Kỳ tài “Phù Cát nhất nghị”Lê Thiếu Nhơn
27-3-2025
Tiengdan
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh một lần nữa phát biểu rúng động xã hội, khi kiến nghị đốt thẻ visa cho người âm chứ đừng đốt vàng mã “chỉ một tờ đó tương đương vài tỷ đồng, đốt một tờ đó là đủ tiền cho người ở dưới dùng”. Đây là ý tưởng đột phá thứ ba mà gần đây ông Nguyễn Văn Cảnh tư vấn cộng đồng.
Ý tưởng đột phá thứ nhất đưa ra tháng 5/2023: Có Nghị quyết cho phép nam đại biểu Quốc hội mặc áo dài ngũ thân tại các phiên họp, khi viếng lăng Bác và trong lễ chào cờ.
Ý tưởng đột phá thứ hai đưa ra tháng 2/2025: Có cơ chế cho người dân đổi nhà lẫn nhau, để thuận tiện sử dụng tuyến metro.
Có một ý tưởng đột phá có thể là may mắn, nhưng có đến ba ý tưởng đột phá thì chắc chắn ông Nguyễn Văn Cảnh sở hữu bộ óc vĩ đại. Thật là phước báu dân tộc, mỗi giai đoạn đều có kỳ tài xuất hiện, giai đoạn nào càng ngột ngạt thì kỳ tài càng rực rỡ.
Ông Nguyễn Văn Cảnh sinh năm 1977 tại Phù Cát, Bình Định. Từ một chủ doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Văn Cảnh trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 (tháng 5/2011) và có bước thăng tiến thần tốc, mà nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh gọi là “hiện tượng Thánh Gióng trong tổ chức cán bộ”.
Cụ thể, ngày 30/3/2013, ông Nguyễn Văn Cảnh nộp hồ sơ xin việc ở Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định. Chưa đầy 5 tháng sau, ngày 15/8/2013, ông Nguyễn Văn Cảnh giữ chức Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Văn Cảnh luôn phát huy lòng tự trọng cao độ “tôi chỉ thực hiện theo sự phân công của tổ chức”. Thế nhưng, ngày 15/2/2017, ông Nguyễn Văn Cảnh xin thôi làm ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, với lý do “về phục vụ cho nhu cầu phát triển doanh nghiệp của gia đình”.
Từ một chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành Đại biểu Quốc hội và có luôn bằng cao cấp chính trị (tức là “môn sinh của Thiên tử”) rõ ràng ông Nguyễn Văn Cảnh xứng đáng được xưng tụng nhân vật lớn nơi đất võ trời văn. Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Cảnh còn có một đặc trưng của kỳ tài: Mở miệng là bùng nổ. Nhờ một câu của ông Nguyễn Văn Cảnh thì bao nhiêu mệt mỏi, chán chường, âu lo, hồi hộp của bá tánh được xua tan hết.
Dù mai này sáp nhập ra sao, thì người Bình Định cũng vinh dự, hồ hởi, phấn khởi đã có thêm một niềm tự hào “Phù Cát nhất nghị” (Nguyễn Văn Cảnh) kế tiếp hai huyền thoại “Tây Sơn tam kiệt” (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) và “Bàn Thành tứ hữu” (Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên).
No comments:
Post a Comment