Quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm: Vợ con lãnh đạo cũng phải gương mẫu
2023.02.05
RFA
AFP
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có quy định mới về lấy phiếu chính trị trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, bổ sung thêm yêu cầu vợ, chồng, con của lãnh đạo cũng phải chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo Nhà nước hôm 5/2 cho biết Quy định 96 được Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành thay thế Quy định số 262-QD/TW ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Một trong những mục đích chính của việc lấy phiếu tín nhiệm là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngoài ra, theo Quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, giúp cán bộ "tự soi”, "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Quy định mới cũng giữ nguyên một số những điểm trong quy định cũ.
Cụ thể, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ ba giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
Phạm vi, đối tượng là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Có ba mức tín nhiệm ghi trên phiếu là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, và “tín nhiệm thấp”.
Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp (từ 50-66,7%) thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm xét đến hai tiêu chí à phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).
Điểm đáng chú ý là trong quy định mới, ngoài lối sống, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của người bị lấy phiếu, sự gương mẫu của vợ, chồng, con lãnh đạo trong việc chấp hành pháp luật cũng được xem xét.
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào năm 2013 và từ đó đến nay đã tổ chức ba lần lấy phiếu tín nhiệm.
Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XI (2105), Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Ban Chấp hành Trung ương đối với uỷ viên Bộ Chính trị. Sau đó việc lấy phiếu tín nhiệm này lại được tổ chức ở Hội nghị Trung ương 9 vào năm 2018.
Một số nhân sĩ, trí thức, và người dân theo dõi tình hình chính trị ở Việt Nam từng nhận xét với RFA rằng việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng chỉ mang tính hình thức và việc quy định ba mức tín nhiệm không hợp lý khi không có mức “không tín nhiệm”.
Công cuộc chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu thời gian gần đây càng gây chú ý khi ngay trước Tết Nguyên đán vừa qua, ba lãnh đạo cao cấp của Đảng gồm hai phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải xin nghỉ hưu giữa chừng do các sai phạm trong quản lý.
Trong bài phát biểu tại lễ bàn giao chức vụ hôm 4/2 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên ông khẳng định: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận rõ ràng”.
Vụ tham nhũng liên quan đến Công ty Việt Á hiện thuộc diện được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi và chỉ đạo.
theo thông tin từ Bộ Công an, trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 104 bị can, phong toả, kê biên số tài sản, tiền lên tới khoảng 1.700 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến vụ án này, trong số những người bị bắt và khởi tố có cả những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ bao gồm: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
No comments:
Post a Comment