Chuyến đi nước Việt Đàng Trong năm 1792-1793 (Phần 7)Tác giả: Sir John Barrow
Hồ Bạch Thảo biên dịch
30-3-2025
Tiengdan
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 và phần 6Chương 10: Phác thảo tổng quát về cách cư xử, tính cách và tình trạng của dân bản địa Đà Nẵng (Turon)
2. Hoạt động của người dân nước Việt Đàng Trong – Họ đồng ý và phản đối Trung Quốc ra sao – Cách đối xử với phụ nữ – Hậu quả của việc này – Những điều khoản dễ dàng khi phụ nữ được chuyển cho người lạ – Một số ví dụ.
Rời khỏi nơi trình diễn vào giữa vở kịch, đi bộ qua làng cây xanh, đây cũng là nơi buôn bán; chúng tôi giải trí với các loại thể thao và trò vui đùa. Ngày 4 tháng 6, từng là ngày hội trong phần đất của xứ Đàng Trong; tại một nơi có hàng chục thiếu niên chơi túc cầu với trái banh như cái túi; nơi khác họ biểu diễn nhảy nhanh trên cây dài vắt ngang; chỗ này có đám chơi chọi gà ồn ào; nơi kia trẻ trai bắt chước người lớn dụ chim cút, hoặc chim khác, ngay cả cào cào cấu xé lẫn nhau; và mọi nơi dân cờ bạc chơi đen đỏ bằng quân bài, hoặc ném đồng tiền.
Nhưng trò chơi mà chúng tôi lưu ý nhất là một đám thanh niên trẻ tuổi với trái cầu lông trên không, liên tục dùng chân đá. Thật sự không nơi nào có thể vượt quá hoạt động và năng lượng của những người đàn ông xứ Đàng Trong. Một thủy thủ của tàu Lion cãi cọ với một người trong bọn này; đòi hỏi làm một cái vòng, đánh bốc [boxing] (1) một cách công bằng. Trong khi viên thủy thủ gồng ngang tay, tìm chỗ nhược để đấm gục đối thủ; thì anh người Việt kia, miệng mĩm cười bất ngờ quay gót đá mạnh vào hàm đối phương rồi bỏ đi một cách bình tĩnh; để mặc viên thủy thủ ngạc nhiên và đám đông cười nhạo vui vẻ; đôi chân họ năng động, khéo léo điều khiển không kém phần đáng chú ý. Người chơi tung hứng, làm trò ảo thuật, tạo dáng đứng; biểu diễn nghệ thuật tương ứng để làm vui đám đông và cho lợi ích riêng của họ.
Và chúng tôi đã tìm thấy sự thiệt hại do những người không làm nghề tung hứng, là những tay lành nghề móc túi. Thật đáng sợ, những người tham dự trong ngày, lúc trở về tàu phần lớn bị mất khăn tay bỏ túi, vật này hình như bọn chúng rất thích. Chúng tôi tìm thấy khắp nơi phần lớn những người ăn xin gây phiền nhiễu, thèm muốn không một chút hạn chế nào cho mọi thứ có thể phù hợp với sở thích của họ. Họ không hài lòng với lời từ chối, cũng không ngừng khi có được; đòi hỏi càng cấp bách hơn, khi người cho tỏ ra hào phóng hơn. Cái mà họ không lấy được bằng cách đi xin thì họ cố gắng lấy được bằng cách ăn cắp. Họ không có đức tính giống như dân Sparta (2), đỏ mặt khi bị phát hiện; không thấy họ bị bắt vì tội ăn cắp hoặc bị phát hiện. Hoàn cảnh xảy ra ăn cắp rất phổ quát; ngay cả những sĩ quan nhà nước này đi lên tàu cũng phải coi chừng!
Cố gắng phác họa nét tổng quát về đặc tính của dân tộc này, tôi không thể không nhận thấy sự liều lĩnh bị lôi kéo vào sai lầm. Diễn tả một cách chính xác về cách thức và ý kiến của dân ngoại quốc; theo dấu động cơ hành động của họ, nguồn gốc sự thành kiến; xem xét những tác động do các thể chế dân sự và tôn giáo gây ra đối với tính khí và khuynh hướng của con người, tìm hiểu ý kiến đúng sai về luân lý; cần điều tra quan điểm của họ về hương vị, vẻ đẹp, vui sướng, và những vấn đề khác trước khi thu hoạch đầy đủ sự hiểu biết. Tìm hiểu đặc tính và điều kiện thực không những đòi hỏi phải sống lâu tại nước đó, còn phải quen biết thân mật với các giai tầng trong xã hội; cuối cùng cũng khó mong đợi được một hình ảnh chính xác. Không gì lố bịch hơn một người Pháp mô tả tính cách của người Anh; lại càng vô lý hơn khi người Đức kịch tính hóa nhân vật người Anh. Tuy nhiên, cũng còn một vài dấu ấn đặc trưng chiếm ưu thế ở nhiều người, ta có thể an toàn coi như đó là đặc tính của một quốc gia; và với cách làm như thế, tôi cố gắng rút ra một vài nhận xét về nước Việt Đàng Trong. Những nhận xét này có lẽ mang tính cách địa phương cho phần đất bờ biển chúng tôi đổ bộ.
Điều mà tôi nhận biết về hình ảnh tổng quát nước Việt Đàng Trong vào mấy thế kỷ sau Công nguyên là một thành phần của đế quốc Trung Hoa; hình ảnh chung của dân bản địa về phong tục, chữ viết, tôn giáo, lễ nghi vẫn giữ theo Trung Quốc; các tỉnh phía bắc ảnh hưởng mạnh hơn phía nam. Cũng có một tính chất khác ảnh hưởng nhẹ hơn có thể nhận ra tại Xiêm (Siam), Thái Lan, vùng dân tộc Se-yang, hoặc dân miền Tây; tại Pe-gu có lẽ là Pe-qua hoặc các tỉnh miền bắc, và tại Ava và phần còn lại thuộc đế quốc Miến Điện (Birman). Tại nơi này có sự trộn lẫn giữa phong tục Mã Lai (Malacca) và phong tục Hin đu (Hindoos) tôn giáo phía đông Hindostan, khiến đặc tính Trung Quốc hầu như bị xóa sạch. Người Việt Đàng Trong Đà Nẵng (Turon) bất chấp những cách cư xử buông thả của phụ nữ mà tôi sẽ lưu ý và khuynh hướng tất cả các cuộc cách mạng phải thay đổi trong mức độ lớn hoặc nhỏ, đặc tính của con người, bảo tồn phần lớn những mặt giống với nguồn gốc, nhưng cũng có vài điểm khác rất nhiều.
Chẳng hạn, họ hoàn toàn thống nhất về các nghi lễ cưới xin, tang chế, phần lớn những tôn giáo thần quyền, trong việc dâng hiến thần tượng, tham khảo lời sấm truyền, và trong khuynh hướng chung của việc tìm hiểu về tương lai bằng cách đúc kết nhiều điều, như xua đuổi bệnh tật, trong các bài viết và cách thức chuẩn bị chúng, phong cách tự nhiên về giải trí công cộng và trò tiêu khiển, trong việc cấu tạo và thành phần pháo bông, trong dụng cụ âm nhạc, trò chơi may rủi, đá gà và đá chim.
Tiếng nói của dân nước Việt Đàng Trong dù cùng một nguyên tắc, nhưng thay đổi nhiều so với nguồn gốc, nếu không là toàn thể thì cũng gần như không hiểu được đối với người Trung Quốc; nhưng chữ viết thì hoàn toàn giống nhau. Tất cả những đền miếu mà chúng tôi đã quan sát đều là những kiến trúc khiêm tốn, và không thấy những mẫu vật gắn tại mái cong, tại chùa có tháp, như thường gặp tại Trung Quốc. Nhưng hình như trong nhiều nơi của nước này các tu viện được trang bị đầy đủ; kiến trúc rộng rãi, bao quanh bởi tường để được an ninh hơn. Nhà cửa gần vịnh Đà Nẵng thông thường có 4 vách đất, trên lợp lá, vị trí tại vùng đất trũng, gần sông; thường do 4 cột gỗ, hoặc cột vôi dựng lên, dự phòng tránh sâu bọ hoặc ngập lụt.
Cách ăn mặc của nước Việt Đàng Trong không những trải qua sự thay đổi mà lại còn cắt giảm. Họ không đi giày cao, vớ bông, giày bốt satin; không dùng váy lót nhồi bông, mà luôn luôn đi chân trần. Mái tóc dài đen, giống như người Mã Lai, thì thường kết nút, hoặc khum lên như vương miện. Thật sự theo cách thức thời xưa người Trung Quốc để tóc; cho đến khi người Mãn xâm chiếm nước này bắt làm một việc nhục nhã là cạo sạch đầu, chỉ để một lọn nhỏ đằng sau gáy.
Nước này cũng như Trung Quốc, lấy lời giáo huấn của Khổng Tử làm căn bản luân lý phẩm hạnh chính trực. Tuy nhiên, tại đây hình thức bên ngoài của đạo đức dường như rất ít được quan tâm. Tại Trung Quốc lời giáo huấn được trưng bày một cách hào nhoáng bằng chữ vàng trước mỗi nhà, đường phố và nơi công cộng; nhưng ở đây thì ít thấy và không nghe nói. Thật sự thời xa xưa họ lặp lại nguyên mẫu ngôn ngữ, (hầu như không có người phiên dịch) nên họ không hiểu. Nói tổng quát hạnh kiểm của họ ít bị ảnh hưởng bởi giáo huấn nghiêm khắc của những thứ đạo đức tôn giáo.
Người nước Việt Đàng Trong cũng như người Pháp luôn luôn vui vẻ, ưa nói; người Trung Quốc thì nghiêm khắc suy nghĩ; nhóm trước cởi mở và thân mật, nhóm sau thì khép kín, bảo thủ. Người Trung Quốc coi là điều lăng nhục khi phải giao phó bất kỳ công việc quan trọng nào cho người phụ nữ. Theo ước tính về người Việt Đàng Trong, đàn bà rất phù hợp và được giao phó theo mối quan tâm chính của gia đình. Người Trung Quốc về phương diện lịch sự, cấm đàn bà Trung Quốc nói ngoài việc trả lời, cười cho có lệ, hát khi bắt buộc, riêng khiêu vũ, nàng phải chịu hạn chế về mặt vật lý, khiến cho loại chuyển động này trở nên bất khả thi. Còn ở nước Việt Đàng Trong, người đàn bà hoàn toàn vui vẻ và không bị ức chế, giống như nam giới; có thể kết luận một cách khá chính xác rằng việc này bắt nguồn từ tình trạng xã hội mà địa vị nữ được đặt vào, và sự cân nhắc mà tính cách nữ được giữ trong đó. Tôi sẽ cụ thể hơn trong việc mô tả tình huống được giao cho họ ở đây, ít nhất là trong chừng mực mà phương tiện hạn chế cho phép chúng tôi có cơ hội quan sát hơn là những điểm khác.
Trong vài tỉnh ở Trung Quốc, người ta kết án đàn bà phải làm công việc nặng nhọc hạ thấp phẩm giá, như kéo cày và những công việc vất vả khác. Ở nước Việt Đàng Trong có vẻ như số phận của phái yếu phải gánh vác những công việc đòi hỏi, nếu không phải là sức lực thể chất lớn nhất, thì ít nhất cũng là sự chăm chỉ bền bỉ nhất. Chúng tôi thấy họ ngày lại ngày, từ sáng đến tối, đứng trên ruộng nước đến đầu gối để cấy lúa. Thật sự việc lao động cày xới, và tất cả các công việc khác liên quan đến canh nông, đều có sự đóng góp của phụ nữ nhà nông. Trong khi đó, phụ nữ ở Đà Nẵng, ngoài công việc nhà, họ còn cai quản thêm việc buôn bán. Họ còn phụ giúp xây dựng nhà, tiếp tục sửa chữa căn nhà lá vách đất; họ trông nom sản xuất bình sành; điều khiển thuyền trên sông và trong bến cảng; họ đem những đồ vật ra chợ bán; họ lột bông ra khỏi vỏ, lấy hạt ra, kéo thành sợi, dệt ra vải, nhuộm màu thích hợp, may quần áo cho chính họ và cả nhà.
Hầu như tất cả đàn ông trẻ tuổi bị bắt buộc đăng lính; những kẻ được miễn thì đi đánh cá, hoặc thu thập tổ chim én tại các hòn đảo lân cận, tuy nhiên những người thuộc tầng lớp trên chê công việc rẻ mạt. Đặc biệt, có nhiều người làm những sản vật xuất khẩu sang Trung Quốc, đẵn gỗ, đóng sửa tàu thuyền và những nghề nghiệp khác. Tuy nhiên, những việc này không chiếm hết thời gian, số còn lại hoặc không có việc làm, hoặc chỉ sử dụng để theo đuổi một số việc yêu thích, nhưng họ không hề có khuynh hướng nhàn rỗi.
Nhưng sự chuyên cần của người đàn bà thì không hề suy giảm, họ đeo đuổi nhiều tình huống, sự mệt mỏi họ phải trải qua khốn khó đến nỗi người Việt Đàng Trong thường ví họ trong một câu tục ngữ mà chúng ta dành cho một con mèo, cho rằng một người đàn bà, có chín sinh mệnh, phải chịu rất nhiều sự giết chóc. Thật sự có bằng cớ, lời nói từ những người đàn ông thuộc giai cấp bình thường cho rằng, định mệnh giao người khác phái cho họ dùng; còn những người thuộc đẳng cấp cao hơn thì cho rằng phục tùng theo ý thích của họ.
Người đàn ông tùy tiện cưới một số lượng vợ và thê thiếp, không hạn chế bởi pháp luật hoặc quy định; nhưng ở đây cũng như ở Trung Quốc người vợ thứ nhất, căn cứ vào thời gian hôn phối lâu năm, đứng đầu trong việc nội trợ; các điều khoản mà hai bên thống nhất dễ dàng hơn các điều khoản mà họ có thể chia lìa. Việc bẻ đồng sáu xu giữa hai người yêu nhau chia tay, được coi là lời tuyên bố và cam kết không thay đổi trong giới nông dân ở một số quận của Anh. Tại nước Việt Đàng Trong, việc bẻ một đồng tiền, hoặc bẻ một đôi đũa giữa hai vợ chồng, trước người chứng có thẩm quyền, coi như là sự giải thể hôn ước với hành động chia lìa.
Ở Trung Quốc, người đàn ông cần mẫn thấm nhuần học thuyết dạy rằng, người con gái được nuôi dạy tốt không ra ngoài, nàng tự hạn chế trong phòng; ngay cả khi gặp bà con gần phái nam, nàng cẩn thận không để lộ bàn tay và cổ trần ra; để ngăn ngừa kẻ khác ngắm nhìn, nàng khoác áo choàng phía trên che đến cằm, phía dưới xuống tận đầu gối. Và học thuyết đã khéo léo nghĩ ra những điều răn để thực hiện, đến nỗi những người phụ nữ ngốc nghếch thật sự đã bị thuyết phục khi xem xét sự mất mát bồi dưỡng thể chất khiến họ phải ở trong nhà, lại cho là một thành tựu tuân theo luân lý thời thượng. Ở đây, xét về phương diện này, có sự khác biệt hoàn toàn về mặt giới tính.
Cho đến nay, phụ nữ Việt Đàng Trong không bị tước đoạt quyền tự do sử dụng chân tay hoặc quyền tự do của họ, họ được hưởng cả hai quyền đó ở mức độ đầy đủ nhất. Chắc chắn không có sự ngăn cấm ở nước Việt Đàng Trong, tại nơi này trong một chuyến du lịch, Eudoxus nói rằng anh ta đã thấy chân trần phụ nữ, chúng có thể được phân biệt bằng tên “chân con đà điểu”, những bước chân trần dồn dập có vẻ trở nên to lớn bất thường và lan rộng ra. Nhưng cái tên này có thể đủ khéo léo để áp dụng cho bàn chân của những người phụ nữ Trung Quốc, những người này bàn chân bị che khuất không xác định và cục mịch không giống như chân đà điểu.
Quan niệm cực đoan thường gần đúng; cùng một nguyên nhân mà ở Trung Quốc hoạt động với sự cô lập hoàn toàn của giới tính khỏi xã hội và sự hạn chế sức mạnh thể chất của họ, đã tạo ra ở nước Việt Đàng Trong một hiệu ứng hoàn toàn ngược lại, bằng cách cho phép họ tận hưởng, không kiểm soát trong mọi loại phóng đãng. Nguyên nhân này là họ bị hạ thấp trong dư luận, và bị coi là có bản chất thấp kém hơn so với nam giới. Bản chất này trở nên không có giá trị gì đối với họ hoặc với người khác, và theo mọi lý lẽ, có vẻ như họ hoàn toàn nhận thức được sự không quan trọng của nó trong khía cạnh này. Hậu quả là, những người phụ nữ ít cẩn thận hơn, hoặc những người đàn ông dễ tính hơn, chắc chắn sẽ không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ngoài những người ở vùng phụ cận vịnh Đà Nẵng.
Tuy nhiên, hy vọng rằng tính cách chung của quốc gia có thể không hoàn toàn tương ứng với tính cách thịnh hành tại nơi này, một trong những thị trấn hải cảng đông đúc nhất. Sự khoan hồng đặc biệt, được ban hành theo luật pháp của Solon (3), cho phép phụ nữ trẻ xử lý các ân huệ cá nhân, với mục đích giúp họ có thể mua được những mặt hàng thiết yếu hàng đầu cho bản thân hoặc gia đình họ; được người Việt Đàng Trong chấp thuận mà không có bất kỳ giới hạn nào về độ tuổi, điều kiện hoặc mục đích. Không phải chồng, cũng không phải cha, có bất kỳ chút do dự nào khi bỏ rơi vợ hoặc con gái cho người đàn ông hào hoa của cô ta. Không phải Galba (4), khi ông ta lịch sự ngủ thiếp đi (chuyện do Plutarch (5) kể lại) vì sự náo loạn của Mecaenas, và khiển trách người hầu của mình vì đã vô lễ lắc lư các tấm đĩa để đánh thức ông ta, để ông có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra. Có thể thoải mái hơn, một người chồng Việt Đàng Trong, người mà có thể áp dụng đúng những dòng sau của Horace (6), trong đó ông mô tả cách cư xử trụy lạc của người La Mã:
“Người chồng chủ động mời cô ấy đi,
Khi một số nhân vật giàu có ve vãn cô ấy,
Và gọi những kẻ phóng đãng vào vòng tay của mình,
Sau đó hoang phí của cải và danh vọng,
Mua sự xấu hổ khá đắt giá“.
Nguyên văn:
“The conscious husband bids her ride,
When some rich factor courts her charms,
And calls the wanton to his arms,
Then prodigal of the wealth and fame,
Profusely buy the costly shame.”
Những nhận xét về sự thờ ơ của đàn ông đối với danh dự và sự trong trắng của phái nữ; cũng như bản chất buông thả và phóng đãng của phái nữ vốn là hậu quả tất yếu của nó, không chỉ giới hạn ở những người dân thường, mà còn áp dụng mạnh mẽ hơn đối với những người đứng đầu trong xã hội, các viên chức chính phủ. Những người này hoàn toàn trụy lạc như quan lại Trung Quốc, thậm chí không để lại vẻ ngoài đàng hoàng mà họ cần phải tuân thủ.
Về lợi ích mà họ có, để chuyển giao những người phụ nữ của họ cho người lạ, nhóm của chúng tôi đã thu thập được một số trường hợp kỳ cục. Sau đây, trong số nhiều trường hợp khác, khái niệm khá tốt có thể được thu thập về giá trị được đặt vào họ theo quan điểm tiền tệ.
Một hôm, viên sĩ quan tàu Lion lên bờ để mua một cặp bò đực cho công ty trên tàu. Khi giá cả đã định 10 đô la một con, viên sĩ quan đếm tiền trước mặt viên quan địa phương rồi nhận bò. Viên quan nhận tiền rồi phái vài người hầu của mình đi, chẳng mấy chốc họ quay trở lại với một cô gái trẻ xinh đẹp; rồi viên quan trao cô này cho viên sĩ quan. Cho dù viên sĩ quan khiêm tốn này có quá sốc trước giao dịch trắng trợn và khiếm nhã như vậy hay không; hoặc liệu ông ta có đủ tiền để trả giá cho những con bò đực hay không thì cũng không liên quan đến mục đích này. Sự kiện có thể thấy rằng anh ta thích bổn phận của mình hơn là mua người phụ nữ, và hơn là sự ngạc nhiên giả tạo của viên quan, người mà anh ta hiểu cô ấy là vợ hoặc là con gái.
Một đàn ông khác, một hôm trên đường từ thành phố trở về đi dọc bờ sông, có một người đàn bà lớn tuổi theo anh ta, ra hiệu cho anh đi đến mái nhà tranh, đưa anh xem con gái mình, gần như lộ liễu cả tòa thiên nhiên (7); còn người đàn bà lớn tuổi thì mắt sáng lên với đồng dollar Tây Ban Nha.
Chú thích:
1. Đánh bốc: Tức boxing hay quyền anh, môn võ thuật từ Tây phương.
2. Sparta: Tên thành phố cổ Hy Lạp.
3. Solon: Chính trị gia, luật gia, thi sĩ người Hy Lạp [630-560 BC] chủ trương cởi mở về luân lý.
4. Galba: Hoàng đế La Mã, sinh ngày 24-12-03 trước Công nguyên, mất ngày 15-1-69 sau Công nguyên.
5. Plutarch: Triết gia, sử gia Hy Lạp [46-119].
6. Horace: Thi sĩ nổi tiếng người Ý, sinh ngày 8-12-65 trước Công nguyên, mất ngày 27-11-8 TCN, thọ 56 tuổi.
7. Hai sự kiện mà tác giả nêu lên, chỉ là trường hợp bán dâm cho người nước ngoài. Nơi nào trên thế giới cũng có thể xảy ra; người dẫn mối thường bảo cô gái là con mình.
No comments:
Post a Comment