Wednesday, April 19, 2023

'Bất bình' và 'đau xót' khi đạo sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng ở TQ
Huyền Trân
BBC News Tiếng Việt
18.04.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRAN NGOC DONG
Mã số 2244, sắc phong thần ngày 20/5/1844 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4. Vị thần được phong: Từ Đạo Hạnh Đại Pháp Thiền Sư Chi Thần. Đây là một trong số 12 đạo sắc phong sẽ bị rao bán vào ngày 22/04 tới

12 đạo sắc phong mang giá trị lịch sử quan trọng của Việt Nam sẽ được đấu giá 'nốt' vào ngày 22/04 tới tại Trung Quốc.

Chứng kiến cổ vật bị 'chảy máu', hai chuyên gia về di sản ở Việt Nam 'bất bình' và 'đau xót' khi trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt.

Ông Trần Ngọc Đông, thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt cho BBC biết có 89 đạo sắc phong đã được giao dịch xong tại Trung Quốc từ năm 2016 đến 2021, tuy nhiên đến nay vấn đề này mới trở nên rầm rộ.

Cụ thể đã có 10 lần đấu giá từ năm 2016, nhưng tập trung nhiều hơn từ năm 2021 cho đến nay.

Trên website của công ty bán đấu giá Thượng Hải Dương Minh, dùng từ khóa "Việt Nam" có 203 mặt hàng "cổ chỉ" tức giấy tờ xưa của Việt Nam, và tất cả lịch sử các lần gõ búa bán đấu giá.

12 đạo sắc phong được rao bán với giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng tiền VN).

Đợt rao bán 12 đạo sắc phong ngày 22/04 tới là lô đấu giá đầu tiên của mùa xuân. Cục Di sản Việt Nam và các cơ quan chức năng cho biết đang xác minh vụ việc.

Giá trị lịch sử quý giá

12 đạo sắc phong Việt Nam được rao bán vào ngày 22/04 gồm một sắc phong đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất 1740 và 11 sắc phong đời Nguyễn có các niên hiệu từ Thiệu Trị đến Khải Định.

Các sắc phong này đến từ các tỉnh, Phú Thọ (4 đạo sắc phong) của đền Quốc Tế xã Dị Nậu; Hải Dương (3 đạo sắc phong); Hà Nội (2 đạo sắc phong); Hà Nam (1 đạo sắc phong); Thái Bình (1 đạo sắc phong). Đạo sắc đời Lê tạm chưa xác định được địa phương.

Sắc phong là loại văn bản của nhà vua phong chức tước, khen thưởng, hay phong thần và xếp hạng các vị thần. Được sắc phong là một vinh dự to lớn cho bất kỳ ngôi làng, địa phương nào.

Có hai loại sắc phong là sắc phong chức tước và sắc phong thần, được lưu giữ trong các ống quyển tại những ngôi đình.

Với nguyên liệu là vàng, bạc và kim nhũ, loại giấy đặc biệt do họ Lại ở làng Nghĩa Đô thực hiện công phu nên sắc phong có thể tồn tại đến hàng trăm năm.

Các làng xã lưu giữ sắc phong rất cẩn trọng tại những đình đền, do chúng có ý nghĩa rất đặc biệt về mặt tinh thần và tâm linh, và được xem như bảo vật.

Trong các loại sắc phong thì sắc phong thần được xem là quan trọng nhất.



Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đánh giá với BBC News Tiếng Việt, "Đây là những văn bản di sản vô cùng quan trọng, quý giá, không chỉ cho mỗi một địa phương mà còn cho cả Việt Nam, vì góp phần kết nối, phản ánh rõ nét diện mạo lịch sử và văn hóa Việt Nam."


"Các đạo sắc phong đã và sắp bị đấu giá đề cập trực tiếp tới nhiều vị thần linh Việt Nam đặc biệt, như Từ Đạo Hạnh, Tản Viên Sơn tam vị, Bạch Thạch, Minh Kính, Thành Hoàng, Sùng Cơ Tiên Hoàng Đế, Từ Đạo Hạnh, Kim Ngô Đại tướng quân... xuất phát từ vùng đất Tổ Phú Thọ và vùng văn minh châu thổ sông Hồng (Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng)", Tiến sĩ Trần Đình Hằng cho biết.


'Mất trộm' ở Phú Thọ?

Thành viên của ban quản lý đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ trước đây đã đăng tải trên mạng xã hội về vụ mất trộm 39 đạo sắc phong xảy ra khoảng từ ngày 22 đến 23/05/2021.

Có 4 đạo sắc phong của đền Quốc Tế trong số 12 đạo sắc phong được bán đấu giá lần này tại Trung Quốc, theo ông Trần Ngọc Đông.

Đền Quốc tế nổi tiếng với di sản sắc phong đồ sộ, là một trong những ngôi đền có số lượng sắc phong nhiều nhất tỉnh Phú Thọ. Trong đó, sắc phong cổ nhất từ thời vua Lê Chân Tông, với nội dung tấn phong ngài Cao Sơn là Linh ứng đại vương vào năm 1645.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRAN NGOC DONG

Sắc phong Triều Lê có niên hiệu năm Phúc Thái thứ 3 (1645) của đền Quốc tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) khi còn tại đền trước khi bị đánh cắp

Ông Trần Ngọc Đông kể lại với BBC quá trình phát hiện các đạo sắc phong bị mất cắp tại Phú Thọ nhưng lại đang được rao bán tại Trung Quốc.

"Thông báo sự việc mất 39 đạo sắc phong khiến tôi vô cùng hoang mang và tiếc nuối. Tôi đã chủ động xin liên hệ của ban quản lý để nắm bắt được thông tin và hình ảnh tư liệu gốc của sắc phong nếu có, từ đó làm căn cứ so sánh nếu có nội dung liên quan trên mạng xã hội. Thực tế, trong một số nhóm của mạng xã hội Việt Nam cũng có nhiều người đăng tải với mục đích hỏi thông tin về nội dung chữ Hán có trên sắc."

"Rất may mắn là ban quản lý đã làm tư liệu trước đó một tháng nên đã có đầy đủ hỉnh ảnh của 39 đạo sắc phong trong tư liệu của đền đã đóng quyển kèm bản dịch. Theo ban quản lý đền đây là lần đầu tiên các sắc phong được chụp lần lượt chi tiết. Tôi cũng đã đăng tải tư liệu này trên mạng xã hội để chia sẻ nội dung đã cóNGUỒN HÌNH ẢNH,TRAN NGOC DONG
Đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Trong khoảng thời gian hai năm từ khi sắc phong bị mất cắp, ông Đông không thấy các nội dung có liên quan với các sắc phong cùa đền Quốc tế. Tuy nhiên, vào ngày 11/04 ông phát hiện trên mạng xã hội Facebook giới thiệu bản dịch sơ qua một đạo sắc đời Tự Đức của Việt Nam có nguồn hình ảnh từ internet, đặc biệt trên hình của đạo sắc có chèn thêm hình ảnh bản quyền của đơn vị đấu giá.

"Khi đọc đến nội dung của sắc tôi đã phát hiện các địa danh có ghi trong sắc theo quy định viết sắc thời Tự Đức là "Tam Nông huyện, Dị Nậu xã". Bất ngờ với nội dung trên tôi đã tỉ mỉ đối chiếu với tư liệu hình ảnh, nội dung chữ Hán với sắc phong tương ứng đã mất mà tôi có được, ngoài ra cũng đánh giá các quy chuẩn về sắc phong thì có thể thấy hai sắc phong là giống nhau và tạm kết luận không phải hình ảnh sắc giả mạo hay phục chế. Khi tìm hiểu kho lịch sử đấu giá của trang web có đóng bản quyền. Tôi tiếp tục tìm thêm các sắc phong theo địa danh tương ứng và đã tìm thấy 10 sắc phong có ghi địa danh huyện Dị Nâu, huyện Tam Nông."

Sau khi so sánh tỉ mỉ từng sắc phong, kể cả những dấu vết tàn khuyết do thời gian của hai hình ảnh, đặc biệt sắc phong đời Lê niên hiệu Phúc Thái Tam Niên (1645) - sắc phong cổ nhất của đền Quốc tế có cùng đặc điểm của lớp bồi do lần tu bổ sắc phong, cùng xác nhận thêm với ban quản lý tư liệu sắc phong của đền chưa được đơn vị nào scan trước đó, ông Đông phát hiện có sự hoàn toàn trùng khớp giữa 10 cặp sắc phong bị đấu giá và sắc phong bị mất gần hai năm trước.

"Tôi đã thông báo cho ban quản lý đền biết và đăng tải trên trang cá nhân thông tin này", ông Trần Ngọc Đông cho biết.

Rao bán công khai văn bản 'đậm đà bản sắc dân tộc'

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRAN NGOC DONG
Sắc phong thần mã số 2184 có từ năm 1853 đã bị bán ngày 24/12/2022 với giá 4.830 nhân dân tệ trên trang Thượng Hải Dương Minh

Tiến sĩ Trần Đình Hằng cho biết việc rao bán cổ vật ở Việt Nam không phải là vấn đề mới.

"Rất buồn, vô cùng đáng tiếc, đặc biệt là những văn bản chính thống của cha ông đúng nghĩa là phương diện quốc gia thiêng liêng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản lĩnh quốc gia Đại Việt - Đại Nam một thời, nay lại bị rao bán ở hải ngoại."

"Gần chục năm trước, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã cảnh báo hiện tượng mua bán, đặt hàng thu gom các loại hình văn bản chữ Hán có ấn triện, nhất là sắc phong, nhờ đó các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp ngăn chặn, đưa vấn đề này vào chương trình công tác rộng khắp. Khi tôi khảo sát ở đảo Lý Sơn, nhiều người đã cho biết việc thu mua tài liệu Hán Nôm đã có từ lâu. Một câu chuyện dài, diễn ra phổ biến từ lâu, thì tôi nghĩ không chỉ Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam..., mà sắp tới sẽ có nhiều tài liệu cổ tương tự của Việt Nam xuất hiện ở nước ngoài (sưu tập cá nhân, sàn đấu giá, thị trường chợ đen...), với nhiều loại hình, chất liệu, niên đại, chủ thể, địa phương."

Ông Trần Ngọc Đông cho biết nếu tất cả các sắc phong được đánh mã số quản lý và được liệt vào tài sản quốc gia thì sẽ không có hiện tượng một số sắc phong bị kẻ gian trộm cắp, hạn chế được một số "nhà sưu tầm" lưu trữ giao lưu trao đổi cho nhau như sở hữu tư nhân.

"Có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Trong trường hợp sắc phong bị mất do kẻ gian đánh cắp tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tuy rằng trách nhiệm khi phát sinh vấn đề xảy ra việc mất trộm thuộc về địa phương, nhưng trước đó cũng chưa được quy định cụ thể từ Sở Văn hóa về hướng dẫn bảo vệ số lượng sắc quý hiếm này. Nếu đã kiểm tra và biết thông tin sắc phong bảo quản trong đền với hình thức cất trong két sắt là an toàn thì người quản lý di tích cũng không thiếu trách nhiệm mà làm mất hiện vật."

Chụp lại hình ảnh,
Tiến sĩ Trần Đình Hằng (trái) và ông Trần Ngọc Đông (phải) cho biết Việt Nam phải hồi hương khẩn cấp số đạo sắc phong đang bị rao bán tại Trung Quốc

Việt Nam đã có Luật Di sản-Văn hóa ban hành từ năm 2001. Theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Việt Nam nên "cần khẩn cấp xây dựng quy chế, hiện thực hóa việc cấp Căn cước di sản văn hóa" và "hồi hương khẩn cấp" số đạo sắc phong này.

"Vấn đề cấp thiết hiện nay là ngành văn hóa và chủ thể di sản văn hóa cần tham chiếu, vận dung khung pháp lý và thể chế, luật di sản trong nước và các công ước quốc tế có liên quan để đàm phán, hồi hương di sản, như trường hợp Kim ấn triều Nguyễn vừa qua, nhất là theo phương thức ngoại giao văn hóa và xã hội hóa phù hợp", Tiến sĩ Trần Đình Hằng cho biết.

Với tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa nước nhà, ông Trần Ngọc Đông nói bản thân "rất bất bình và đau xót khi một biểu tượng tinh thần và văn hóa bị chà đạp và mong muốn cần có quy định quản lý chặt chẽ sắc phong từ cấp nhà nước."

"Vấn đề trong việc bảo tồn di sản của Việt Nam nằm ở hai nội dung cơ chế quản lý và trình độ quản lý. Điều này bắt nguồn từ tình yêu di sản và hiểu biết di sản. Nhà quản lý không hiểu thì không yêu và không thể có chính sách hợp lý", ông Đông cho biết.

Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về nạn mua bán sắc phong công khai ở Việt Nam để đưa sang Trung Quốc.


Tin liên quan




No comments:

Post a Comment