Báo Hàn Quốc nói Samsung VN dùng hoá chất cấm, báo trong nước im lặng
2023.04.04
RFA
Reuters
Việc xả thải trái phép nhiều chất độc hại từ các nhà máy của Samsung Electronics tại tỉnh Bắc Ninh Việt Nam đã diễn ra trong một thời gian dài. Kết quả phân tích cho thấy các chất độc hại này bao gồm cả những loại chất độc mà chính Samsung cũng cấm sử dụng. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động và người dân sống quanh khu vực.
Truyền thông Hàn cáo buộc Samsung vi phạm ở Việt Nam
Những thông tin nêu trên được hãng tin Hàn Quốc chuyện về phóng sự điều tra Newstapa loan đi trong ngày 16/3 vừa qua. Phóng sự dẫn lời một cựu quản lý về sức khoẻ, môi trường và an toàn tại Samsung Việt Nam, ông này đã đứng ra tố giác các vi phạm của Samsung Việt Nam trong việc sử dụng tràn lan hóa chất độc hại. Một số hành vi bị tố cáo đã sai phạm bao gồm:
- Samsung đã chuyển các rủi ro có thể xảy ra về môi trường làm việc sang Việt Nam và sử dụng tiêu chuẩn kép bằng cách tiến hành các hoạt động tại Việt Nam theo cách mà công ty này sẽ không được phép làm ở Hàn Quốc.
- 48% các sản phẩm hóa chất được sử dụng có ít nhất một thành phần gây ung thư, gây đột biến hoặc độc hại cho sức khoẻ sinh sản. Hoá chất độc hại đã được sử dụng công khai mà không có các phương tiện chứa đựng riêng biệt hoặc tủ hút khí độc, hệ thống thông gió và kiểm soát ô nhiễm không đầy đủ hoặc không có.
- Samsung không xử lý các lỗi thiết kế trong các thiết bị kiểm soát ô nhiễm và cố ý giải phóng hóa chất vào không khí và nước. Các thiết bị bảo hộ cá nhân không đầy đủ hoặc hoàn toàn không có.
Ông Joe DiGangi, tiến sỹ hoá sinh, cố vấn đặc biệt của IPEN (một tổ chức hoạt động nhằm giảm thiểu và loại bỏ tác hại của các hoá chất độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường) khi trao đổi với RFA cho biết:
"Nhà máy đó hoạt động trong hai năm đầu mà không có cách nào xử lý. Họ không cho chất thải vào thùng chứa và cất giữ bằng cách nào đó. Họ (Samsung Việt Nam - PV) đổ đi. Việt Nam không phải của Samsung thùng rác."
Phóng viên RFA đã gởi email yêu cầu Samsung phản hồi về những cáo buộc nêu trên. Ngày 3/4, người phát ngôn của Samsung đã trả lời chúng tôi như sau:
“An toàn là ưu tiên số một của Samsung và các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt của chúng tôi vượt xa các tiêu chuẩn môi trường của mỗi quốc gia nơi mà chúng tôi hoạt động. Chúng tôi cũng cam kết xây dựng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất đối với tất cả các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu.
Chúng tôi cung cấp đầy đủ về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và giáo dục liên quan đến môi trường và sự an toàn, đồng thời giám sát và quản lý việc tuân thủ. Nếu chúng tôi thực sự lo ngại, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục thông qua các cuộc kiểm tra liên tục về an toàn và môi trường nhằm ngăn chặn sự tái diễn thông qua giáo dục về môi trường và an toàn.”
Chúng tôi cũng đã gọi đến Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Ninh để hỏi thêm chi tiết, nhưng không có ai nghe máy.
Truyền thông Nhà nước im lặng
Dù hãng truyền thông Newstapa đã đưa tin từ ngày 16/3, nhưng tới nay báo chí trong nước hoàn toàn im lặng trước các thông tin này. Do đó, Tiến sỹ Joe đã thuyết phục Newstapa thêm phụ đề tiếng Việt vào phóng sự, để thông tin có thể dễ dàng tiếp cận được tới người Việt Nam.
Tiến sỹ Joe cho biết, có một khái niệm cơ bản về an toàn hóa chất được gọi là Quyền được biết:
“Quyền này về cơ bản nói rằng thông tin sức khỏe, an toàn về hóa chất và khí thải hóa chất không được coi là thông tin kinh doanh bí mật.
Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này một thời gian và tôi hiểu mọi thứ có thể trở thành vấn đề chính trị như thế nào. Nhưng điều này không nên được xem là chính trị. Nó là vấn đề về tương lai của đất nước.”
Tiến sỹ Joe thậm chí còn trích dẫn một câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn làm Thủ tướng chính phủ rằng “sẽ không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Bị cáo buộc vi phạm trong thời gian dài
Các vi phạm của Samsung tại Việt Nam được báo cáo đã diễn ra trong một thời gian dài tại nhà máy của Samsung Electronics ở Bắc Ninh.
Đặc biệt, cũng theo phóng sự của Newstapa, vấn đề mùi hôi tại nhà máy Bắc Ninh được phát hiện là do các chất độc hại từ quá trình sơn và in gây ra. Tuy nhiên, có thông tin tiết lộ rằng ban lãnh đạo Samsung đã không có hành động thích hợp trong ít nhất bảy năm sau khi nhận được báo cáo.
Ngoài ra, vào năm 2017, hai tổ chức gồm CGFED (Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển) và IPEN đã công bố một nghiên cứu về điều kiện làm việc ở nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Việt Nam.
Báo cáo này ghi nhận về trải nghiệm của các nữ công nhân làm việc tại hai nhà máy Samsung ở Việt Nam, trong đó có những vi phạm về sức khỏe và môi trường làm việc của gã khổng lồ ngành điện tử. Các công nhân cho biết họ thường xuyên bị ngất xỉu, chóng mặt, sảy thai, đứng liên tục từ tám đến 12 tiếng và phải làm việc theo ca ngày/đêm luân phiên.
RFA cố gắng liên lạc với công nhân nhà máy Samsung Electronics; nhưng những người được tiếp xúc đều từ chối trả lời.
Sau khi công bố báo cáo nêu trên, theo ông Joe, phản ứng từ phía Samsung là cố gắng tìm mọi cách để ngăn chặn thông tin này lan truyền mạnh ở Việt Nam:
“Điều đầu tiên họ làm là đe dọa nhân viên của mình bằng các vụ kiện và sa thải nếu họ nói chuyện với bất kỳ ai bên ngoài công ty về các điều kiện của nhà máy.
Họ doạ kiện chúng tôi. Họ nói rằng chúng tôi đang cố hủy hoại danh tiếng của công ty. Và họ thậm chí còn cho rằng chúng tôi đang cố phá hoại sự phát triển của Việt Nam. Nhưng đất nước rất khó phát triển nếu không khí, đất và nước bị nhiễm chất độc hóa học và con người bị bệnh do tiếp xúc với các loại hoá chất đó.
Khi câu chuyện này cuối cùng cũng bị rò rỉ ở Việt Nam thì điều thứ ba họ làm là chuyển sang chiến thuật tấn công chúng tôi trên báo chí. Và vì vậy về cơ bản họ đã phủ nhận mọi thứ.”
Vào tháng 11/2017, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, cho rằng nhiều nội dung trong báo cáo của IPEN là không có cơ sở. Người đại diện Samsung nói rằng IPEN đã “không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam”.
Theo tiến sỹ Joe, báo cáo về trải nghiệm của các nữ công nhân làm việc tại hai nhà máy Samsung Việt Nam ra mắt hồi năm 2017 với hai bản tiếng Anh và tiếng Hàn, đã được đăng tải trên trang web của IPEN.
Phiên bản tiếng Việt đầy đủ của báo cáo này đã không được phát hành. Nguyên do, theo bà Phạm Thị Minh Hằng, Phó giám đốc tổ chức (CGFED) nói với BBC vào tháng 12/2017 rằng họ được yêu cầu không công bố bản tiếng Việt, vì nó “ảnh hưởng đến hình ảnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
No comments:
Post a Comment