Friday, February 17, 2023

Những đài hương dân lập [17-2-2023]
Huy Đức
17-2-2023
Tiengdan
18/02/2023

Hai cựu binh Trần Anh Đức và Hồ Tuấn trong nghĩa trang liệt sĩ E 567. Ảnh: FB tác giả

Cảm xúc thật khó tả khi lại lang thang Biên giới vào đúng “những ngày 17-2”, nhất là khi trong xe có hai cựu binh, Hồ Tuấn và Trần Anh Đức (Trưởng ban liên lạc cựu binh Trung đoàn 567 tại Cao Bằng).

Trong hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng [mà sau này nhà báo Mai Thanh Hải tìm thấy ở Cục chính sách, Bộ Quốc phòng] ghi chiến tích của Hồ Tuấn là “tiêu diệt hơn 100 tên Bành trướng”. Đồng đội của anh gọi Hồ Tuấn là “Tráng sĩ đèo Khau Chỉa”.

Nhưng, anh là người duy nhất trong danh sách ấy không được phong anh hùng.

Lý do cũng rất là… Hồ Tuấn. Cuối năm 1980, khi “mặt trận tạm thời bình yên”, Hồ Tuấn, lúc này đã nổi tiếng trên báo đài vì liên tục được mời tham gia các cuộc báo công, nhận được tin có quà của bố gửi lên Thị Xã. Anh báo với trung đội trưởng xin nghỉ phép cắt rừng từ đèo Mã Phục, đi bộ gần 20 km, về. Quà là một ký trà và một ít tiền.

Hồ Tuấn nhớ người yêu, đang học ở trường Pháp Lý, hứa, “Khi nào gặp sẽ cho anh… hôn”, bèn bắt xe chạy về Thường Tín. Anh nhớ lại, “Thời đó, ngu lắm, đi mấy trăm cây số mà chẳng dám tới cả cầm tay, nói gì tới… hôn”.

Ngay trong đêm anh tức tốc tìm cách trở lại đơn vị. Chiều hôm sau tới nơi thì mới biết, đêm trước, đại đội báo động, cho là anh đào ngũ, đi tìm náo loạn cả lên. Trung đội trưởng không báo lên đại đội anh về có phép, đại đội phó báo lên Trung đoàn… Anh về, tìm gặp đại đội phó, chỉ nói một câu, “Biết mày đối xử thế, hồi đó tao không cứu, cho bọn Tàu nó bắt mày”.

Trước đó, anh Cương, Chính trị viên đại đội (C16, E567) xách xe đạp đi tìm khắp thị xã. Ông rất muốn Hồ Tuấn được phong anh hùng. Nhưng, đã trễ… Ông Cương quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh [Hồ Tuấn rất muốn tìm lại ông]. Không được… hôn, trượt “anh hùng”, nhưng, Hồ Tuấn cười ha hả, “Anh hùng có khi lại không được sống như chính mình”.

Thượng úy Trần Anh Đức, bám trụ ở Khau Chỉa suốt 12 ngày đêm. Khi trung đoàn 567 được điều sang Vị Xuyên, góp phần làm thay đổi thế trận ở đây bằng trận đánh mở đầu ở cao điểm A6b ngày 31-5-1985, Trần Anh Đức, khi đó là tiểu đoàn phó tham mưu, trụ trên chốt 10 tháng, đánh 73 trận. Khi được chi viện thay thế, tóc anh và những người lính của mình đã dài tới vai và rất ít khi được tắm.

Tác giả cùng ông Hồ Tuấn trong hang Keng Riềng. Ảnh: FB tác giả

Trên cao điểm A6b, khi còn lại một mình, chiến sĩ thông tin Đỗ Quang Thịnh, gọi pháo bắn xuống đầu mình vì quân Trung Quốc đã lúc nhúc bên ngoài công sự. Thượng úy Trần Anh Đức nói, “Anh em vận tải ở Vị Xuyên còn dễ chết hơn cả anh em trên chốt. Có người lính khuân nước lên chốt, nửa đường bị bắn tỉa thủng can nước, đã lấy ngón tay bịt lỗ can nhựa, tiếp tục đưa nước lên… họ còn anh hùng hơn cả những người cầm súng”.

Cả Hồ Tuấn, Trần Anh Đức, Đỗ Quang Thịnh… và hàng vạn thanh niên khác, buông súng là trở về, không ai từng đề nghị xem xét lại các thành tích chiến đấu của mình. “Chúng tôi được trở về là may mắn hơn những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại. May mắn hơn những đồng bào mà chúng tôi đã không bảo vệ được khi giặc tới nhà…”

Mấy năm qua, Ban Liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 567 đã vận động nhau đóng góp, xây một Đài hương trước hang Keng Riềng, tưởng niệm 26 người lính, quân y sĩ và thường dân giúp chăm sóc thương binh, bị quân Trung Quốc chặn cửa hang giết một cách man rợ vào sáng sớm 2-3-1979.

Một Đài hương khác cũng vừa được xây ở Lạc Diễn, xã Hạnh Phúc, huện Quảng Hòa, tưởng niệm 20 bộ đội và văn công [trong đó có 16 nữ], bị quân Trung Quốc giết vào ngày 28-2-1979. “Các chiến sỹ nữ văn công bị đám lính Trung Quốc lao vào xâu xé hãm hiếp, rồi dùng cọc nhọn, lưỡi lê đâm nát thi thể các cô gái. Hai mươi người bị giết hại, các thi thể nữ không một mảnh vải bị chúng phơi ngoài cánh đồng mấy ngày…”.

Ảnh: FB tác giả

Ký ức 17-2 trong lòng những người lính này không bao giờ nguôi. Nhưng, họ được sinh ra không phải để làm lính, không phải để làm anh hùng. Hồ Tuấn nói, “Chúng xâm lược thì phải đánh cho chúng biết thế nào là Việt Nam, nhưng đánh là để có hòa bình”.

Phần thưởng lớn nhất của những người lính là được trở về, sống trong hòa bình, chứ không phải là huân chương. “Chúng tôi muốn làm gì đó cho những đồng đội của mình không có may mắn ấy”, cựu binh Trần Anh Đức nói.

Ảnh: FB tác giả

Cuối giờ chiều, chúng tôi quay lại Tổng Chúp, nơi 43 phụ nữ và trẻ em bị quân Trung Quốc lấy búa đập đầu ném xuống giếng… Trước 17-2-2009, tôi và phóng viên Lê Quang Nhật lần đầu tới đây, chặt bớt cành tre để chụp tấm bia ghi lại tội ác này của quân Trung Quốc. Tấm bia giờ vẫn ở trong lùm tre nhưng đã tuột một đầu đinh, rơi xuống. Lòng giếng khơi đã cạn, tứ bề vẫn cỏ mọc, chưa có lối vào.

No comments:

Post a Comment