Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chống lại việc xóa hồ sơ liên bang trong vụ trò chuyện trên Signal
The Hill
Tác giả: Alexander Bolton
Dương Lệ Chi chuyển ngữ
28-3-2025
Tiengdan
Lời bình của Tiếng Dân: Vụ bê bối của các quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ khi thảo luận về cuộc tấn công phiến quân Houthis, trong nhóm trên Signal, không chỉ gây lo ngại cho an ninh nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới các nước đồng minh của Mỹ. Các nghị sĩ trong Quốc hội Anh đặt câu hỏi: “Liệu nước Anh có còn tin tưởng để chia sẻ bí mật với nước Mỹ nữa không?“
Trong khi đó, Israel, một nước đồng minh thân cận với Mỹ cũng lo ngại không kém. Mossad, cơ quan tình báo quốc gia của Israel nói rằng, họ “không thể tin tưởng Mỹ” về khả năng bảo mật thông tin, và một số quan chức Israel bị sốc qua vụ bê bối ở Mỹ. Các quan chức Israel tức giận vì kế hoạch tấn công Houthis bị rò rỉ, bởi họ là người trong cuộc, đã cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ thực hiện cuộc tấn công này.
Ngược lại, phía chính quyền Trump coi nhẹ vấn đề khi ông Trump và các nhân vật chính trong vụ bê bối này cho rằng, thông tin mà họ trao đổi trên Signal không phải là thông tin mật. Bà Pam Bondi, Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền Trump cũng cho rằng, thông tin chia sẻ trên Signal không phải là thông tin mật và bà từ chối mở cuộc điều tra về vụ này.
Trả lời Fox News tối thứ Năm, bà Bondi nói: “Tôi nghĩ Signal là một phương tiện giao tiếp rất an toàn. Tôi không nghĩ các đối thủ nước ngoài có thể hack Signal, theo như tôi biết“.
Dân biểu Jimmy Gomez, từ California, viết trên Twitter: “Tin tặc không cần phải hack Signal, chúng có thể hack vào điện thoại của bà. Sau đó, chúng có thể nhìn thấy màn hình điện thoại của bà và thậm chí truy cập vào camera và microphone của bà. Cho nên, Pam, nếu bà có thể đọc tin nhắn của mình trên Signal, thì Trung Quốc và Nga có thể đọc được tin nhắn của bà trên Signal”.
Thật đáng lo ngại khi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đặt vào tay của các nhân vật hàng đầu đất nước này. Những ai có chút kiến thức về IT cũng có hiểu những điều sơ đẳng đó, thế mà các quan chức chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia của Mỹ không hiểu và chính sự thiếu hiểu biết này có thể khơi mào cho các cuộc tấn công của tin tặc từ Nga và Trung Quốc. Hoặc có thể họ hiểu nhưng họ xem nhẹ vấn đề, rằng an ninh quốc gia không quan trọng bằng cái ghế của họ. Nói theo cách của GS Ngô Bảo Châu, hoặc là họ bị thần kinh, hoặc là họ khốn nạn. Nhưng chúng tôi cho rằng: Có thể cả hai!
Sau đây là bài dịch: “Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chống lại việc xóa hồ sơ liên bang trong vụ trò chuyện trên Signal“:
***
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc trò chuyện nào diễn ra giữa các quan chức cấp cao của chính quyền Trump về ứng dụng thương mại Signal đều cần phải được lưu giữ để xác định xem thông tin mật có bị xâm phạm hay không và tuân theo Đạo luật Hồ sơ Liên bang.
Chủ tịch Quân ủy Thượng viện Roger Wicker (Đảng Cộng hòa – bang Missouri) cho biết, ông đang phối hợp với Thượng nghị sĩ Jack Reed (Đảng Dân chủ – bang Rhode Island), thành viên cấp cao của ủy ban, soạn một bức thư, chỉ thị cho chính quyền Trump lưu giữ tất cả các hồ sơ liên quan đến cuộc trò chuyện trên Signal giữa các quan chức cấp cao, về cuộc tấn công quân sự vào phiến quân Houthi.
Thượng nghị sĩ Wicker nói: “Chúng tôi đang soạn thảo một bức thư khác về việc lưu giữ tài liệu“.
Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết, bức thư liên quan đến việc lưu giữ tài liệu đã được gửi đến chính quyền Trump hôm thứ Năm [ngày 27-3-2025].
Thượng nghị sĩ Wicker và Reed đã gửi một bức thư khác hôm thứ Tư tới văn phòng Tổng thanh tra của Lầu Năm Góc, yêu cầu Bộ Quốc phòng cung cấp đánh giá chi tiết về các sự kiện và hoàn cảnh xung quanh cuộc trò chuyện trên Signal, có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và các quan chức cao cấp khác.
Họ viết: “Cuộc trò chuyện này bị cáo buộc là có thông tin mật, liên quan đến các hoạt động quân sự nhạy cảm ở Yemen. Nếu đúng như vậy, báo cáo này đặt ra câu hỏi về việc sử dụng các mạng lưới không được bảo mật để thảo luận về thông tin nhạy cảm và thông tin mật, cũng như việc chia sẻ thông tin đó với những người không có quyền truy cập thông tin mật và những người cần biết đến thông tin mật đó”.
Họ yêu cầu đánh giá một cách cụ thể, xem liệu có cá nhân nào chuyển thông tin mật, bao gồm cả thông tin chi tiết hoạt động, từ hệ thống mật sang hệ thống không mật hay không.
Yêu cầu của các nhà lãnh đạo Quân ủy Thượng viện đối với chính quyền Trump về việc lưu giữ tất cả các tài liệu liên quan đến cuộc trò chuyện có thể đặt nền tảng cho cuộc điều tra tiếp theo của Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Wicker cho biết, hội đồng của ông sẽ tổ chức một “cuộc họp mật” về vấn đề này nhưng vẫn chưa nói liệu ông có đồng ý tổ chức phiên điều trần công khai hay không — một số đảng viên Dân chủ trong hội đồng của ông đã yêu cầu điều này.
“Tôi đang làm việc trong Lực lượng Vũ trang… vì vậy tôi muốn thấy Bộ trưởng Quốc phòng ra trước Ủy ban của chúng tôi để trả lời một số câu hỏi và giải thích lý do tại sao ông ta quyết định làm như vậy”, Thượng nghị sĩ Mark Kelly (đảng Dân chủ – bang Arizona) nói.
Ông Kelly nói thêm: “Tôi muốn hiểu động cơ của ông ta là gì. Ông ta hiểu gì về Signal? Chúng ta có thể huấn luyện để ông ta [hiểu thêm] được không? Tôi nghĩ ông ta nên từ chức vì vụ này”.
Thượng nghị sĩ Kelly từng là một phi công hải quân chiến đấu, được tặng thưởng nhiều huân chương, gọi việc rò rỉ thông tin chi tiết về hoạt động trên Signal là “một trong những sai lầm lớn nhất về ‘bảo mật trong hoạt động’,” mà ông có thể nghĩ tới, kể cả trong suốt thời gian 25 năm ông phục vụ trong Hải quân.
Tranh cãi lớn nhất về việc các quan chức chính quyền Trump sử dụng Signal là, liệu họ có làm tổn hại đến an ninh quốc gia hay thậm chí vi phạm Đạo luật gián điệp hay không, khi tiết lộ thông tin chi tiết về hoạt động của một cuộc tấn công quân sự trước khi nó xảy ra, trong một cuộc trò chuyện nhóm, có sự tham gia của tổng biên tập báo The Atlantic.
Nhưng các nhà lập pháp đang tập trung vào câu hỏi, liệu các quan chức cấp cao của Trump có tuân theo luật lưu giữ hồ sơ liên bang hay không, khi thảo luận thông tin chi tiết về hoạt động của một cuộc tấn công quân sự trên một ứng dụng thương mại, cho phép tự động xóa tin nhắn sau một khoảng thời gian.
Việc tuân theo Đạo luật Hồ sơ Liên bang là trọng tâm của cuộc tranh cãi về việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sử dụng máy chủ email riêng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Một cuộc kiểm tra của Bộ Ngoại giao năm 2016 phát hiện rằng, bà Clinton đã không tuân theo Đạo luật Hồ sơ Liên bang vì bà đã không giao nộp email về công việc của Bộ Ngoại giao trước khi rời khỏi chính phủ.
Đạo luật Hồ sơ Liên bang được ban hành năm 1950 để bảo đảm các hồ sơ quan trọng được lưu giữ, nhằm cung cấp cho công chúng về lịch sử các hồ sơ trong quá trình ra quyết định của liên bang.
Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Đảng Cộng hòa – North Carolina) cho biết, điều quan trọng là chính quyền Trump phải tuân theo luật lưu trữ hồ sơ liên bang. Ông Tillis nói: “Chúng ta phải làm như vậy. Chúng ta luôn có thể chỉ ra những sai sót trong chính quyền Biden, nhưng tôi không muốn chạy đua đến mức đó. Tôi muốn chúng ta phải tuân theo một tiêu chuẩn cao hơn“.
Thượng nghị sĩ Tillis hoan nghênh nỗ lực của Thượng nghị sĩ Wicker trong việc điều tra vụ bê bối, mà nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa gọi là một “sai lầm” lớn và một “sự tệ hại”.
Ông Tillis nói: “Tôi đồng ý với Thượng nghị sĩ Wicker rằng, chúng ta nên xem xét vụ việc và để sự thật tự nói lên điều này. Điều đó có lý“.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (đảng Cộng hòa – bang Alaska), một thành viên của Quân ủy Thượng viện, cho biết, nhóm an ninh quốc gia của Trump cần phải “nâng cao trình độ” hơn.
“Rõ ràng là họ đã phạm sai lầm. Họ phải làm tốt hơn“, ông nói.
Thượng nghị sĩ Sullivan, cựu đại tá trong Lực lượng Dự bị Thủy quân Lục chiến, nói rằng, bảo mật trong hoạt động, hay OPSEC, “thật sự quan trọng và họ nên sửa chữa sai lầm này“.
Chủ đề lưu giữ hồ sơ đã được nêu ra tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Ba, nơi Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và Giám đốc CIA John Ratcliffe, hai viên chức chính quyền tham gia vụ trò chuyện trên Signal về cuộc tấn công Yemen, đã ra điều trần.
Ông Ratcliffe nói với các nhà lập pháp rằng, cơ quan của ông đã thực hiện các bước để lưu giữ hồ sơ về các cuộc trò chuyện chính thức.
Thượng nghị sĩ James Lankford (đảng Cộng hòa – bang Oklahoma), một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói: “Điều đó thật sự đã xảy ra trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo. John Ratcliffe nêu vấn đề này, nói rằng họ đang sử dụng Signal theo cách phù hợp với luật liên bang, nơi họ có thể lưu giữ hồ sơ về cuộc trò chuyện“.
Ông Lankford lưu ý rằng, Signal có chức năng cho phép tự động xóa tin nhắn sau một thời gian ngắn.
“Họ phải có khả năng lưu hồ sơ đó cho mục đích [lưu giữ hồ sơ]”, ông nói.
Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm [27-3-2025] đã ra lệnh cho chính quyền Trump “nhanh chóng nỗ lực hết sức” để lưu giữ mọi thông tin liên lạc qua Signal, liên quan đến cuộc trò chuyện của các quan chức cao cấp về kế hoạch quân sự.
James Boasberg, thẩm phán Tòa án District Court for the District of Columbia của Hoa Kỳ, đã ban hành phán quyết này để đáp lại vụ kiện của American Oversight, một nhóm ủng hộ sự minh bạch của chính phủ.
Nhóm này lập luận rằng, cuộc thảo luận về Signal đã vi phạm Đạo luật Hồ sơ Liên bang.
“Công chúng có quyền biết các quyết định về chiến tranh và an ninh quốc gia được đưa ra như thế nào — và trách nhiệm giải trình không biến mất chỉ vì một tin nhắn được đặt ở chế độ tự động xóa“, Chioma Chukwu, giám đốc điều hành của nhóm, cho biết trong một tuyên bố.
Boasberg, thẩm phán của tòa án D.C. District, hồi đầu tháng này đã ban hành lệnh dừng hai chuyến bay trục xuất những người di cư Venezuela bị nghi ngờ là thành viên băng đảng, đến El Salvador.
Các chuyến bay vẫn tiếp tục đến đích sau khi dừng chân ở Honduras, bất chấp phán quyết của ông.
Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ hôm thứ Tư đã bỏ phiếu với tỷ lệ 2-1 để duy trì lệnh của thẩm phán Boasberg chống lại chính quyền Trump, khi chính quyền viện dẫn Đạo luật Kẻ thù Bên ngoài [ban hành năm 1798, cách nay 227 năm] để trục xuất một nhóm người Venezuela mà không cần xét xử.
No comments:
Post a Comment