Chuyện bây giờ mới kểHoàng Hà
17-2-2023
Tiengdan
Đã mười năm nay, theo thường lệ, hàng năm cứ đến ngày 17/2 là anh chị em chúng tôi lại hẹn nhau đến nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội (Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn) để dâng hoa và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới chống giặc Tàu.
Trong mười năm kể từ 2014, có hai lần tôi không đến nghĩa trang liệt sĩ Nhổn, lí do: năm 2019 chúng tôi theo cụ Nguyễn Khắc Mai lên viếng ở nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), và năm 2022 thì công an chặn cổng nhất định không cho tôi đi.
Ấy là ngày 17/2 năm ngoái, tôi được nhóm bạn phân công mua hương hoa để viếng, khi bị mấy cậu an ninh ngăn không cho đi, tôi đã gọi điện cho cô U. là tổ phó tổ ninh quận đề nghị can thiệp, nội dung: không cho tôi viếng nghĩa trang cũng được, chỉ xin cho tôi đến chỗ hẹn để tôi đưa hương và hoa cho mọi người (100 bông hoa chứ ít gì đâu), vậy mà cô ấy nói báo cáo lãnh đạo nhưng lãnh đạo nhất quyết không cho đi. Thế có ác không? Hương thì không sao, 100 bông hoa đành bỏ. Tôi ức phát khóc, không phải vì tiếc hoa, mà ức vì, chỉ muốn tri ân các liệt sĩ đã bỏ mình để bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc cũng bị ngăn cản quyết liệt.
Đó là chuyện năm trước. Tối qua, gần 11h đêm cậu cảnh sát khu vực nhắn tin hỏi “Cô có nhà không cô?”, và cậu ấy đến tận nhà tôi gọi cửa. Cậu ấy nói cháu đi kiểm tra tạm trú nhà 9D (cách nhà tôi 2 nhà). Tôi bèn nhắn tin cho cô em phây Đặng Bích Phượng “dễ mai chị bị chặn lắm”. Sáu rưỡi sáng nay cô em réo gọi “Thế nào?”/ tôi: “để chị chạy ra cổng xem đã”, rồi về bảo “không thấy mống nào”. Tuy nhiên khi tôi đi chợ về thì thấy 1 cậu đã đứng cạnh ở cổng.
Tôi nói với con dâu: con chở hai bà cháu đi lớp, nếu không vấn đề thì mẹ đi luôn đến nghĩa trang, nếu công an không cho đi thì mẹ về.
Khi đèo tôi qua chỗ cậu an ninh đang đứng, không biết cậu ấy có nhìn thấy tôi không nhưng không thấy cậu ấy bám theo.
Tôi đến nghĩa trang sớm nhất, chỉ thấy rất nhiều an ninh và dân phòng đã ở đó, có một nhóm mấy người nữa tôi đoán là Cựu chiến binh (CCB) cũng đến thắp hương như bọn tôi.
Hôm nay thái độ các cậu an ninh và dân phòng rất dễ chịu, không có ai cà khịa và cãi nhau với những người đi thắp hương như năm ngoái. Chị Nguyên Bình nói với mấy cậu an ninh: chúng tôi đến tri ân liệt sĩ như này cũng là thay cho cả các cậu nữa đấy. Mấy cậu an ninh đều nhẹ nhàng: các bác cứ việc tự nhiên thắp hương đi ạ, chúng cháu không làm gì cả đâu. Chúng tôi đều nghĩ, lệnh trên rồi, chứ trên bảo căng thì bố bảo các cậu này cũng chả dám…
Đến nghĩa trang lại gặp luôn một đoàn CCB của trung đoàn gì đấy (tôi quên tên) đến viếng mộ đồng đội, hai bên làm quen rôm rả, bọn tôi giới thiệu chị Nguyên Bình là trung tá tham gia cuộc chiến, chị giỏi tiếng Trung, có nhiệm vụ lấy khẩu cung tù binh, các anh CCB bên đó ồ cả lên.
Thắp hương ở tượng đài xong các anh CCB đứng tại chỗ hát vang bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, hát xong một anh bảo: trong bài hát này có một câu, sau này vì câu đó mà nhạc sĩ Phạm Tuyên không được xét danh hiệu NSND, đó là câu “quân xâm lược lược bành trướng dã man”, người ta bảo nhạc sĩ thay câu đó nhưng nhạc sĩ nhất quyết không sửa.
Khi thắp hương mộ liệt sĩ, một anh chỉ vào một ngôi mộ và bảo “vừa ăn xong thì bọn nó tấn công, thằng này bị thương vào bụng…”
Một chuyện rất vui nữa, Nguyễn Quang Vinh tìm được mộ người bạn đồng môn con trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Khu liệt sĩ chống Tàu khoảng trăm mộ cơ, những lần trước anh chưa tìm được mộ bạn. Tôi bèn cùng anh Vinh chụp 1 ảnh đứng bên mộ người bạn đó của anh ấy.
Khi về đến nhà thấy cô an ninh quận đang ngồi chờ ở cửa. Cổ nói: cháu biết cô đi viếng nghĩa trang liệt sĩ rồi, nhưng cháu vẫn chờ cô về để hỏi xem tình hình thế nào. Cổ còn nói thêm đại ý: hôm nay nếu không muốn cho cô đi thì cô chẳng thể nào đi được, cấp trên cũng đã có thay đổi. Tôi cũng kể hết cho cô nghe (để cô ấy còn có nội dụng về báo cáo với lãnh đạo)
No comments:
Post a Comment