Tuesday, October 1, 2024

Việt Nam từ chối 49 khuyến nghị ‘mấu chốt’ về nhân quyền; giới tranh đấu thất vọng
VOA Tiếng Việt
01/10/2024
VOA

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt phát biểu tại khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 27/9/2024. Photo UN Web TV.


Giới tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam bày tỏ sự thất vọng sau khi chính quyền nước này chỉ tiếp nhận 271 trong số 320 khuyến nghị đã được đưa ra vào kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.

“Sau khi xem xét kỹ lưỡng, tôi vui mừng thông báo rằng Việt Nam chấp nhận 271 khuyến nghị - trong đó có 253 khuyến nghị chấp nhận đầy đủ và 18 khuyến nghị chấp nhận một phần, tương đương 84,7%, cao nhất trong bốn chu kỳ UPR qua”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt phát biểu tại khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 27/9.

Ông Việt nhắc lại rằng hồi kỳ họp vào tháng 5/2024, Việt Nam đã nhận được 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia thành viên, nhấn mạnh rằng “chúng tôi đã xem xét tất cả các khuyến nghị này thông qua một quy trình tham vấn nghiêm ngặt”.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân quyền phi chính phủ tham dự phiên họp hôm 27/9 bày tỏ sự bất mãn khi Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam.

Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, phát biểu tại phiên họp ngày 27/9/2024.

“Trong 49 khuyến nghị mà họ từ chối, có những vấn đề mấu chốt, những vấn đề rất quan trọng. Nếu tiếp tục bác bỏ các khuyến nghị này, Việt Nam sẽ không bao giờ có nhân quyền. Và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền sẽ luôn luôn sống trong bầu không khí sợ hãi vì họ có thể bị bắt bất cứ khi nào”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, nêu nhận định với VOA.

Bà Ỷ Lan là một trong những người có mặt và phát biểu phản đối quyết định của chính quyền Việt Nam tại phiên họp hôm 27/9 ở Geneva, Thụy Sĩ, trước sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Việt dẫn đầu.

“Các khuyến nghị kêu gọi sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật, bao gồm Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự, thường được sử dụng để trừng phạt các cá nhân vì thực hiện quyền con người của họ, đã không được chấp nhận”, bà Faulkner phát biểu hôm 27/9 trong phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp.

“Các điều luật về an ninh quốc gia này là những điều luật rất mơ hồ. Việt Nam muốn sử dụng các điều luật này để bắt bớ bất cứ ai đang chỉ trích chính quyền”, bà Ỷ Lan nhận xét với VOA.

Ông Nicola Paccamiccio, điều phối viên vận động tại LHQ của HRW, phát biểu.

“Chúng tôi vô cùng thất vọng vì trong số 49 khuyến nghị không được Việt Nam chấp nhận, nhiều khuyến nghị trong số đó liên quan trực tiếp đến những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có một số lời kêu gọi trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị cầm tù vì thực thi các quyền cơ bản của họ”, ông Nicola Paccamiccio, điều phối viên của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu.

Vị đại diện HRW nói thêm rằng Việt Nam thậm chí còn bác bỏ khuyến nghị về việc chấm dứt ngay lập tức mọi hành động trả thù đối với những người hợp tác với LHQ về các vấn đề nhân quyền, dù sự trả thù như vậy đã được Cao ủy Nhân quyền LHQ xác định là có xảy ra.

Các khuyến nghị khác mà giới quan sát và giới hoạt động xem là quan trọng và cốt lõi về nhân quyền, nhưng đã bị Hà Nội khước từ bao gồm khuyến nghị về việc bãi bỏ án tử hình, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; chấm dứt việc trả thù nhằm vào người tranh đấu khi họ báo cáo các vi phạm cho LHQ; hay khuyến nghị về việc thiết lập một viện nhân quyền độc lập tại Việt Nam.

“Những khuyến nghị bị Việt Nam bác khước liên quan đến các quyền vô cùng quan trọng về quyền dân sự và chính trị của người dân Việt Nam”, ông Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở bang California, Mỹ, đưa ra ý kiến với VOA.

“Chúng tôi không thể chấp nhận các khuyến nghị hoặc một phần các khuyến nghị do chúng tôi tin rằng không khả thi trong khung thời gian thực tế”, Thứ trưởng Việt đưa lý do.

“Có những khuyến nghị sửa đổi luật hiện hành hoặc tham gia các công cụ nhân quyền quốc tế bổ sung, nhưng chúng không phù hợp với các kế hoạch và quy trình xây dựng luật của chúng tôi”, nhà ngoại giao Việt Nam biện hộ, và nói tiếp: “Điển hình là kiến nghị sửa đổi Luật tôn giáo, tín ngưỡng được thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ năm 2018. Trên thực tế, một luật cụ thể chỉ được xem xét sau ít nhất 10 năm thi hành”.

“Có một số ít khuyến nghị hoặc yếu tố mà chúng tôi cho rằng đã xuyên tạc tình hình ở Việt Nam”, vẫn lời ông Việt. “Ví dụ, những khuyến nghị như ‘Trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì thực thi quyền con người của họ’ là dựa trên những thông tin không chính xác”.

Ngoài ra, trưởng phái đoàn Việt Nam, còn lặp lại rằng “không ai bị giam giữ hoặc trừng phạt khi thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Một người chỉ có thể bị giam giữ vì tội hình sự và chỉ sau khi bị tòa án tuyên bố có tội”.

Trong bài phát biểu bế mạc, ông Việt lặp lại nội dung tương tự, và nói thêm rằng thành tích thoát nghèo của nước này là một trong những thành tựu nhân quyền quan trọng của quốc gia cộng sản.

Tại kỳ UPR chu kỳ III năm 2019, chính quyền Việt Nam chấp nhận 241 khuyến nghị trong số 291 khuyến nghị. Nước này tự đánh giá họ đã “hoàn thành thực hiện có kết quả” 209 khuyến nghị; thực hiện một phần là 30 khuyến nghị.

Giới tranh đấu cho rằng với tình hình thực tế vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng” tại Việt Nam, và dù Hà Nội là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, sẽ không có một viễn cảnh tốt đẹp cho đất nước này về các quyền căn bản của người dân.

“Qua phản ứng của chính quyền Việt Nam về các khuyến nghị này, tôi thấy họ hoàn toàn thiếu thiện chí”, ông Nguyễn Bá Tùng bình luận.

No comments:

Post a Comment