Đài Loan đang lâm nguy trong 'mối tình tay ba'?Tác giả,Rupert Wingfield-Hayes
BBC News
05.04.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tổng thống Thái Anh Văn ở New York để tham dự buổi trao giải cho nhà lãnh đạo vào ngày 30/03
Đài Loan đang bị rơi vào một 'cuộc tình tay ba' nguy hiểm.
Hồi tuần rồi, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được chào đón tại New York. Giờ thì bà sẽ đến California, và sẽ có cuộc gặp quan trọng trực tiếp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.
Thời điểm chắc chắn không phải là sự tình cờ. Tại Mỹ, ngày càng có sự thù địch sâu sắc và dâng cao nhằm vào Trung Quốc. Và điều này đang tạo động lực có thêm thể hiện sự ủng hộ công khai dành cho Đài Loan, khi phe Dân chủ và Cộng hòa đang cạnh tranh nhau.
Đây là lý do quan trọng khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi công du đến Đài Bắc mùa hè năm ngoái, mặc cho điều này đã kích hoạt phản ứng giận dữ từ Trung Quốc. Hòn đảo tự trị này, vốn được Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình, rõ ràng là một điểm nóng xung đột lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Cá nhân tôi rất phản đối chuyến đi của bà Pelosi," Giáo sư William Stanton, cựu giám đốc Viện American Institute ở Đài Loan cho biết. "Việc một chính trị gia cấp cao từ Mỹ đi thăm hòn đảo này như chọc giận Trung Quốc mà không mang lại ích lợi gì. Và hậu quả thì khá đáng sợ."
Các tên lửa của Trung Quốc bay sang hòn đảo này trong bối cảnh Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa vô cùng đáng sợ. Chính phủ các nước trong khu vực bắt đầu thảo luận nghiêm túc về thời gian Trung Quốc xâm lược Đài Loan.
Mặc cho điều này, ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi tháng Giêng, ông McCarthy, một đảng viên Đảng Cộng hòa đã tuyên bố ý định theo gương của bà Pelosi. Nhưng Tổng thống Thái Anh Văn đã quyết định đó không phải là một ý hay, Giáo sư Stanton nói.
"Tôi nghĩ rõ ràng là ông Kevin McCarthy muốn theo hướng của bà Pelosi," ông cho biết. "Nhưng bà Thái Anh Văn nói, 'không cảm ơn, hay là thay vào đó, chúng ta nên uống trà ở California'."
Tổng thống Thái có lẽ chưa muốn có một chuyến thăm gây tranh cãi nữa từ một nhà lãnh đạo Mỹ đến Đài Loan - nhưng bà cũng muốn cho Trung Quốc thấy quốc gia này sẽ không thành công trong việc đóng sập cánh cửa liên lạc giữa chính phủ được bầu theo hình thức dân chủ ở Đài Bắc với một đồng minh mạnh nhất của mình từ Washington.
Và vì thế, cuộc gặp ở California, ông McCarthy chắc chắn không thể xem nhẹ, và gọi đây là cuộc họp "lưỡng đảng", bất chấp lời cảnh báo từ Trung Quốc rằng Mỹ "đang đùa với lửa trong câu hỏi về Đài Loan".
Cái gọi là "nền ngoại giao quá cảnh" [transit diplomacy] rất quan trọng đối với Đài Loan, Tống Văn Địch, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Australia cho biết.
Các năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc chiêu dụ nhiều đồng minh chính thức của Đài Loan, thu hẹp số quốc gia có xác lập quan hệ ngoại giao với Đài Bắc xuống chỉ còn 13.
"Những chuyến đi quốc tế này phù hợp với nhu cầu của xã hội Đài Loan về sự công nhận quốc tế," ông Tống nói. "Khi thiếu vắng sự công nhận quốc tế, những dấu hiệu đại diện khác của quốc tế rất quan trọng đối với người dân Đài Loan."
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chuyến đi của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi's đến Đài Loan vào năm 2022 đã khiến Bắc Kinh giận dữ
Trong lúc đó Đảng Cộng sản Trung Quốc gia tăng chiến lược đắc nhân tâm của mình bằng cách mời người tiền nhiệm của bà Thái là ông Mã Anh Cửu đến công du đại lục.
Ông Mã đã có chuyến tham quan chưa từng có tới năm thành phố của Trung Quốc, bề ngoài là để bày tỏ bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên của mình. Ông Mã đã đến thăm nơi yên nghỉ của họ ở miền trung Trung Quốc. Nhưng chuyến đi này cũng mang ý nghĩa chính trị. Thật sự, đây là lần đầu tiên, một cựu Tổng thống Đài Loan được mời đến kể từ thời Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa kể từ khi quốc gia này được thành lập vào năm 1949.
"Bắc Kinh đang cố gắng làm dịu thái độ đối với Đài Loan... tiến hành đắc nhân tâm, và cũng tránh việc chủ nghĩa dân tộc của Đài Loan gia tăng trong chiến dịch tổng thống năm 2024," ông Tống nhận định.
Chuyến đi của ông Mã, chuyên gia Tống nhận định, đã mang lại "một vỏ bọc chính trị" để thực hiện điều đó.
Khi đáp xuống tỉnh Nam Kinh hồi tuần rồi, ông Mã đã có một bài phát biểu chính trị thật ấn tượng: "Người dân ở cả hai phía eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc. Và cả hai đều là hậu duệ của Viêm Đế và Hoàng Đế."
"Bắc Kinh đang đối đãi tốt đẹp với Mã Anh Cửu bởi vì ông ấy đại diện cho sự chấp nhận thua cuộc," Giáo sư Stanton nói. "Ông ấy nói 'tất cả chúng ta đều là người Trung Quốc'. Đây là điều mà ông ấy và cả người Trung Quốc đều đồng ý, nhưng không phải là điều người Đài Loan đồng thuận."
Rủi ro trong chiến lược của ông Mã là hơn 60% người dân Đài Loan, theo các cuộc khảo sát, mô tả họ là người Đài Loan, không phải là người Trung Quốc.
Nhưng điều này cũng có thể mang lại ích lợi. Các cuộc điều tra cho thấy hơn một nửa người dân Đài Loan tin rằng cuộc chiến với Trung Quốc có thể xảy ra. Và mục tiêu của ông Mã là thuyết phục các cử tri Đài Loan là chỉ có Quốc Dân Đảng (Kuomintang - KMT) có thể giúp tránh được cuộc chiến tranh đó, ông Tống bình luận.
"Điều này là về việc củng cố di sản của ông Mã như một cây cầu nối liền hai bờ eo biển Đài Loan. Và về cấp độ chính trị trong nước, Đài Loan đang bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống. Lập luận mà phía KMT đưa ra là chúng tôi có thể mang lại nền hòa bình với Trung Quốc."
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ông Mã Anh Cửu và những người chị đến thăm mộ của ông mình tại tỉnh Hồ Nam vào ngày 01/04 trong chuyến đi đến Trung Quốc
Thế nhưng vấn đề rõ mười mươi là mối quan hệ đang xấu đi giữa hai người cùng đang theo đuổi Đài Loan là Washington và Bắc Kinh. Mối quan hệ này đang ở mức tệ nhất chưa từng có kể từ khi Mỹ và Trung Quốc chính thức bình thường hóa ngoại giao vào năm 1979, bà Bonnie Glaser, người đứng đầu chương trình Châu Á từ cơ quan nghiên cứu German Marshall Fund of the United States cho biết.
"Họ [Bắc Kinh] đang không nhận cuộc gọi từ Tổng thống Biden hoặc Lầu Năm Góc. Quốc hội Mỹ cũng đã tuyên bố Trung Quốc là một mối đe dọa hiện hữu," bà Bonnie Glaser nhận định.
Trong hàng thập kỷ, Washington đã duy trì được một hiện trạng khá tế nhị, thừa nhận, nếu không phải là ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về một chính phủ Trung Quốc duy nhất - ở tại lục địa. Washington cũng duy trì các mối quan hệ chính thức với chính phủ Trung Quốc, chứ không phải Đài Loan, kể từ năm 1979. Mỹ cũng giữ mối quan hệ đồng minh vững chắc đối với Đài Loan, đảm bảo việc sẽ giúp đỡ hòn đảo này tự vệ.
Thế nhưng điều đáng lo ngại là Trung Quốc hiện tin rằng Mỹ đang bắt đầu thay đổi hiện trạng này - vốn giúp duy trì nền hoa bình tại eo biển Đài Loan trong khoảng 40 năm qua.
"Tổng thống Biden nói với ông Tập Cận Bình là ông ấy sẽ không sử dụng Đài Loan như mọt một vũ khí, và ông không ủng hộ việc Đài Loan tách khỏi Trung Quốc," bà Glaser nói.
Thế nhưng những sự đảm bảo này không có khả năng thành công sau những chuyến thăm cấp nhà nước hoặc cuộc gặp chính thức của Mỹ với giới lãnh đạo Đài Loan, bà Glaser cho biết.
Và trong khi ông Mã công du Trung Quốc và bà Thái uống trà tại California, điều Đài Loan cũng cần là ông Tập nghe điện thoại.
Tin liên quan
Thăm Hoa lục, ông Mã Anh Cửu nói 'chúng ta đều là người Trung Quốc'3 tháng 4 năm 2023
Liệu Trung Quốc có xâm lược Đài Loan?20 tháng 11 năm 2022
Khái niệm 'Hán tộc' có từ bao giờ và để làm gì?31 tháng 8 năm 2019
Chủ tịch Hạ viện Mỹ xác nhận cuộc gặp với bà Thái Anh Văn, bất chấp cảnh báo của Trung Quốc4 tháng 4 năm 2023
Quan hệ Mỹ-Trung 'đang ở mức thấp nhất' kể từ khi bình thường hóa ngoại giao25 tháng 3 năm 2023
No comments:
Post a Comment