Saturday, March 29, 2025

Động đất chưa từng có từ nhiều thập niên tại Miến Điện: Tập đoàn quân sự kêu gọi quốc tế cứu trợ
Minh Phương
Đăng ngày: 29/03/2025 - 13:20Sửa đổi ngày: 29/03/2025 - 18:32
RFI

Theo thông báo hôm nay 29/03/2025 của chính quyền quân sự Miến Điện, trận động đất hôm 28/03 đã khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 2.300 người bị thương. Số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng mạnh. Trước tình hình đó, lãnh đạo chế độ quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, trong một động thái hiếm có, đã kêu gọi “mọi quốc gia, mọi tổ chức” viện trợ Miến Điện.

Một khu nhà đổ nát sau trận động đất tại Mandalay, Miến Điện, ngày 28/03/2025. AFP - STR

Các nhà địa chất học của Mỹ cho biết chưa bao giờ một trận động đất có cường độ mạnh như vậy xảy ra ở Miến Điện tính từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Tại Mandalay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có hơn 90 người được cho là mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà cao 12 tầng. Những cơn rung chấn mạnh đến mức khiến hàng triệu người dân ở Bangkok, Thái Lan, cách tâm chấn 1.000 km, cũng rơi vào cảnh hoảng loạn.

Chính quyền quân sự Miến Điện đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời kêu gọi quốc tế giúp đỡ. Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia đã cho triển khai lực lượng cứu trợ đến Miến Điện. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để viện trợ nhân đạo và giúp nước này phục hồi sau thảm họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hứa Washington sẽ giúp đỡ người dân Miến Điện.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nguy cơ chính quyền quân sự sẽ chỉ phân phát viện trợ ở những khu vực mà họ kiểm soát. Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Johanna Chardonnieras, thuộc tổ chức phi chính phủ “Info Birmanie” nhận định :

“Đáng buồn là chế độ quân sự ở Miến Điện đã nhiều lần lợi dụng các thảm họa tự nhiên. Do vậy, các quốc gia và tổ chức quốc tế sẵn sàng giúp đỡ người dân Miến Điện sau trận động đất này thực sự phải chú ý để đảm bảo rằng viện trợ không chỉ do các cơ quan của chế độ quân sự quản lý. Quốc tế có thể viện trợ Miến Điện thông qua nhiều cơ quan khác như các tổ chức phi chính phủ hay các nhóm vũ trang sắc tộc tham gia công tác nhân đạo trên quy mô toàn quốc.

Mọi người từng chứng kiến chế độ quân sự phân phát viện trợ nhân đạo quốc tế chỉ ở các khu vực dưới sự kiểm soát của họ, nhưng lại ngăn chặn cấp phát viện trợ ở các khu vực không thuộc quyền kiểm soát của quân đội. Tập đoàn quân sự yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ để được nhận viện trợ nhân đạo, điều này cho phép họ kiểm soát và xác định người nhận. Chính quyền quân sự rất hay làm như vậy, họ chặn dòng viện trợ trong nhiều tháng, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và thuốc men ở các khu vực mà họ không kiểm soát được.

Với thảm họa thiên nhiên lần này viện trợ cần phải được phân phối đến tất cả các khu vực.”

No comments:

Post a Comment