem xét lại vị trí của mình và chấp nhận những hạn chế. Theo ông, thật là nghịch lý khi thấy Emmanuel Macron, sinh năm 1977, lại đi theo chủ trương lỗi thời của thập niên 60.

Tựa chính báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay được dành cho thời sự trong nước. Le Monde chạy tựa « Macron trước những hoài nghi của phe mình », Le Figaro nhận thấy tổng thống « Macron tìm cách hàn gắn với giai cấp trung lưu ». La Croix cho biết 2.000 cảnh sát và hiến binh chuẩn bị trục xuất những người Comore cư ngụ bất hợp pháp trên đảo Mayotte. Libération nói về vấn đề giám sát kỹ thuật số, còn nhật báo kinh tế Les Echos mô tả cuộc chiến để mua lại chuỗi siêu thị Casino. 



No comments:

Post a Comment