Những đe dọa sáp nhập lãnh thổ của Donald Trump gợi nhớ đến cuộc chiến của Nga ở Ukraina
Phan Minh
Đăng ngày: 13/01/2025 - 13:59Sửa đổi ngày: 13/01/2025 - 21:30
RFI
Những tuyên bố gây sốc của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, nhân vật giàu nhất thế giới Elon Musk là "kẻ hủy diệt truyền thông truyền thống" là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp khai thác sâu hôm nay 13/01/2025.
Tờ Le Figaro nhấn mạnh rằng thông thường, các mối đe dọa về việc sáp nhập lãnh thổ xuất phát từ những quốc gia độc tài ở phương Đông như Nga của Vladimir Putin, sẵn sàng tấn công những nước láng giềng để đưa trở lại vòng ảnh hưởng của mình, và Trung Quốc của Tập Cận Bình, đang tìm cách thống nhất Đài Loan với Hoa Lục. Tuy nhiên, điều bất ngờ là những mối đe dọa này cũng bắt đầu xuất hiện từ Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump, muốn sáp nhập Groenland, Canada và kênh đào Panama, và chủ nhân tương lai của Nhà Trắng không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thực hiện những cuộc sáp nhập này.
Donald Trump bày tỏ mong muốn sáp nhập những vùng lãnh thổ này vào Hoa Kỳ và ông đã nhận được sự tán đồng từ một số thành viên đảng Cộng Hòa, coi đây là một cách để củng cố sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên những câu hỏi về chủ nghĩa đế quốc ngày càng gia tăng của Donald Trump, và một số nhà phân tích cho rằng Donald Trump đang có những hành vi giống với tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhật báo thiên hữu, trích dẫn giới chuyên gia, nhận định Donald Trump ngưỡng mộ các nhà độc tài và tìm cách cai trị bằng quyền lực, đồng thời không muốn bị chi phối bởi những cuộc bầu cử hay tự do báo chí.
Sự quan tâm của Hoa Kỳ dành cho Groenland "rất chính đáng" bởi vị trí chiến lược và các tài nguyên thiên nhiên mà hòn đảo sở hữu. Khu vực Bắc Cực mà Hoa Kỳ có các căn cứ quân sự, đã trở thành nơi cạnh tranh địa chính trị với Nga và Trung Quốc. Đáp lại mối đe dọa từ Mỹ, Đan Mạch, quốc gia sở hữu Groenland, không chỉ bác bỏ khả năng bán vùng lãnh thổ này, mà còn công bố tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ chủ quyền và sự hiện diện quân sự của Copenhagen trong khu vực.
Tờ báo nhận định những tuyên bố của Donald Trump được coi là một cách để gây áp lực buộc châu Âu xem xét lại các ưu tiên chiến lược và quan tâm hơn đến các vấn đề địa chính trị lớn. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ trở thành một cường quốc muốn thay đổi các quy tắc quốc tế để phục vụ lợi ích của mình.
Le Figaro kết luận những tuyên bố của Donald Trump vô tình củng cố thêm tham vọng bành trướng của Nga, với việc nước này có thể coi hành động của họ ở Ukraina được "hợp pháp hóa" bởi sự ủng hộ ngầm từ Hoa Kỳ. Sự ngưỡng mộ mà Donald Trump dành cho các nhà lãnh đạo độc tài như Vladimir Putin gửi đi một thông điệp đáng lo ngại không chỉ đối với Ukraina, mà còn đối với sự cân bằng quyền lực trên thế giới.
Elon Musk – "kẻ hủy diệt truyền thông truyền thống"
Về lĩnh vực xã hội, tờ Les Echos có bài viết chú ý đến Elon Musk, chủ sở hữu của X, Tesla và SpaceX, chỉ trích mạnh mẽ các phương tiện truyền thông truyền thống khi cho rằng chúng bị thao túng. Trong một cuộc phỏng vấn với lãnh đạo phe cực hữu Đức Alice Weidel, Elon Musk thể hiện rõ mong muốn "lách" các phương tiện truyền thông nói trên. Nhà tỷ phú thường xuyên thể hiện sự khinh miệt đối với các nhà báo mà ông cho là "con rối" của một hệ thống thao túng. Ông khẳng định những người kiểm soát các phương tiện truyền thông không làm tốt công việc của mình. Ví dụ, trong một cuộc họp ở Philadelphia, ông đã đề cập đến việc các phương tiện truyền thông mô tả Joe Biden là người nhanh nhẹn và khỏe mạnh một tuần trước cuộc tranh luận truyền hình với Donald Trump.
Elon Musk không phải là người đầu tiên sử dụng phương tiện truyền thông vì mục đích lý tưởng. Những người khác, chẳng hạn như Richard Scaife ở Mỹ hay Vincent Bolloré ở Pháp, cũng đã mua các phương tiện truyền thông để áp đặt quan điểm của họ. Tuy nhiên, Elon Musk được coi là một trường hợp đặc biệt. Ông tỏ ra quyết đoán và rất khó lường, đồng thời sẵn sàng nhắm mắt cho giá trị của X sụt giảm để bảo vệ các ý tưởng của mình.
Đối với Elon Musk, cuộc đấu tranh chống các phương tiện truyền thông truyền thống là một cuộc chiến vì lý tưởng, liên quan đến những gì ông gọi là "nền văn minh đa hành tinh". Ông cho rằng những ý tưởng như "virus woke" đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Những lời chỉ trích của ông đối với các phương tiện truyền thông truyền thống đã nhận được sự tán đồng trong các cuộc khảo sát. Tại Mỹ, tỷ lệ tin tưởng các phương tiện truyền thông đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 31%.
Trong cuộc chiến chống các phương tiện truyền thông truyền thống, Elon Musk đã nhận được sự hậu thuẫn của Mark Zuckerberg, đã quyết định dẹp bỏ những biện pháp kiểm chứng thông tin trên Facebook và Instagram ở Mỹ. Nhật báo kinh tế kết luận liên minh này có thể gây ra những tác động quan trọng, vì Zuckerberg rất có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội, như Hillary Clinton từng nhấn mạnh hồi năm 2021.
Mỹ : Con người là thủ phạm chính của hỏa hoạn ở California
Vẫn tại Hoa Kỳ, trang nhất của nhật báo thiên tả Libération tiếp tục quan tâm đến hỏa hoạn thảm khốc đang tàn phá bang California. Nhà văn Stephen Markley đề cập đến những đám cháy này, hiện tượng mà anh đã dự đoán trong cuốn tiểu thuyết mang tên "Cơn Đại Hồng Thủy". Anh nói về một đám cháy khổng lồ hủy diệt thành phố vào năm 2031.
Trên thực tế, các đám cháy hiện tại tuy nghiêm trọng, nhưng không thảm khốc như những gì anh mô tả trong cuốn sách. Tuy nhiên, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu những đám cháy lan ra trung tâm thành phố Los Angeles, khu vực có mật độ dân cư cao hơn những khu ngoại ô đang bị ảnh hưởng hiện nay. Markley nhấn mạnh những điều kiện hiện tại chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất, và tác động của hỏa hoạn có thể còn thảm khốc hơn.
Nhà văn Markley cũng thuật về trải nghiệm hàng ngày trong cuộc khủng hoảng này. Sống trong một căn hộ ở trung tâm Los Angeles, anh mô tả không khí đầy khói, chất lượng không khí kém và nỗi lo lắng khi thấy các đám cháy đến gần, đặc biệt là một đám cháy mà anh đã quan sát từ ban công nhà mình. Markley giải thích đã dành một năm để nghiên cứu về hậu quả của các đám cháy lớn tại Los Angeles và đối mặt với thực tế, anh nhận ra rằng tình hình không tồi tệ như những gì anh đã tưởng tượng trong cuốn tiểu thuyết của mình.
Anh cũng đề cập đến việc sử dụng tù nhân để dập lửa, một hiện tượng phổ biến ở California, với những tù nhân được thuê để làm công việc này và được trả mức lương cực thấp. Đối với Markley, biện pháp này nực cười, bởi các tù nhân không có kinh nghiệm làm lính cứu hỏa.
Ngoài ra, Markley cũng cảnh báo rằng những đám cháy này không phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà là hệ quả trực tiếp của khủng hoảng khí hậu, một mối đe dọa không còn xa vời. Anh chỉ trích sự thờ ơ của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng này, đặc biệt do sức ép từ các tập đoàn nhiên liệu hóa thạch, thành phần không ngừng ngăn cản những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, Markley nhắc đến vai trò quan trọng của chính quyền Biden trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt thông qua Inflation Reduction Act (đạo luật Giảm Lạm Phát), tài trợ cho các khoản đầu tư nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Anh lo ngại tân chính quyền Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump, sẽ phá hỏng những tiến bộ này, và điều này có thể khiến việc ứng phó với biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn.
Trung Đông : Số phận bấp bênh của người Kurdistan ở Syria
Về tình hình Trung Đông, trang nhất của nhật báo Le Monde ghi nhận "đối với người Kurdistan sinh sống ở Syria, chiến tranh vẫn chưa kết thúc". Kể từ ngày 08/12/2024, một cuộc tấn công thực hiện bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Quân đội Quốc gia Syria (ANS), một nhóm nổi dậy thân Ankara, đã buộc khoảng 100.000 người Kurdistan phải bỏ nhà ra đi ở Đông Bắc Syria. Cuộc tấn công bắt đầu sau khi các nhóm phiến quân Hồi Giáo lật đổ thành công chính quyền Bachar al-Assad.
Mahmoud, một người Kurdistan 45 tuổi, kể về trải nghiệm của mình khi phải rời khỏi Manbij, một thành phố nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan trong nhiều năm qua. Thành phố này rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ và ANS hôm 09/12, sau khi thành phố chiến lược Tall Rifaat bị ANS chiếm một ngày trước đó. Ankara tiến hành cuộc tấn công chống Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), chủ yếu là người Kurdistan, mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm khủng bố liên quan đến đảng Lao Động Kurdistan (PKK). Mục tiêu của Ankara là tạo ra một vùng đệm rộng 32 km và đẩy các chiến binh người Kurdistan ra khỏi khu vực này. Các cuộc giao tranh đã gây ra những thiệt hại lớn và buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán.
Người dân Manbij, trong đó có Mahmoud, đã chứng kiến những cảnh tượng cướp bóc và thảm sát. Mahmoud thuật lại rằng các binh sĩ ANS đã giết chết thường dân người Kurdistan, cướp bóc các cửa hàng và đánh dấu những ngôi nhà của người Kurdistan là mục tiêu để tấn công. Ông mô tả thái độ của một số người Ả Rập địa phương, trước đây vốn là đồng minh của người Kurdistan trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi Giáo (IS), giờ đã thay đổi lập trường và từ chối chiến đấu cùng FDS.
Đây không phải là lần đầu tiên Mahmoud và gia đình phải bỏ nhà ra đi. Kể từ năm 2012, họ đã chạy trốn chiến tranh nhiều lần do các cuộc tấn công của quân đội Assad. Hiện tại, họ đang sống ở một ngôi làng nhỏ gần Kobané, nhưng tình hình vẫn căng thẳng và bất ổn. Mahmoud lo lắng về sức khỏe tâm lý của các con, đặc biệt là con trai 15 tuổi, có dấu hiệu dễ tức giận, và người em trai 24 tuổi, bị sang chấn tâm lý nặng nề do sống dưới chế độ IS.
Cuối cùng, Le Monde đề cập đến trường hợp của Mohammad, một binh sĩ của FDS mất tích kể từ khi Tall Rifaat bị rơi vào tay ANS. Vợ của Mohammad, Narine, và những người tị nạn khác kể lại họ bị ANS đối xử thô bạo, bị gọi là "lợn" và "đĩ", và dọa sẽ bị cắt cổ nếu bỏ chạy. Narine và gia đình đã từng trải qua một cuộc di cư tương tự vào năm 2018 và họ mơ ước được đoàn tụ với người chồng và cha mất tích. Còn Mahmoud thì mong muốn có được một cuộc sống bình yên và an toàn, nhưng không biết tương lai sẽ ra sao.
Quan hệ Pháp-Algérie căng thẳng
Tờ La Croix dành bài xã luận nói về quan hệ giữa Pháp và Algérie rất phức tạp và đã trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt sau cuộc chiến giành độc lập của Algérie. Gần đây, căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Pháp ủng hộ Maroc về tranh chấp liên quan đến vùng Tây Sahara, một quyết định làm phá vỡ thế trung lập trước đây của Pháp. Điều này làm căng thẳng giữa Paris và Alger leo thang, đặc biệt khi một số người gốc Algérie tại Pháp bị bắt vì có những tuyên truyền mang tính kích động hận thù và ủng hộ bạo lực.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, ngoại giao đóng vai trò then chốt để tránh cho quan hệ song phương thêm căng thẳng. Nhật báo Công Giáo kết luận rằng mặc dù đối mặt với nhiều thử thách, Pháp và Algérie có quá nhiều lợi ích chung và không ai muốn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
No comments:
Post a Comment