Tuesday, October 1, 2024

Đường sắt Bắc Nam
Dương Quốc Chính
1-10-2024
Tiengdan

Từ đợt dịch đến giờ, Việt Nam đầu tư công rất mạnh, mình cho là thuộc loại mạnh nhất trong lịch sử hình thành nhà nước XHCN. Điển hình là sân bay Long Thành, mạng lưới đường cao tốc, hạ tầng điện, cả nước đầu tư phát triển hạ tầng.

Từ lúc chớm dịch, mình đã viết một status về kinh tế hậu dịch, dự báo thôi. Đại khái là sau dịch sẽ là suy trầm kinh tế và kiểu của Việt Nam sẽ là đẩy mạnh đầu tư công để vực dậy nền kinh tế, bài của Keynes thôi. Nhưng đa số cần lao không biết lý do đó, cứ thấy xây nhiều là hoan hỉ.

Cũng ở một số status khác mình đã viết, nay nhắc lại thôi, kinh tế Việt Nam mấy năm tương đối trì trệ, thấy rõ ở mảng tư nhân, còn GDP thì không thấy tụt, vì đầu tư công kia kéo lại. Kiểu chủ các cửa hàng ở Sài Gòn, Hà Nội trả lại mặt bằng… là minh chứng.

Nhưng kinh tế Việt Nam không chỉ có vấn đề do dịch, đó là vấn đề toàn cầu rồi. Mà còn có vấn đề khác nữa, là do đốt lò. Anh em quan lại không dám ký cọt, vì sợ sai, sợ phải vào lò. Nên giải ngân đầu tư công rất chậm. Nên đồng nghĩa với việc dùng đầu tư công làm đòn bẩy kinh tế cũng gặp trở ngại lớn.

Trong hoàn cảnh đó, cái chết của Tổng bí thư đã tạo nên một bước ngoặt, liệu có tháo gỡ được sự trì trệ do đốt lò? Và việc dùng đầu tư công để vực dậy nền kinh tế càng trở nên cấp bách hơn.

Vừa rồi, Bộ Chính trị thông qua chủ trương đầu tư vào đường sắt cao tốc Bắc Nam là nằm trong bối cảnh đó. Việc đầu tư vào hạ tầng để phát triển kinh tế thành công nhất mang tính đột phá, đẩy lùi kinh tế suy thoái, có lẽ bắt đầu từ… Hitler! Thời điểm này cũng thời hoàng kim của chính sách kinh tế kiểu Keynes với New Deal ở Mỹ bởi Roosevelt. Kéo nước Mỹ khỏi đại suy thoái đầu những năm 1930.

Hitler lấy số má được trước nhân dân có lẽ cũng từ thành tích đó, trong khi vẫn duy trì nền độc tài và kinh tế không tự do như Mỹ. Đấy là tấm gương chói lọi cho các chính trị gia… độc tài cho đến tận ngày nay. Đó là cứ suy thoái là đầu tư công thật mạnh.

Về mặt lý thuyết kinh tế, thì cũng không sai. Thực ra bây giờ các nước vẫn quản lý kinh tế kiểu hỗn hợp chứ không phải chỉ độc tài mới hay dùng bài của Keynes, nhưng thường độc tài hay gần như thế thì thích chơi kiểu này hơn.

Để ý ở Mỹ, hai đảng rất hay chửi nhau về đầu tư công, trần nợ công, ngân sách chính phủ… Là do đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ thường có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Cánh hữu có xu hướng chính phủ tối thiểu, hạn chế tối đa đầu tư công, hạn chế nợ công… còn bên Dân chủ thì ngược lại. Chính trị Mỹ cứ chao đảo giữa hai xu hướng đó để luôn xử lý được các vấn đề kinh tế.

Còn Việt Nam và Trung Quốc thì độc đảng, nên Bộ Chính trị mà chốt thì Quốc hội cũng phải tìm cách mà thực thi cho thống nhất. Nên việc đầu tư đường sắt cao tốc này chắc không còn tranh cãi về chủ trương nữa mà chỉ còn tranh cãi các vấn đề kỹ thuật. Dự án này có lẽ là dự án công lớn nhất từ trước đến nay? Vì dự án điện hạt nhân đã xịt.

Về phát triển đường sắt xuyên Việt, về mặt địa lý, mình nghĩ Việt Nam làm là hợp lý, vì các đô thị lớn phát triển thành chuỗi dọc theo đất nước. Mỹ thì cư dân phân tán nên không phù hợp với đường sắt cao tốc. Vấn đề chọn tốc độ nào, năng lực quản lý và nguồn vốn từ đâu?

Trước thấy cãi nhau inh ỏi về chọn tàu tốc độ cao hay trung bình. Trung bình thì hợp với năng lực quản lý của Việt Nam hơn và cũng phù hợp với khoảng cách ngắn giữa các ga. Giờ đùng cái Bộ Chính trị chốt tốc độ cao, chở người là chính chở hàng là phụ, chuyên gia nín hết, chỉ bàn làm, không bàn lùi! Chọn loại nào đôi khi là vấn đề ngoại giao và chính trị, như hồi chọn thầu nhà máy điện hạt nhân ấy. Liên quan đến đối tác cho vay nữa, ông cho vay ông ấy xin luôn làm thầu!

Ở Việt Nam, với một Quốc hội yếu, lại không có Xã hội dân sự, thông thường các dự án công đều có xu hướng phụ thuộc ý chí của một vài người. Nó là sự kết hợp giữa ý chí chính trị và… lobby. Thông thường giới quan chức không quan tâm nhiều đến hiệu quả của dự án, mình lập dự án đầu tư thường phải viết chương sự cần thiết phải đầu tư và đánh giá hiệu quả dự án thì toàn copy văn mẫu vì có ai đọc đâu!

Thường quan chức cứ thấy có dự án cho ngành mình, địa phương mình là hoan hỉ, đồng ý tất, vì có dự án là có… à, mà thôi. Thế nên rất nhiều dự án công xây xong rồi đắp chiếu, một số đồng chí đi tù rồi vẫn vậy.

Về năng lực quản lý và khả năng đội vốn thì chắc sẽ có vấn đề, cứ nhìn đường sắt trên cao ở Hà Nội và Sài Gòn là thấy, tầm 15 năm rồi. Thì cái này chắc 20-30 năm? Thông thường việc đội vốn không phải do người ta không biết tính toán đâu, mà là thủ pháp, đề xuất tối thiểu để dễ được thông qua đã, rồi đội vốn sau. Cái nguy hiểm của một dự án bị chậm là rất nhiều tiền bị chôn xuống đất dẫn tới lãi vay thành gánh nặng.

Không nên lấy sân bay Long Thành làm ví dụ, vì cái đó đơn giản hơn nhiều so với dự án này.

Một dự báo tiếp theo là theo thông lệ, cứ đầu tư công ầm ầm đi, rồi bắt sau! Giống hồi chống dịch ấy. Hệ thống chính trị hừng hực khí thế tiêu ngân sách để chống dịch cũng kiểu “chỉ bàn làm, không bàn lùi”… Xong rồi kéo nhau đi tù cả! Bởi vì với Việt Nam thì đã làm dự án là phải abc, không thì làm làm gì?! Mà abc rồi thì kiểu gì cũng lộ ít nhiều. Cứ chờ xem. Hồi xưa từ lúc xây Sân vận động Mỹ Đình, đường điện 500KV… đều bắt một mớ các sếp. Bây giờ cứ để cho làm xong đi đã.

Tóm lại, việc làm cái đường sắt này về chủ trương mình cho là không sai. Mục tiêu dài hạn là phát triển kinh tế, mục tiêu ngắn hạn là tránh rơi vào suy trầm. Vấn đề là năng lực quản lý tới đâu, liệu có rơi vào bẫy nợ công như Lào hay không? Mình không phải chuyên gia gì cả nên chỉ tâm tư vậy thôi, nếu 30 năm nữa mới xong thì mình cũng tèo rồi, nợ công con mình trả!

No comments:

Post a Comment