Bí thư với chatGPT!Lê Huyền Ái Mỹ
7-2-2023
Tiengdan
Hôm nay, trong cuộc gặp mặt “tinh hoa” báo đài thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có đề cập đến ChatGPT, ông nhấn mạnh: “Các nhà báo cần viết nhanh hơn, truyền cảm hứng hơn, song điều quan trọng là không gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp”.
Đúng cả mà cũng… khó đến khó tả, thưa Bí thư. Bởi, thường tin tức thông tấn thì tiêu chí nhanh là đầu tiên nhưng nhanh mà phải đúng nội dung, trúng câu cú, ngữ pháp.
Nội dung của nhiều cuộc họp (cho báo chí dự) ở ta, trong cùng một lĩnh vực cứ na ná nhau về các phần báo cáo, ý kiến phát biểu, kết luận chỉ đạo. Do đó, ở cấp độ thu thập dữ liệu và tạo văn bản (đơn giản) thì ChatGPT – với bộ dữ liệu ban đầu do OpenAI dựng sẵn (300 tỷ từ), rất dễ cho phóng viên ta “ngửi khói”; kể cả động tác share tin “ngay và luôn” cũng khó giải cứu.
Đó là chưa nói, ChatGPT có khi viết đúng hơn và mở rộng dữ liệu hơn.
Còn ở “quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp”, hẳn nhiên nó là “dữ liệu” của riêng mỗi phóng viên, nhà báo. Mà muốn có chừng ấy dữ liệu để thể hiện một cách chuyên nghiệp, trình bày một cách chặt chẽ, khoa học, hợp lý; bày tỏ chính kiến có lập luận, kiến thức, sắc bén thì quả thật biết tích hợp từ đâu, từ ai, đến bao giờ?
Bí thư nhắc đội ngũ làm báo nhưng tôi lại nghĩ thêm một trong các chủ quản; và là chủ quản số 1 của các nhà báo – tuyên giáo. Giá trị cốt lõi của trí tuệ nhân tạo là dữ liệu, dữ liệu nhiều thì ắt sẽ “thông minh”. Vậy để “thông minh” cho lại, cho kịp, cho vượt ChatGPT thì cái tư thế dõng dạc “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” phải lượng hóa thành dữ liệu, phải số hóa từng bước đi của nó, kết quả của “mở đường – thực hiện – tổng kết” ra sao, cho ai, được – chưa được – mất ít – mất nhiều cái gì… Phải minh bạch và chính xác từ thông tin, lý luận đến kết quả thực tiễn thì mới không “nhượng địa” cho con A.I GPT kia.
Chưa kể, cái chính là phải chống các dữ liệu giả, chứ không lẽ lại “phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm nghiêm túc, ra tay nghiêm trị” con A.I GPT vốn chỉ biết ghi nhớ, còn dữ liệu nào đúng/ sai trong từng ngữ nghĩa, tình huống nào thì nó lại không chịu trách nhiệm trước… chủ khoản lẫn chủ quản!
Nhưng, như Bí thư đã nói, quan điểm, ý thức chính trị, chuyên nghiệp thì hẳn tuyên giáo luôn dày dặn, chỉ là cũng như với các nhà báo, thể hiện nó như thế nào trong môi trường mà dữ liệu làm chủ cuộc chơi thì đi trước, đi cùng, đi sau thế kia mà không… đi lạc, lại đi cho đến đích đã là quá tài; vấn đề là có đi vào lòng dân hay không mới là “thông minh” có thật.
Sáng nay, tôi thấy trên bàn chủ tọa có cả chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố. Cũng nhân gợi mở của Bí thư, với tính chất của những cuộc hỏi – đáp, giám sát, phê bình như hiện nay, liệu ChatGPT có làm thay được không? Còn đưa ra phân tích vì sao chưa, vì sao được; giải pháp và liên giải pháp nào để tháo gỡ, khắc phục và kiểm tra tiến độ thực thi (cụ thể là trên từng đầu việc, hạng mục của việc thực hiện Nghị quyết 31) thì đích thị là việc của đại diện cơ quan dân cử thật, cần gì con A.I ảo kia.
***
Năm ấy, vào mùa báo xuân, tôi đọc bản thảo và nhận ra với “tay bút” ấy thì khó có thể viết được cái tứ và hành văn như thế. Tôi tra Google và đúng là copy-paste của một tác giả hơi hơi lớn. Cho nên, ngoài quan điểm, chính trị, chuyên nghiệp còn cả… lòng trung thực nữa – cũng là điều mà Bí thư từng “năn nỉ” thầy cô giáo trước ngày tựu trường năm ngoái.
Trung thực vẫn là “dữ liệu” căn bản nhất của con người, không riêng gì nhà báo, nhà giáo, nhà tuyên… và cả con A.I GPT kia!
No comments:
Post a Comment