Monday, January 13, 2025

Ai trả giá cho canh bạc cắt khí đốt của Zelensky ?
Minh Anh
Đăng ngày: 13/01/2025 - 15:10
RFI

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã quyết định không gia hạn hợp đồng cho phép trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua ngả Ukraina, với hy vọng có thể cắt đứt nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Mike Fredenburg, chuyên về chính sách quốc phòng tại Mỹ, thì quyết định này của ông Zelensky gây thiệt hại nhiều cho Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu hơn là Nga.

Hình ảnh một trạm phân phối đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod, cách thành phố Kursk ở phía tây nam nước Nga khoảng 30 km (19 dặm) ngày 4 tháng 1 năm 2006. REUTERS - Sergei Karpukhin

Trên nguyên tắc, việc Kiev không triển hạn hợp đồng làm cho Nga mất mỗi năm khoản 5 tỷ đô la từ nguồn thu bán khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraina, tức chiếm khoảng 0,22% trong tổng số hơn 2,1 ngàn tỷ đô la GDP của Nga trong năm 2024. Phía Ukraina thiệt hại một tỷ đô la (mất phí trung chuyển), tức chiếm khoảng 0,56% trong tổng số hơn 189 tỷ đô la GDP năm 2024.

Theo ông Mike Fredenburg, quyết định này trước hết là một đòn trừng phạt của Ukraina nhằm vào hai nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu là Slovakia và Hungary, vốn dĩ phụ thuộc đến gần 70% vào nguồn cung khí đốt và dầu lửa của Nga, nhưng luôn phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraina và đôi khi cản trở viện trợ quân sự cho Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lược.

Đáp trả, tổng thống Slovakia Robert Fico dọa cắt xuất khẩu điện sang Ukraina. Bởi lẽ đơn giản, Ukraina hiện đang phụ thuộc nhiều vào châu Âu và Hoa Kỳ về nhu cầu điện và nhiên liệu hóa thạch. Các cuộc không kích của Nga đã khiến Ukraina mất hơn 73% sản lượng nhiệt điện. Tính đến tháng 11/2024, nguồn nhập khẩu điện chính cho Ukraina chủ yếu đến từ các nước như Ba Lan, Rumani, Hungary, Moldova và nhất là Slovakia, chiếm đến 19% nguồn nhập khẩu điện của Kiev.

Việc ngưng trung chuyển khí đốt đặt Kiev trước một tình thế lưỡng nan : Khí đốt tự nhiên đi từ Nga sang Slovakia quả thật đang tạo ra một nguồn thu cho Matxcơva mà ông Zelensky muốn cắt đứt nhưng chúng lại được sử dụng để tạo ra điện mà Ukraina rất cần cho cả người dân lẫn công nghiệp quốc phòng.

Cuộc đấu khẩu giữa Zelensky và Fico chỉ là sự kiện mới nhất trong cuộc chiến năng lượng giữa Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và Nga. Nhưng quyết định của ông Zelensky còn đẩy giá khí đốt Nga tại châu Âu, vốn dĩ đã tăng đột biến, mà đỉnh điểm vào năm 2022 hơn 150%, và hiện còn ở mức hơn 300% so với mức giá mà châu Âu hưởng lợi trước khi EU và Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt.

Điều trớ trêu là những biện pháp trừng phạt đó không đè bẹp được nền kinh tế Nga. Nếu như GDP của EU giảm mạnh từ 3,4% trong năm 2022 xuống còn ở mức 0,4% năm 2023 và 2024 dự kiến tăng 0,9%, nền kinh tế Nga – tuy có bị ảnh hưởng của những trừng phạt đó – vẫn có mức tăng trưởng là 1,2% (2022), 3 ,6% (2023) và 3,9% năm 2024, nhờ bán được nguồn năng lượng dồi dào (vì rẻ) cho nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ. Các nước này mua rồi bán lại cho châu Âu với giá cao hơn.

Điều này đã khiến nhiều nền kinh tế lớn châu Âu lao đao, đặc biệt là Đức – nền tảng kinh tế của Liên Âu khi phải chứng kiến GDP giảm xuống chỉ còn 0,1% trong năm 2024. Việc mất đi nguồn nhiên liệu giá rẻ của Nga giáng một đòn mạnh cho nền sản xuất ngốn nhiều năng lượng của Đức. Không chỉ riêng châu Âu, tại Mỹ, người tiêu dùng và các doanh nghiệp cũng phải trả thêm hơn 100 ỷ đô la cho khí đốt tự nhiên do phải cạnh tranh với mức giá cao mà châu Âu sẵn sàng trả cho khí LNG của Mỹ.

Sự việc cho thấy một số nước trong Liên Âu không có cùng đánh giá về Nga như Bruxelles. Tổng thống Slovakia và thủ tướng Hungary không xem Nga như là một mối đe dọa và ngược lại, cũng không muốn bị đánh giá là kẻ thù của Nga. Ông Robert Fico tỏ ra thấu hiểu mong muốn của Ukraina là một quốc gia có chủ quyền, nhưng việc Hoa Kỳ thúc đẩy tư cách thành viên NATO của Kiev, xin trích, là « một sự bảo đảm cho Thế chiến thứ III ». Và do vậy ông kêu gọi một sự thỏa hiệp, rằng Kiev nên từ bỏ ảo tưởng Matxcơva buông vùng Crimée, Donbass hay Luhansk.

Đương nhiên, những tuyên bố này không làm cho tổng thống Zelensky hài lòng. Nhưng việc không triển hạn hợp đồng chuyển khí đốt chỉ tác động rất ít đến Nga và nước này dường như không gần bị sụp đổ như nhiều chuyên gia khẳng định trên các phương tiện truyền thông, trong khi Ukraina mất hàng tỷ đô la và có nguy cơ phải trả phí nhập khẩu điện và nhiên liệu tăng cao từ các nước láng giềng do quyết định trên của ông, có hiệu lực ngay từ ngày 01/01/2025.

No comments:

Post a Comment