Zelensky : Còn Putin thì chiến tranh chưa thể kết thúcThụy My
Đăng ngày: 28/03/2025 - 14:28
RFI
Matxcơva lại chơi trò câu giờ trong lúc Mỹ muốn nhanh chóng có thỏa thuận hòa bình, tổng thống Ukraina khẳng định chiến tranh chỉ kết thúc khi nào chặn được Putin. Tại Ukraina, uy tín của tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn cao hơn Volodymyr Zelensky. Mỹ tiếp tục dòm ngó Groenland, trong khi xì-căng-đan lộ tin mật về vụ tấn công Houthi khiến Nhà Trắng bối rối. Đó là một số thông tin đáng chú ý hôm nay 27/03/2025.

Hắc Hải : Một thỏa thuận giả tạo
Le Monde cho rằng thỏa thuận Hắc Hải chỉ là giả tạo. Nhà Trắng thông báo sau khi thương lượng riêng biệt với Nga và Ukraina ở Ả Rập Xê Út, hai bên đã chấp thuận không dùng vũ lực ngăn cản các tàu trên vùng biển này. Nhưng Kremlin nhanh chóng nói là thỏa thuận chỉ được áp dụng sau khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận.
Nga đòi hỏi chấm dứt những hạn chế đối với một số nhà sản xuất và xuất khẩu, công ty bảo hiểm, và nhất là ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank, kết nối trở lại vào hệ thống Swift. Nhưng Hoa Kỳ không thể đơn phương hủy bỏ các biện pháp này, mà không phối hợp với châu Âu. Donald Trump khi trả lời Newsmax tối thứ Ba đã phải nhìn nhận là Nga lần khân. Việc Mỹ và Nga ra thông cáo riêng rẽ sau 12 giờ đàm phán cho thấy sự mong manh của thỏa thuận, nhất là che đi điều chủ yếu: Không có hưu chiến thực sự.
Cùng lúc đang diễn ra đối thoại với phái đoàn Mỹ ở Riyad, Nga bắn hỏa tiễn vào trung tâm thành phố Sumy của Ukraina làm 101 người bị thương trong đó có 23 trẻ em. Pháp phản đối việc Kremlin ra điều kiện, nói rõ rằng châu Âu không trừng phạt nông sản và phân bón của Nga. Nhà chính trị học Kirill Rogov ở Vienna lo ngại khi thấy chính quyền Trump chỉ hành động vì lợi ích của Nga.
Điều quan trọng với Ukraina là ngưng bắn trên chiến tuyến chứ không phải Hắc Hải, vì vẫn tiếp tục xuất khẩu được ngũ cốc. Đối với Matxcơva, thỏa thuận này giúp tỏ ra có thiện chí trước Donald Trump, nhưng nhất là kéo dài được thời gian. Dù vậy Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu tối qua tuyên bố việc Nga rút quân vô điều kiện khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraina là một trong những điều kiện chính để dỡ bỏ hay giảm nhẹ cấm vận.
Volodymyr Zelensky : « Chận đứng chiến tranh có nghĩa là chặn lại Putin »
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, tổng thống Ukraina nhấn mạnh cần có thêm vũ khí và lực lượng quân sự châu Âu để bảo đảm một thỏa thuận hòa bình. Ông Zelensky cho biết vẫn tiếp xúc hầu như hàng ngày với tổng thống Pháp, chứ không chờ đợi đến các kỳ họp để bàn về những vấn đề cụ thể, như tăng sản xuất drone chẳng hạn. Nga có nhiều drone tự sát do Iran cung cấp, đạn pháo và hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên. Kiev cũng mong được sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa để trang bị cho quân đội, và có được hệ thống phòng không để giữ an toàn cho bầu trời. Một điều chắc chắn là Ukraina sẽ không bao giờ nhượng lại cho Nga những lãnh thổ bị chiếm đóng.
Điều gì đã làm ông trụ vững kể từ đầu cuộc chiến ? Zelensky trả lời, ông muốn con cháu mình sống trong một thế giới tự do, ở Ukraina chứ không phải ở nước ngoài. Bởi vì đối với mọi dân tộc, quê hương luôn là nơi tươi đẹp nhất. « Chúng tôi muốn sống nơi cha mẹ mình từng sống, nơi mình sinh ra, căn nhà mình đã xây lên ». Động cơ thứ hai là mối hận với Nga đã sát hại dã man từng ấy công dân Ukraina vô tội, và thứ ba là phẩm giá của đất nước và dân tộc. Putin là kẻ nói dối, thích chơi trò chiến tranh, nhưng đối với người Ukraina đây không phải là trò chơi mà là thảm kịch.
Chia rẽ giữa châu Âu với Hoa Kỳ là thành công lớn của Nga. Donald Trump muốn chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt, đó cũng là mong muốn của Kiev. Nhưng chận đứng chiến tranh có nghĩa là chận lại Putin. Một số nhà ngoại giao cố gắng duy trì quan hệ tốt với ông ta, tạo không khí thuận lợi cho thương lượng, nhưng Putin vẫn là Putin, chỉ lùi bước trước sức mạnh. Nếu ông Trump giảm nhẹ trừng phạt, Putin hiểu rằng ông là một tổng thống yếu đuối. Tại Ả Rập Xê Út, Ukraina chấp nhận ngưng bắn vô điều kiện nhưng Vladimir Putin thì không, sau đó Ukraina có thêm những thỏa thuận và vẫn là Putin gây bế tắc.
Hoa Kỳ cần thấy rõ là Putin không hề muốn hòa bình, ông ta chỉ câu giờ để chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân, chủ yếu ở Sumy và Kharkiv. Lẽ ra quân Nga đã tiến đánh từ cách đây 8 tháng nhưng bị chiến dịch Kursk của Kiev gây trở ngại. Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, thời điểm khó khăn nhất là tháng đầu tiên bị xâm lăng, giờ đây Ukraina đã mạnh hơn trước. Châu Âu hiện nay chỉ có thể trông cậy vào chính mình, nhưng là một châu lục hùng mạnh, có lịch sử lâu đời, văn hóa phong phú, gắn bó với tự do, không thể nào sợ hãi trước Nga. Nếu ta yếu đuối, ta sẽ bị ăn tươi nuốt sống.
Ngôi sao mới của người Ukraina : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Libération nhận thấy một nghịch lý : Tổng thống Pháp vốn không được ưa thích trong nước, đã trở thành nhân vật được người Ukraina yêu mến nhất, vượt qua cả Volodymyr Zelensky, người vừa được ông tiếp đón tại điện Élysée tối qua. Trước đây kiên trì đối thoại với Nga cho đến khi hy vọng tan biến với cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022, phải mất ba năm Emmanuel Macron mới rời xa Vladimir Putin và chiếm được trái tim người Ukraina. Tháng Ba năm nay, có đến 77 % người Ukraina ủng hộ ông Macron, còn với Zelensky là 75 %. Tiếp theo là tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (72 %), còn Viktor Orbán chỉ được 11 %. Thực ra uy tín của Emmanuel Macron còn cao hơn nhiều, vì chưa có cuộc thăm dò nào sau khi Donald Trump bỏ rơi Kiev.
Từ sau sự phản bội của Mỹ, Macron được coi là đồng minh chính. Những người được Libération hỏi chuyện đều hoan nghênh quan điểm cứng rắn và ý tưởng lập lực lượng châu Âu tại Ukraina, coi tổng thống Pháp là người đứng đầu trong liên minh mới. Một chuyên gia quốc phòng Ukraina nhận định, Macron hiểu được hậu quả đối với châu Âu nếu Ukraina phải đầu hàng theo điều kiện của Nga, nhưng người ta còn chờ đợi hành động của ông. Một nữ giáo viên nói : « Tổng thống Pháp chỉ mới đến Ukraina có một lần và ở lại vài giờ. Hãy nói ông ấy tới đây. Ngày mà Macron đi cùng với Zelensky đến Kharkiv thăm những người lính, ông ấy sẽ là người hùng của chúng tôi mãi mãi ».
Trên chiến trường, Le Monde cho biết các « game thủ » Ukraina đang góp phần rất tích cực trong cuộc chiến đấu. Drone đã trở nên hết sức quan trọng : 70 % số tử vong của binh sĩ hai bên là do loại vũ khí này. Kiev sử dụng mỗi ngày 10.000 drone, và số ê-kíp điều khiển đã tăng gấp bảy trong năm 2024, những thanh niên thành thạo chơi game trở thành những chiến sĩ lợi hại. Bộ Thanh niên và Thể thao Ukraina vừa chính thức đưa việc sử dụng drone quân sự thành môn thi đấu : rượt đuổi, ngăn chặn, trinh sát và điều khiển từ xa.
Tái vũ trang châu Âu : Tiền bạc không phải là vấn đề
Trước tham vọng của Putin, Les Echos nhận định, châu Âu đang bị « cận thị tập thể ». Từ khi vấn đề tái vũ trang trở nên sống còn, câu hỏi về tài chánh luôn là chủ chốt trong các cuộc tranh luận, đặc biệt là tại Pháp. Làm thế nào tìm được 50 tỉ euro mỗi năm để nâng cấp quốc phòng, trong khi thâm hụt ngân sách trên 5 % GDP và nợ công chiếm đến 110 % ? Nhưng đó là trên lý thuyết, thực tế tổng sản phẩm nội địa của châu Âu, kể cả Anh và Na Uy, vượt quá 24.000 tỉ euro, từ nay đến 2030 dư sức tìm được 500 đến 800 tỉ euro cần thiết để buộc Nga phải kiêng nể. Vấn đề là quyết tâm chính trị.
Tại Paris, chính phủ đã quyết định huy động nguồn lực, Bruxelles giảm nhẹ quy định về ngân sách, cung cấp 150 tỉ euro tín dụng, Đức muốn vũ trang « bằng mọi giá » ... Như vậy không phải tài chánh, mà điều cốt yếu là phát triển kỹ nghệ quốc phòng. Đầu tư vào công nghệ trong quân sự không chỉ giúp tăng trưởng lâu dài, mà còn tạo điều kiện phát triển công nghệ mới, như Hoa Kỳ và Israel đã chứng minh.
Đối với Paris lại càng đúng, vì kỹ nghệ vũ khí Pháp nắm vững các công nghệ tân tiến. Các tập đoàn như Airbus, Dassault Aviation, Safran, Thales, Naval Group nằm trong số những tên tuổi lớn của thế giới. Pháp là nước xuất khẩu vũ khí thứ nhì thế giới ; sản xuất phi cơ tiêm kích, tàu ngầm, hỏa tiễn, đại bác, hệ thống liên lạc, dẫn đường thuộc loại tinh vi nhất ; và phía sau các tập đoàn là cả một hệ sinh thái gồm 4.500 công ty vừa và nhỏ. Nhà nước có vai trò đặt hàng, điều phối, theo với truyền thống « Ba mươi năm huy hoàng » thời trước để kỹ nghệ hóa đất nước, sở hữu sức mạnh nguyên tử dân sự.
Mỹ tiếp tục dòm ngó Groenland
Cũng liên quan đến châu Âu, căng thẳng tăng lên với chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ đến căn cứ quân sự Pituffik, nơi quân đội Mỹ trú đóng từ nhiều năm qua. Ông J. D. Vance loan báo quyết định cùng đến Groenland với bà vợ Usha để « nghe báo cáo về an ninh Bắc Cực » và « đánh giá an ninh Groenland ».
Theo Le Monde, thực tế là Washington đã thay đổi tính chất chuyến đi, trước sự phản kháng của Đan Mạch và châu Âu. Ban đầu bà Vance định đến vào thứ Bảy 29/03 để dự khán cuộc đua chó kéo xe trượt tuyết. Nhưng điều kỳ lạ là cùng đi có cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và bộ trưởng năng lượng Chris Wright, hai phi cơ vận tải quân sự sẽ đáp xuống cùng với đội ngũ an ninh hùng hậu. Vấn đề là ông Trump nói được mời, nhưng chính quyền Groenland khẳng định không hề mời ai vì bận lập chính phủ sau bầu cử, cho rằng chuyến đi này là « khiêu khích ». Những cuộc biểu tình phản đối được chuẩn bị trong số 56.500 cư dân.
Rốt cuộc chương trình thay đổi, bà Vance sẽ không được xem « cuộc đua thú vị », mà cấp độ của phái đoàn được nâng lên với sự tham dự của ông phó tổng thống. Đây là một cách để tránh cho bà và cử tri Mỹ khỏi cảnh khó xử là bị đón tiếp một cách thù địch, đồng thời vẫn duy trì yêu sách kiểm soát mảnh đất này. Ông Trump tuyên bố sẽ có được Groenland « bằng cách này hay cách khác », ông Vance thì nói rằng Đan Mạch là « đồng minh tồi tệ ». Le Monde nhắc lại hình ảnh « những người mặc đồ màu xanh » được Vladimir Putin gởi đến để chiếm Crimée năm 2014, và cho rằng không thể coi thường những lời đe dọa của Mỹ.
« Signalgate » : Nhà Trắng khó khỏa lấp
Về vụ « Signalgate » - do nhầm lẫn, tổng biên tập báo The Atlantic, ông Jeffrey Goldberg được cho vào nhóm chat kín bàn về chiến dịch không kích phe Houthi - Nhà Trắng cố giảm nhẹ vấn đề nhưng đám cháy lại càng lan rộng. Libération, Les Echos và Le Monde đều có bài viết về vấn đề này.
The Atlantic hôm qua quyết định đăng tải cuộc đối thoại với ảnh chụp màn hình, nhưng che đi tên một điệp viên của CIA. Donald Trump nói rằng « đó không phải là thông tin mật », cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz là « người rất tốt », « đã rút được bài học », đả kích nhà báo. Tuy nhiên đã có chia rẽ trong đảng Cộng Hòa : đa số cố bênh vực, riêng ngoại trưởng Marco Rubio nhìn nhận « Ai đó đã phạm sai lầm lớn ». Tối thứ Ba, think tank American Oversight đã kiện năm thành viên chính phủ Trump vì vi phạm nghĩa vụ lưu trữ các trao đổi chính thức. Điều mỉa mai là thẩm phán James Boasberg ở Washington sẽ xét xử, đây là quan tòa bị Donald Trump kêu gọi « truất phế » do chống lại việc trục xuất di dân sang Salvador.
Bên cạnh đó báo Đức Der Spiegel mới đây tố cáo thêm nhiều bất cẩn của ê-kíp Trump trong việc dùng các ứng dụng và thiết bị không bảo đảm an toàn để trao đổi những thông tin nhạy cảm, gây lo ngại cho các đồng minh. Bằng các công cụ tìm kiếm thương mại và các dữ liệu khách hàng bị tin tặc đánh cắp và công bố trên internet, tờ báo tìm được số điện thoại di động, địa chỉ email và trong một số trường hợp cả mật khẩu của các quan chức cao cấp Mỹ. Đa số các dữ liệu này vẫn đang được sử dụng, riêng số điện thoại của giám đốc CIA Tulsi Gabbard và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz còn liên quan đến danh khoản trên ứng dụng WhatsApp và Signal.
No comments:
Post a Comment