Saturday, March 29, 2025

VNTB – Miễn học phí: chính sách treo đầu dê bán thịt chó của nhà nước
Châu Nam Việt
29.03.2025 6:08
VNThoibao


(VNTB) – Nhà nước miễn học phí nhưng phụ huynh vẫn phải tốn tiền triệu cho các khoản phí “tự nguyện bắt buộc”…

Việc miễn học phí lẽ ra phải là một tin vui đối với phụ huynh học sinh, thế nhưng thực tế lại phơi bày một nghịch lý: học phí có thể miễn, nhưng các khoản thu khác thì vẫn chồng chất. Vậy rốt cuộc, chính sách miễn học phí có thực sự giúp giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh hay chỉ là cách để nhà cầm quyền làm màu, phông bạt?

Hàng loạt khoản tiền dưới danh nghĩa “dịch vụ chuyển đổi số”, “tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ, tin học”, “học STEM” vẫn khiến nhiều gia đình tại TP HCM phải đóng hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.

STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là xu hướng giáo dục quan trọng trong thời đại số. Ở các nước phát triển, giáo dục STEM được tích hợp vào chương trình học mà không yêu cầu học sinh trả thêm tiền. Nếu chúng ta muốn phát triển giáo dục hiện đại, việc tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận STEM phải là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, chứ không phải là một dịch vụ mang tính thương mại.

Không thể phủ nhận rằng các chương trình bổ trợ như STEM, ngoại ngữ hay tin học có ý nghĩa quan trọng trong thời đại công nghệ. Nhưng tại sao những khoản này lại không được ngân sách hỗ trợ mà lại bắt phụ huynh chi trả? Nếu nhà nước đã miễn học phí để giúp giảm áp lực tài chính, thì việc “bù” lại bằng các khoản thu khác có phải là một cách lách luật?

Một trong những khoản thu khiến phụ huynh bức xúc nhất chính là “tiền dịch vụ chuyển đổi số”. Câu hỏi đặt ra là: chuyển đổi số có thực sự là dịch vụ bắt buộc mà phụ huynh phải trả tiền? Nhiều trường hợp, học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa giấy, bài giảng chủ yếu vẫn do giáo viên đứng lớp thực hiện, vậy số tiền này rốt cuộc đang được dùng vào đâu?

Phía nhà trường lập luận rằng khoản phí này được sử dụng để mua phần mềm dạy học trực tuyến, quản lý điểm số và kết nối phụ huynh. Nhưng chẳng lẽ những dịch vụ này không phải là trách nhiệm của hệ thống giáo dục? Việc bắt phụ huynh trả tiền cho những dịch vụ lẽ ra phải do nhà trường hoặc nhà nước đầu tư rõ ràng là một sự đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng nếu đã là chương trình bổ trợ, thì cần có sự lựa chọn, không thể bắt buộc. Nhưng trên thực tế, nhiều trường không có phương án thay thế. Học sinh không tham gia lớp tăng cường ngoại ngữ, tin học sẽ không có lớp phù hợp với khung giờ học chính thức, buộc phải theo học chương trình này. Điều này chẳng khác nào một dạng “học phí trá hình”.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục là điều cần thiết, nhưng nếu muốn triển khai chương trình mở rộng, lẽ ra các cấp quản lý giáo dục phải tìm nguồn tài trợ hoặc hỗ trợ ngân sách, thay vì chuyển gánh nặng này sang phụ huynh.

Việc miễn học phí được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo dục mà không phải lo lắng về chi phí. Đáng ra phải mang lại lợi ích thực sự cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, nhưng bây giờ phụ huynh vẫn phải đóng hàng loạt khoản tiền khác. Trên thực tế, các khoản thu khác lại được “đẻ” ra với những cái tên nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại đặt phụ huynh vào tình thế buộc phải đóng. Nếu không đóng, học sinh có nguy cơ bị “cô lập” khỏi các hoạt động bổ trợ, hoặc phải học chương trình tối giản.

Như vậy bản chất của việc miễn học phí đang bị bóp méo, nhà trường (thậm chí là nhà cầm quyền cũng tiếp tay cho trường học) “thu tiền lách luật”. Biến một chính sách nhân văn thành một hình thức lừa đảo theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Miễn học phí bây giờ chỉ còn là một khẩu hiệu đẹp trên giấy, còn thực tế thì phụ huynh vẫn phải chật vật với đủ loại chi phí tự nguyện nhưng mang tính ép buộc.

No comments:

Post a Comment