Sống chết vì sự thật tại Gaza: Những phóng viên trong tầm ngắm của quân đội Israel
Trọng Thành
Đăng ngày: 29/03/2025 - 18:16Sửa đổi ngày: 29/03/2025 - 18:25
RFI
Gaza không chỉ là chiến trường giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas, với nạn nhân chủ yếu là thường dân Palestine. Đây cũng là nơi mà cái chết rình rập mỗi bước chân của các nhà báo. Hơn 200 người làm nghề truyền thông bỏ mình từ đầu chiến tranh. Cuộc điều tra Gaza Project, do mạng lưới nhà báo quốc tế Forbidden Stories chủ trì, với sự tham gia của RFI cùng hơn 10 hãng truyền thông quốc tế, đưa công chúng đến với các nhà báo dùng drone, tuyến đầu của cuộc chiến vì sự thật.

Shadi al-Tabatiby là một trong số họ. Trước chiến tranh, người thanh niên trạc 30 tuổi này thường xuyên đưa lên mạng xã hội những hình ảnh một xứ sở đầy sức sống, vốn thường được biết đến như một khu vực bị phong tỏa ngặt nghèo. Cảnh mặt trời lặn thanh bình trên thành phố, xe cộ nườm nượp, thuyền câu trên biển biếc giờ không còn nữa… Biển vẫn trong xanh đến vô tình, nhưng mảnh đất hơn 40 km² giờ đã thành đống hoang tàn đổ nát.
Điều tra của Forbidden Stories, được công bố cuối tháng 5/2025, đưa công chúng đến với các nhà báo dùng drone, những người đã hy sinh, những người đang còn sống, các sản phẩm mà họ để lại, cuộc sống giữa hai làn đạn của họ cùng các hành xử của phía Israel đối với các nhà báo tác nghiệp bằng drone tại mảnh đất Gaza trong chiến tranh.
Shadi từng làm việc cho Reuters, AP, AFP, hay hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu. Nhà báo này đã tận tụy đưa công chúng đến với các hình ảnh về Gaza bị tàn phá trong những tuần đầu chiến tranh, bùng lên sau khi Israel mở chiến dịch quân sự tấn công Gaza để trả đũa vụ khủng bố tàn khốc khiến hơn 1.200 người chết và hơn 200 người bị bắt làm con tin, ngày 07/10/2023. Tháng Giêng 2024, người phóng viên dùng drone quyết định ngừng công việc do lo sợ cho tính mạng của vợ và đứa con sơ sinh. Tháng 5/2025, Shadi trốn khỏi Gaza. Nhưng nhiều phóng viên khác vẫn tiếp tục tác nghiệp bằng drone.
Tác nghiệp dưới họng súng
Moustafa Thuraya, bạn của Shadi, là nhà báo Palestine đầu tiên bị giết, kể từ ngày 07/10/2023 trong lúc đang tác nghiệp với drone. Ngày 24/02/2024, Abdallah al-Hajj bị trọng thương, mất hai chân, đúng vào lúc anh thu dọn đồ nghề. Hai nhà báo Ibrahim và Ayman al-Gharbaoui bị giết ngày 26/04/2024, ngay trong lần đầu tiên dùng drone.
Làm nhà báo tại Gaza là đối mặt với cái chết. Là nhà báo dùng drone còn mạo hiểm gấp bội phần. Đại tá Eran Shamir Borer, từng đứng đầu bộ phận pháp lý của quân đội Israel, và hiện lãnh đạo Trung tâm vì An ninh và Dân chủ thuộc Viện Israel vì Dân chủ, ngạc nhiên về việc các nhà báo dùng drone tác nghiệp trong chiến tranh, và đặc biệt là tại Gaza. Tại mảnh đất bằng phẳng này, Hamas cũng dùng drone, và nhiều người thuộc lực lượng này giả dạng thường dân. Dù sao, theo vị đại tá này, nếu quân đội Israel biết được các nhà báo dùng drone, họ sẽ « thận trọng hơn ».
Drone và những hình ảnh chân thật
Trên thực tế, dường như trong quân đội Israel không hề có quy định nào liên quan đến ứng xử với drone của giới truyền thông. Điều tra của Forbidden Stories thu thập được những lời chứng của cựu quân nhân Michael Ofer-Ziv, từng tham chiến những ngày đầu chiến tranh. Theo người lính này, không khí chung trong quân đội là coi tất cả các drone và người sử dụng (không thuộc phía Israel) là đối tượng triệt hạ.
Mạo hiểm sự sống đến tận cùng với drone tại địa ngục trần gian của dải Gaza, những người phóng viên hy vọng đem lại điều gì ? Nhân dịp công bố kết quả cuộc điều tra, Forbidden Stories giới thiệu với công chúng một số cảnh tượng về một khu vực tại Gaza bị tàn phá, được nhà báo Shati và đồng nghiệp Jabalia phục dựng với hình ảnh 3 chiều (3D) rõ ràng đến từng chi tiết. Hình ảnh có được dựa trên những gì mà nhà báo Mahmoud Isleem al-Basos để lại. Ngày 15/03/2024, nhà báo dùng drone, từng làm việc cho Reuters và hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, bị giết cùng với ít nhất 6 người khác, trong một cuộc oanh kích của Israel.
Địa ngục trần gian và những chiến binh vì sự thật
Đối với quân đội Israel, Mahmoud Isleem al-Basos là « một phần tử khủng bố của Hamas hoạt động dưới vỏ bọc nhà báo ». Theo điều tra của Forbidden Stories, người là quân đội Israel mô tả là quân khủng bố giả danh nhà báo đã không bị chết trong vụ oanh kích này, và hoàn toàn không có liên hệ trực tiếp nào với al-Basos. Quân đội Israel cũng từ chối yêu cầu của Forbidden Stories, đề nghị cung cấp các bằng chứng cho thấy al-Basos là phần tử khủng bố.
Tại địa ngục trần gian Gaza, nơi hơn 50.000 người chết, đa số là trẻ em và phụ nữ, 70% cơ sở hạ tầng, 65% nhà cửa, 60% đường xá bị phá hủy, mạng người rất rẻ. Nhưng hàng nghìn nhân viên Liên Hiệp Quốc vẫn ở lại đây, nhiều nhà báo vẫn tiếp tục tác nghiệp. Cuộc điều tra của Forbidden Stories cho thấy tinh thần sống chết vì sự thật của những người làm truyền thông trong bối cảnh như vậy, đặc biệt là các nhà báo dùng drone. Nước Địa Trung Hải vẫn trong, xanh, dù lòng người đau thương, tan nát!
No comments:
Post a Comment