Elon Musk đang chỉnh đốn hay phá hoại nước Mỹ ?Thụy My
Đăng ngày: 31/03/2025 - 00:00Sửa đổi ngày: 31/03/2025 - 11:08
RFI
Sự kiện chính quyền Trump đóng cửa thô bạo USAID khiến cần phải xem xét lại mô hình viện trợ quốc tế, tại Pháp vấn đề bệnh tâm thần, tư pháp dưới áp lực, cuộc chiến âm thầm trong giới bóng đá là một số hồ sơ được các tuần báo Pháp chú ý. Ở các trang trong, tình hình nước Mỹ và Ukraina vẫn được dành cho rất nhiều đất.

DOGE của Musk làm hoạt động chính quyền hỗn loạn
The Economist đặt câu hỏi « Elon Musk đang chỉnh đốn chính phủ hay phá hoại ? ». Trên trang bìa tuần báo, một con đại bàng đầu trắng bị một chiếc xe đang chạy với tốc độ cao tông vào rất mạnh, lông rụng tơi tả. Chú chim vốn là biểu tượng quốc gia của Hoa Kỳ bị chiếc Cybertruck đồ sộ của Tesla, công ty của Elon Musk, mang bảng số « DOGE » đụng phải.
Với « Bộ Hiệu quả Chính phủ », Elon Musk được cho là sẽ cải cách cơ bản bộ máy chính quyền Hoa Kỳ. Ngược lại, nhà tỉ phú trước đây đã làm biến đổi ít nhất hai lãnh vực, trong hai tháng qua đã làm cho chính quyền trở nên kém hiệu quả hơn. Điều này khiến người ta tự hỏi liệu cuộc cải tổ của Musk phải chăng chỉ là sự « phá hủy » hay không.
Cho đến nay, DOGE hăng hái vi phạm các quy định, đưa ra những cáo buộc sai lạc về lãng phí, thâu tóm các dữ liệu cá nhân được pháp luật bảo vệ. Xì-căng-đan lớn nhất trong tuần, vụ Signalgate tuy không liên quan, nhưng khiến người ta càng nghi ngờ về năng lực những người thân cận Donald Trump trong việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng với ý thức trách nhiệm.
Hoa Kỳ : Tổng thống mạnh hơn, Quốc Hội yếu hơn
Điều hành chính phủ không giống như điều hành công ty, vì có cần phải phục vụ công dân chứ không chỉ nhắm đến lợi nhuận. Trong khi đó các thanh tra có nhiệm vụ phát hiện gian lận và lãng phí đã bị sa thải. Quá nhiều vụ cắt giảm chi tiêu công rốt cuộc không phải như những tuyên bố ồn ào, chẳng hạn một hợp đồng 8 tỉ đô la bị hủy trên thực tế chỉ có 8 triệu đô la. Tệ hại nhất là các hành động của DOGE cho đến nay chừng như không nhằm cải thiện hoạt động chính phủ, mà để mở rộng quyền hạ tổng thống và tiêu diệt những ý tưởng bất đồng. Chẳng hạn việc giải thể USAID (cơ quan phát triển Hoa Kỳ) và Bộ Giáo dục.
The Economist đưa ra ba kịch bản. Khả năng thứ nhất: Cũng như Tesla và SpaceX từng bị các đối thủ chế giễu trong những ngày đầu, DOGE sẽ dần vượt qua theo với thời gian. Thứ hai: Musk sẽ phá hủy chính quyền. Kịch bản thứ ba, và có khả năng xảy ra nhất, là DOGE sẽ sa lầy tại tòa án, nhiều viên chức có năng lực sẽ bị sa thải hoặc từ chức. Nước Mỹ sẽ có một tổng thống mạnh mẽ hơn và một Quốc hội yếu hơn. Tờ báo kết luận,
Tuần báo Anh cho rằng thật đáng tiếc, khi Elon Musk không còn là « nhà sáng tạo thiên tài của đầu những năm 2010 », mà là phiên bản bị chính mạng xã hội của mình (X, mà ông đã mua vào năm 2022) làm cho trở nên cực đoan hơn. Musk tán tỉnh các phong trào độc tài và mắc kẹt trong cùng một tư duy đảng phái, làm tê liệt tâm trí như hàng triệu người kém tài năng hơn ông. The Economist cũng dành hai bài viết khác về cuộc tấn công vào giáo dục, và vai trò của Elon Musk trong việc giải thể các cơ quan liên bang lâu đời như Viện Hòa bình Hoa Kỳ.
Đảng Dân Chủ Mỹ vẫn còn choáng váng
Về phía đối lập, trong bài xã luận mang tựa đề « Nốc-ao kéo dài », Libération cuối tuần dẫn lời một chuyên gia khi được hỏi về tình trạng hiện nay của đảng Dân Chủ Mỹ, là « hoàn toàn hỗn loạn ». Báo chí dùng chữ « mất tích » để chế giễu sự im lặng của Kamala Harris sau khi thất cử cho đến nay.
Những người bình thường chỉ đơn giản hỏi, cánh tả Mỹ đang ở đâu từ khi Donald Trump lên ngôi ? Đúng là đảng Dân Chủ trông giống như một căn nhà tranh bị trận cuồng phong Trump cuốn phăng đi. Một số người kinh ngạc về hiện tượng nốc-ao kéo dài này. Tuy vậy tờ báo nhắc lại cả nước Pháp cũng đã từng sững sờ trước cú đòn mà lãnh đạo cánh tả Lionel Jospin nhận lãnh năm 2002 khi lần đầu tiên cực hữu lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống.
Một thất bại như vậy làm bộ máy đảng Dân Chủ tê liệt, và các nhân vật chính vắng bóng, không có gì đáng ngạc nhiên. Cú đấm quá nặng, cần có thời gian để hồi phục. Nhất cả cánh tả cần phải suy nghĩ thêm về những nguyên nhân thất bại, phân tích, tìm ra các đòn bẩy để quay lại đấu trường. Điều này ngược lại với chiến thuật quy mô do tổng thống Trump áp đặt.
Cuộc bầu cử giữa kỳ không còn xa, thường là đối lập chiếm ưu thế. Nhưng có một điều dường như chắc chắn : tự hài lòng với việc tố cáo sự « ngu ngốc » của Donald Trump (vì đó là sự thực) không thể giúp tìm lại sức sống và chinh phục cử tri bình dân từng tin vào Trump. Phe Dân Chủ cũng có thể im lặng chờ đợi hậu quả những sai lầm của Nhà Trắng. Nhưng như vậy không chỉ là lười biếng, mà còn mạo hiểm và không xứng tầm, khi ngọn gió cực đoan thổi mạnh thì bộ máy Dân Chủ cần được tái tạo từ bên trong – theo Libération.
Ukraina : Mỹ quá ngờ nghệch trước Putin ?
Về đàm phán hòa bình cho Ukraina, L'Express nhận xét « Thương lượng với Nga, hay nghệ thuật "deal" kiểu mafia ». Tuần báo nhắc lại, trước khi tấn công Irak năm 2003, tổng thống George W. Bush vẫn chưa biết gì về thế giới Ả Rập. Trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, ông mới phát hiện sự khác biệt giữa hai phe Sunni và Shia. Được Donald Trump chỉ định làm nhà đàm phán với Ukraina và Nga, tỉ phú Steve Witkoff kể lại hai cuộc gặp Vladimir Putin với một sự ngây thơ đáng kinh ngạc.
Trả lời nhà báo thân Trump và thân Putin, Tucker Carlson, ông thuật lại chi tiết cuộc trao đổi với nhân vật « vô cùng thông minh », « có thể tin vào lời nói của ông ấy », rất hài lòng trước việc Putin « đặt một họa sĩ Nga danh tiếng vẽ chân dung ông Trump » để tặng Nhà Trắng. Witkoff lặp lại tất cả luận điệu của Matxcơva để hợp pháp hóa cuộc xâm lăng Ukraina. Theo Steve Witkoff, yêu sách của Nga về bốn tỉnh bị chiếm đóng - mà ông không biết tên - là « chính đáng ».
Cũng như Trump, trước khi làm giàu trong ngành địa ốc, Witkoff đã quen với các cuộc thương lượng gay gắt trong giới mafia New York. Nhưng nói chuyện với các nhà đàm phán đầy kinh nghiệm xuất thân từ KGB lại là việc khác. Giống như ông Bush không hiểu về Hồi giáo, Witkoff dường như chỉ mới khám phá thế giới Nga. Thái độ của chính quyền Mỹ trước Kremlin có thể tóm tắt trong ba chữ : ngây thơ, dốt nát và kiêu ngạo. Ngây thơ trước một Sa hoàng cáo già đã trị vì suốt 25 năm. Dốt nát với lịch sử đế quốc và tâm lý người Nga. Ngạo mạn khi tuyên bố « mang lại hòa bình trong vòng 24 giờ ».
Tuy vậy vẫn còn một cách hiểu khác, vì theo các nhà thương lượng, những gì Witkoff nói trên truyền hình không quan trọng mấy. Công việc thực sự của các nhà ngoại giao bắt đầu sau khi các camera được tắt. Muốn hiểu thêm, tác giả khuyên nên xem lại cuốn phim « Bố già » của Francis Ford Coppola. Trong đó, các thủ lãnh mafia công khai ôm hôn, khen ngợi nhau, chẳng ai bị mất mặt, nhưng đó không phải là những gì diễn ra phía sau hậu trường.
Putin sẽ thẳng tay với nước nào dám chống cự
Trên L’Express, cựu ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba nhấn mạnh, « Nếu chiến thắng, Putin không hề thương xót đối với những nước nào dám chống lại ông ta ». Về cuộc đàm phán hòa bình, ông Kuleba nhận thấy tổng thống Mỹ không đối xử công bằng giữa Nga và Ukraina. Trên thực tế Putin không cần ngưng bắn mà muốn chấm dứt chiến tranh theo các điều kiện của ông ta.
Vladimir Putin sẽ còn đi đến đâu ? Có hai giả thiết. Hoặc Putin xâm lược Ukraina chỉ nhằm tạo ra một hành lang trên bộ về phía Crimée và vô hiệu hóa Kiev, và như vậy ông ta sẽ ngừng tại đây một khi đạt được mục đích. Ông Kuleba nghiêng về giả thiết thứ hai, rằng Kremlin không chỉ muốn chiếm một mảnh đất mà toàn bộ Ukraina và còn dòm ngó thêm một số nước châu Âu khác. Trong trường hợp này, không có giải pháp trung gian nào có thể làm Putin hài lòng, và khó có khả năng ông ta tôn trọng thỏa thuận một khi được ký.
Nếu đánh giá sai lầm chiến lược thực sự của Matxcơva, sẽ có nguy cơ cho sự tồn vong của Ukraina. Lẽ ra vai trò của Hoa Kỳ là đứng bên cạnh Ukraina và châu Âu, nhưng Donald Trump quyết định đóng vai nhà hòa giải. Và thay vì gây áp lực lên cả hai bên, tổng thống Mỹ chỉ ép Kiev tối đa. Trong khi đó mối đe dọa chiến tranh lan rộng ở châu Âu là có thực. Việc tịch biên tài sản bị phong tỏa của Nga lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu.
Trump là cơ hội để « Make Europe Great Again »
Chính sách Mỹ hiện nay có tác động như thế nào đối với châu Âu ? Le Point coi Donald Trump là cơ hội để « Make Europe Great Again ». Do ảo tưởng về một nền hòa bình vĩnh cửu, châu Âu bước vào thế kỷ 21 trong thế yếu. Dân số giảm dần với tỉ lệ 1,38 trẻ em/phụ nữ, trọng lượng trong kinh tế thế giới từ 30 % năm 1980 còn 17 %. Về chiến lược, châu Âu ở tiền phương trước mối đe dọa của đế quốc Nga và thánh chiến. Về tinh thần, đã tan vỡ giấc mộng tái lập hòa bình bằng luật pháp và thương mại, trong thế giới thô bạo ngày nay.
Trump đắc cử làm rõ thêm những yếu kém và chia rẽ của châu Âu. Không chỉ từ bỏ dân chủ, chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, từ chối bảo đảm an ninh. Nước Mỹ còn xúc tiến tự do phi dân chủ, đứng về phía các đế quốc độc tài, thậm chí lật ngược liên minh để đứng về phía Nga, coi Liên Hiệp Châu Âu (EU) là đối thủ. Bỗng dưng châu lục phải đối mặt với kẻ thù nay được người bảo hộ cũ trợ lực.
Tuy vậy theo Le Point, cuộc cách mạng bảo thủ của Trump mang lại cho châu Âu cơ hội bất ngờ để có được vị thế trong thế kỷ này. Quyền lực tuyệt đối của hành pháp và việc coi thường Hiến Pháp tạo không khí sợ hãi, chu kỳ tăng trưởng bị ảnh hưởng, suy thoái rình rập, lạm pháp và thất nghiệp gia tăng, thị trường chứng khoán lao dốc. Tình hình bất ổn gây trở ngại cho đầu tư và tiêu thụ, cuộc săn lùng phù thủy nơi các trường đại học làm hại đến sự thống trị về khoa học, việc phá vỡ các liên minh khiến không còn các liên kết bảo đảm sự tối thượng của Hoa Kỳ.
Những cú sốc của Trump đã đặt châu Âu vào trung tâm kinh tế thế giới trở lại. Không hề nhượng bộ về các giá trị tự do dân chủ, châu Âu đã tái định hướng trong bốn khía cạnh : tính cạnh tranh, tái vũ trang, linh hoạt hóa các quy định ngân sách, tự chủ chiến lược. Đức thậm chí còn từ bỏ chủ trương khắc khổ bằng cách sửa đổi Hiến Pháp, Anh tham gia bảo vệ an ninh châu Âu, Ba Lan và Bắc Âu tái vũ trang quy mô. Tuần báo cánh hữu cho rằng trở ngại lại ở ngay nước Pháp, sa lầy trong khủng hoảng chính trị nội bộ và không muốn thay đổi trước tình hình mới.
Erdogan, một Putin khác
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Le Point nhận xét với việc tống giam nhân vật đối lập hàng đầu là thị trưởng Istanbul, ông Ekrem Imamoglu, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã vượt qua giới hạn. Hay đúng hơn là đã vượt qua eo biển Bosphore : ông cắt đứt những chiếc cầu với các giá trị dân chủ châu Âu để sang bên phía bờ châu Á với truyền thống độc tài. Mặc cho một loạt biện pháp độc đoán trong 22 năm Erdogan nắm quyền, người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hy vọng vào việc thay đổi chế độ bằng lá phiếu. Con đường này nay đã đóng hẳn lại.
Ông Imamoglu, vừa được đảng đối lập hàng đầu CHP chỉ định là ứng cử viên tổng thống chính thức, và có rất nhiều hy vọng thắng cử. Trong 200 năm theo chính thể cộng hòa, đây là lần đầu tiên chính quyền tổ chức « đảo chánh » để loại trừ đối lập. Như vậy Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên nhiều ảnh hưởng của NATO và vẫn đang là ứng cử viên xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nay đã đi theo mô hình Putin.
Erdogan, 71 tuổi và Poutine, 72 tuổi có rất nhiều điểm chung : cầm quyền từ hơn hai thập niên, cùng thù ghét phương Tây…Tình hình quốc tế hỗn loạn hiện nay là lợi thế cho Erdogan : Donald Trump coi ông là đối tác, châu Âu chi tiền để Thổ Nhĩ Kỳ chận bớt di dân từ Cận Đông. Nhà độc tài đang hy vọng sửa đổi Hiến Pháp để tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2028.
No comments:
Post a Comment